Đời nghệ sĩ khi hào quang đã tắt

Đời nghệ sĩ khi hào quang đã tắt
TP - TT dưỡng lão nghệ sỹ TPHCM mới nhìn cũng giống những TT nuôi dưỡng người già khác. Thỉnh thoảng, từ TT vọng ra tiếng đàn tiếng hát, đó là niềm vui còn lại của những nghệ sỹ đã một thời vang bóng.
Đời nghệ sĩ khi hào quang đã tắt ảnh 1
2 ca sỹ Hiền Thục- Phương Thùy (ngồi giữa) đang trò chuyện với các nghệ sỹ già  tại Trung tâm

Nằm trong một căn hẻm sâu đường Âu Dương Lân, quận 8, trung tâm cũng có những căn nhà dài, những chiếc sân rộng, những hàng ghế đá dưới hàng cây và những bóng người ngồi lặng suốt ngày. Có khác là thỉnh thoảng, từ trung tâm vọng ra tiếng đàn tiếng hát, đó là niềm vui còn lại của những nghệ sỹ đã một thời vang bóng.

Hào quang một thời

Nghệ sỹ Lệ Thẩm quê Bạc Liêu, mảnh đất đã ghi dấu với “Dạ cổ Hoài Lang” của Nghệ sỹ Cao Văn Lầu. Ngay từ nhỏ, cuộc sống của Lệ Thẩm đã thấm đẫm những câu vọng cổ từ những đêm đờn ca tài tử. Yêu nghệ thuật cải lương và có năng khiếu sân khấu, Lệ Thẩm đã sớm tìm đến với bộ môn nghệ thuật này.

Từ những năm 60 thế kỷ trước, khán giả cải lương Sài Gòn đã biết tới Lệ Thẩm với những vai đào thương duyên dáng trong các vở “Cô gái áo vàng”, “Tấm Cám”, “Miếng thịt người”… diễn cùng nhiều nghệ sỹ tài danh khác như Thanh Tuấn, Tám Vân, Hoàng Kinh.

Vai diễn mà nghệ sỹ Lệ  Thẩm nhớ mãi là Tấm (trong Tấm Cám) đã đưa tên tuổi của cô đi khắp nơi. Từ đoàn Năm Châu rồi qua Tiếng Chuông, đến một thời Lệ Thẩm cùng chồng (Nghệ sỹ Tuấn Sỹ) xây dựng đoàn hát Nhụy Hương. Sau năm 1975, nghệ sỹ Lệ Thẩm còn tham gia diễn trong đoàn cải lương Sài Gòn 3 một thời gian.

Nghệ sỹ Bạch Yến quê Hà Nội. Đi hát từ năm 16 tuổi trong đoàn cải lương Kim Chung, Bạch Yến thành danh với nhiều vai diễn để đời như Lữ Bố, Phàn Lê Huê…. và thường xuyên được phân vai đào võ hay kép độc.

Năm 1954, sau nỗi đau chồng mất, 2 đứa con còn nhỏ, Bạch Yến theo đoàn vào Nam trình diễn. Nào ngờ đó là chuyến đi lâu nhất trong đời bà khi những biến cố chính trị phân chia 2 miền Nam Bắc khiến cả đoàn phải ở lại miền Nam.

Từ đoàn Kim Chung, nghệ sỹ Bạch Yến đã chuyển qua đoàn Thanh Minh Thanh Nga, Năm Phỉ Kim Cương để rồi sau này thành lập đoàn hát riêng mang tên Bạch Yến.

Dù khó khăn một chút vì giọng Bắc không hợp với gu thưởng thức cải lương ở miền Nam nhưng đoàn Bạch Yến vẫn đứng vững, trở thành một trong những đoàn hát sáng giá một thời trong thị trường sân khấu miền Nam trước giải phóng.

Thành Phát là một người viết kịch khá tiếng tăm trong làng cải lương trước giải phóng. Ông có nhiều vở diễn được nhiều người biết tới như “Tìm dĩ vãng”, “Núi Liễu sông Bằng”, “Hồi trống Văn Lâu”, “Gái nhảy”…

Có một thời, ông cùng với tác giả Thiếu Linh trở thành cặp bài trùng Thành- Linh được nhiều đoàn hát mến mộ, thường xuyên đặt vở. “Ngày đó chúng tôi không nghĩ đến tương lai đâu, tiền thì nhiều lắm nhưng được bao nhiêu lại đổ vào chơi bời hút xách hết. Chính vì thế, nổi tiếng nhưng khi rời sân khấu thì vẫn nghèo” - Ông kể với giọng bùi ngùi.

Trong trung tâm còn có nhiều nghệ sỹ tài danh khác như NSƯT Đặng Lợi- Một trong 7 người  đầu tiên đi học sân khấu múa rối và sau giải phóng, ông là người đầu tiên xung phong vào xây dựng sân khấu múa rối phía Nam. NSƯT Thanh Hùng đã từng hát ở đoàn Kim Chung.

