Đối thoại đen

Đối thoại đen
TPO - “Tôi hay vẽ màu đen, đó là màu duy nhất lấy lại được bình ổn trong lòng tôi” - họa sĩ Lục Quốc Nhượng tâm sự khi ông chuẩn bị ra mắt triển lãm "Đối thoại" tại Ngôi nhà Nghệ thuật, 31A Văn Miếu, Hà Nội, từ 14/3 - 2/4/2008.
Đối thoại đen ảnh 1
Bức "Tôi" của họa sĩ Lục Quốc Nhượng đặt tại "Đối thoại".

30 bức sơn dầu là những sáng tác trong thời gian gần đây của họa sĩ, một tư duy sáng tác nhất quán xuyên suốt.

Nếu tranh thời kỳ đầu của ông còn nệ thực thì càng về sau tranh của ông càng tiến dần tới trừu tượng. Phong cách của ông mang tính phóng khoáng, phá bỏ mọi luật lệ trường quy hay sự can thiệp của lý tính mà thiên về vẻ hồn nhiên và bản năng.

Đối với ông, vẽ là một cái nghiệp, là sự giải toả thế giới nội tâm - qua đó ông gửi gắm được nỗi ưu tư, trăn trở trước cuộc sống và thân phận con người.

Khác với nhiều họa sĩ, đề tài luôn có trước, Lục Quốc Nhượng không quan tâm đến nó khi đứng trước tấm toan, mà để nó mặc nhiên đến với dòng cảm xúc tuôn chảy theo ngọn bút. Duy có một điều ông thường lựa chọn- đó là màu đen.

Tại sao lại là màu đen? Ông lý giải rất đơn giản rằng: “Tôi hay vẽ màu đen, đó là màu duy nhất lấy lại được bình ổn trong lòng tôi”.

Có thể nói Lục Quốc Nhượng rất có duyên với màu đen, dường như ông hoàn toàn làm chủ nó, gọi nó chảy theo dòng cảm xúc của vô thức.

Đôi khi, ông vẽ tranh bằng một số màu sắc khác, nhưng tranh đen-trắng của ông vẫn ấn tượng hơn cả.

Những đứa con tinh thần của Lục Quốc Nhượng rất hiếm khi có cái tên cụ thể, rành mạch, mà thường thì ông hay đặt là chân dung 1, 2, 3… hay thậm chí là vô đề.

Đối thoại đen ảnh 2
Bức "Không đề 1".

Đối với ông, đặt tên tranh là điều vô cùng khó khăn, khó hơn cả việc làm ra nó, bởi lẽ, tranh của ông nhằm gợi chứ không tả, nên một cái tên cụ thể nào đó đều khó lòng thoả mãn.

Tranh của ông lúc là đường nét nghuệch ngoạc, khi thì thấp thoáng hình bóng con người trên nền đen đặc, độ chênh sáng tối rất tinh tế, gợi cho ta cảm giác nghệ thuật nguyên thuỷ trên các vách đá, hang động của người xưa.

MỚI - NÓNG