Đời sống mạnh hơn suy tưởng

Đời sống mạnh hơn suy tưởng
Nhà văn Pháp Claude Simon, người đoạt giải Nobel Văn học 1985, là một trong những cây bút xuất sắc của văn học Pháp. Trong ông và các tác phẩm của ông, đời sống bao giờ cũng mạnh hơn suy tưởng.
Đời sống mạnh hơn suy tưởng ảnh 1
Claude Simon

Nhà văn Pháp Claude Simon sinh ngày 10 tháng 10 năm 1913 ở Tananarive, Madagasca, nơi cha ông đang làm nhiệm vụ với tư cách đại úy lính thủy đánh bộ trong đạo quân thuộc địa Pháp. Khi chiến tranh lần thứ nhất nổ ra, gia đình chuyển về Tổ quốc.

Sau khi cha chết, ông ở với mẹ tại Perpignan (Pyrénées - Orientales), nơi gia đình có một cơ ngơi khá giả.

Năm 1924, mẹ mất, ông ở lại với ông bà ngoại. Ông học trung học phổ thông ở trường Stanislas, Paris cho đến khi tốt nghiệp. Đang học dự bị Đại học Hàng hải, ông bỏ học để theo lớp hội họa của họa sỹ lập thể André Lhote.

Tuy vậy, ông rất thích nhiếp ảnh. Năm 1936, do có cảm tình với các chiến sỹ cộng hòa Tây Ban Nha, ông sang Tây Ban Nha chiến đấu cùng họ. Rồi ông du lịch một số nơi ở châu Âu.

Năm 1939, ông bị động viên vào quân đội, chiến đấu trong trung đoàn kỵ binh số 31. Tháng 5/1940, ông bị bắt làm tù binh. Đến tháng 10 năm ấy, ông trốn thoát trại giam IVB ở Muhlberg am der Elbe, Saxe, và trở về Salses gần Perpignan bấy giờ là vùng tự do.

Ông tham gia kháng chiến chống Đức. Năm 1944, ông về Paris, tiếp nhận một trung tâm chỉ dẫn kháng chiến cho đến hết chiến tranh. Trong khói lửa bom đạn, ông vẫn vẽ tranh, chụp ảnh và đặc biệt là viết văn.

Năm 1941, ông hoàn thành tiểu thuyết đầu tiên Người gian lận, được in năm 1946 ở Nhà xuất bản Sagittaire. Từ đó, ông chăm chỉ viết và cho ra mắt đều đặn chừng hai mươi tiểu thuyết cho đến khi qua đời. Nổi bật trong số đó là Con đường xứ Flandres (1960), Gió (1957), Cỏ (1958), Thơ đồng quê (1981), …

Ông sống chủ yếu ở Paris, phố Bernard - Palissy. Mỗi năm vài tháng về điền trang của mình ở Pyrénées - Orientales. Tại đây, ông vừa viết văn vừa trồng nho. Điều đặc biệt là khi ông chết, người ta mai táng ông, rồi mới loan tin.

Tổng thống Jacques Chirac nói: “Cái chết này lấy đi của nước Pháp một trong những nhà văn chủ chốt của mình”. “Đòi hỏi cao của ông đối với phong cách cho thấy tham vọng diễn tả chính xác nhất sự phức tạp của thế giới chúng ta”. “Tác phẩm của ông, được thừa nhận trên toàn thế giới, lại được nhận vầng hào quang của Nobel văn học, tiếp tục nói với chúng ta về giá trị quan trọng của ký ức để chúng ta chấn chỉnh sự rối bời ồn ã của thế giới và của lịch sử”.

Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin tuyên bố: “Cho đến tiểu thuyết cuối cùng của ông, Tầu điện, 2001, Claude Simon vẫn đi một con đường riêng trong văn học cũng như trong ngôn ngữ Pháp”. “Qua những câu dài ngồn ngộn trong Cỏ hay Con đường xứ Flandes, qua những từ ngữ giản dị một cách hoàn mỹ, ông muốn hoàn trả lại cho văn chương và công chúng tầm vóc không thể xem thường của cái nhìn và của kỷ niệm, cũng như sự đứt nối của tri giác”.

“Đằng sau chất tự sự vô cùng đặc sắc, các tiểu thuyết của Claude Simon chung đúc nên một cảm nhận riêng biệt và xao xuyến con tim đối với thế kỷ vừa qua, cảm nhận của một con người bị chấn động mạnh bởi các cuộc chiến tranh và bởi lịch sử”.

Bộ trưởng Văn hóa Pháp Renaud Donnedieu de Vabres cũng không kém phần thuyết phục: “Claude Simon là hiện thân của sự đổi mới văn học Pháp sau chiến tranh”. “Sự chối bỏ ước lệ, sự kiếm tìm cái riêng cơ bản của con người, đó là bản sắc tác phẩm cũng như động lực sáng tạo của ông”.

“Đối với chúng ta, các bộ sách của ông là một bằng chứng sinh động, từ nay trở thành bất tử, của việc vượt qua chính mình, sự vượt đó là văn chương vậy”.

Quốc vụ khanh Anne Hidalgo thì nhấn mạnh: “Sự nhập cuộc của ông để đối đầu với những đau khổ của thời đại đã nuôi dưỡng toàn bộ sự nghiệp văn chương của ông”.

Chuyện lạ là trong khi ông khá nổi tiếng ở nước ngoài ngay sau những tiểu thuyết đầu tiên thì ở trong nước, ông không được tìm đọc mấy. Sự thừa nhận rộng rãi ở Pháp chỉ đến với ông từ khi ông được trao tặng Nobel văn chương 1985. Có lẽ độc giả Pháp chưa nhận chân ngay được những cách tân của Claude Simon, lại không hiểu vì sao Jean – Paul Sartre từ chối Nobel văn học 1964: có phải vì việc này, CH Pháp không được Nobel văn chương nào suốt hai mươi mốt năm tiếp sau.

Do đó, bây giờ, họ như bừng tỉnh. Và mọi tác phẩm của Simon được tái bản liên tục. Các tác phẩm sau đó đều nổi đình đám, đều là những sự kiện truyền thông rầm rộ, nhất là truyện Mời thăm (1988). Hiện nay, một số nhà phê bình coi Claude Simon là một chủ soái của “Phong trào Tiểu thuyết mới”.

Có điều, trong lúc các nhà Tiểu thuyết mới khác chăm chú vào đổi mới hình thức, biến các định hướng ban đầu thành giáo điều, Claude Simon vẫn coi trọng nội dung. Nội dung này xuất phát từ những chuyện ông từng trải, những người ông từng gặp.

Tiểu thuyết của ông thường có cốt truyện, nhưng cốt truyện ấy không phải hợp lý từ đầu đến cuối, và cũng không tuân theo một trật tự thuyết phục được người đọc.

Thậm chí, ông còn cho biết trên Tạp chí văn học năm 1990 rằng Thơ đồng quê (một tiểu thuyết của ông) không có yếu tố hư cấu nào, “ấy là vì rốt cuộc, tôi giác ngộ (hay cảm nhận) được rằng thực tế vượt qua hư cấu”.

MỚI - NÓNG