Năm 1964, Thanh Hùng vào chiến khu tham gia Cách mạng sau đó được cử ra Bắc học tập. Sau này về Nam, ông đã tham gia công tác quản lý ngành sân khấu. Cô Năm Cần Thơ, một giọng ca có tiếng trong làng cải lương trước giải phóng…

Bài học từ người đi trước

Đời nghệ sĩ khi hào quang đã tắt ảnh 2
Các nghệ sỹ tại Trung tâm 

Trung tâm nuôi dưỡng nghệ sỹ được thành lập từ năm 1997 theo đề nghị của NSND Phùng Há tại đại hội Sân khấu nhiệm kỳ II. Hiện trung tâm đang nuôi dưỡng 20 nghệ sỹ đều là những người đã từng gắn bó cuộc đời mình cho sân khấu, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chọn nơi đây làm nơi nương náu phần đời còn lại.

Ông Tần Nguyên- Cán bộ thuộc Ban ái hữu nghệ sỹ- Nơi quản lý trung tâm cho biết: “Theo quy định, chỉ những người là thành viên Hội nghệ sỹ và có 25 năm theo nghề diễn mới được vào đây.

Tuy nhiên, thông cảm với những anh em nghệ sỹ tuy không tham gia Hội nhưng có hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi đều tiếp nhận. Hiện nay, tiêu chuẩn của Nhà nước cấp cho các nghệ sỹ ở đây là 4 ngàn đồng/ngày, Hội cũng vận động thêm kinh phí đài thọ cho các anh chị 8 ngàn đồng/ngày”.

Hào quang sân khấu đã tắt, nghệ sĩ phải trở về với đời thường, đối mặt với những lo toan của cuộc sống. Là những người đã quen với cuộc sống tài tử, khi sa cơ các nghệ sỹ đều có hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Người thì con cái quá nghèo, người thì không có con, họ từng phải bon chen kiếm sống bằng những nghề cơ cực không liên quan đến nghệ thuật như bán dạo, làm rẫy…

Vào với trung tâm, dù sao họ cũng có được chỗ ở, đủ ăn. Hơn nữa, họ được chăm lo về bệnh tật, về đời sống tinh thần. Như NSƯT Đặng Lợi, NSƯT Thanh Hùng, nghệ sỹ Năm Cần Thơ… đều đang phải nằm bệnh viện chữa bệnh. Còn nhiều nghệ sỹ khác già yếu thì ở trung tâm cũng được y sỹ chăm lo từng ngày.

“Nhưng chúng tôi sống ở đây còn vì có bầu có bạn. Cùng cảnh ngộ nghệ sỹ nghèo khó, chúng tôi được sống bên nhau, được chia sẻ, thông cảm với nhau…” - Nghệ sỹ Bạch Yến cho biết. Bây giờ, cứ đêm rằm là các nghệ sỹ lại tổ chức đêm nhạc. Viết lời hát, kịch bản thì có sẵn Thành Phát, Hoàng Nô.

Tay đờn thì có Cô Bê- Người chơi piano sân khấu nổi tiếng một thời, rồi Lam Sơn, Tư Em. Về giọng ca thì khỏi bàn, những Bạch Yến, Lệ Thẩm, Tư Tâm, Tuyết Nga… Dù rằng đã qua thời vàng son nhưng những giọng ca, tiếng đờn vẫn còn… bắt lắm.

“Từ khi trung tâm được thành lập, nhiều đoàn khách đã đến thăm hỏi, động viên các nghệ sỹ ở đây” - Ông Nguyên cho biết. Hôm chúng tôi tới trung tâm cũng gặp 2 nghệ sỹ trẻ đang trò chuyện với những nghệ sỹ ở đây. Đó là Hiền Thục và Phương Thùy.

Các nghệ sỹ già nắm tay nghệ sỹ trẻ rưng rưng: “Trời đất ơi! Thấy các con trên ti vi hoài à, mà giờ mới được gặp. Vui quá đi!”. Nghệ sỹ già nói về quá khứ đầy hào quang của mình, nghệ sỹ trẻ nói về mơ ước tương lai.

Anh Hồng Minh- Công ty Cát Tiên Sa- đơn vị tổ chức cho các nghệ sỹ trẻ đi thăm trung tâm bảo: “Chúng tôi mong muốn được đưa các nghệ sỹ trẻ đến đây để họ thêm hiểu về cuộc sống của người nghệ sỹ.

Mọi hào quang, danh vọng tiền tài dù có nhiều đến lúc nào rồi cũng hết. Hy vọng từ bài học của những người đi trước, họ sẽ có ý thức hơn trong công việc và tương lai”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.