Đối thoại với Xổm

Đối thoại với Xổm
Điều khác biệt của “show” trình diễn Xổm vừa diễn ra ở trụ sở Hội đồng Anh (10/4) là phần dành cho khán giả chất vấn về cuối chương trình.
Đối thoại với Xổm ảnh 1

Tác giả của "show" trình diễn này là Vũ Nhật Tân và Trần Hậu Yên Thế, cả hai đều là giảng viên tại Nhạc viện và ĐH Mỹ thuật HN. Các bạn trẻ VN là thành phần chính tham dự cuộc sắp đặt âm thanh và video art này và đa phần câu hỏi cho thấy đây là lần đầu họ tiếp cận loại hình nghệ thuật này.

Trong tiếng nhạc cơ bản lấy từ những tiếng động trong đời sống, tất cả các màn hình của phòng thông tin Hội đồng Anh được tận dụng để phát phần những hình ảnh ghi lại cảnh ngồi xổm ngoài đường.

Đối tượng ngồi xổm là những người bán rong, những cậu bé đánh giày hay những người đơn giản ngồi ngoài đường, trên vỉa hè qua con mắt của một hình nhân đan bằng nan tre cũng trong tư thế tương tự. Hình nhân này ngồi xổm khắp nơi trong khán phòng, trên ghế, giá sách, kế bên các màn hình, lăn lóc trên sàn nhà hay treo lủng lẳng từ trần nhà...

Phần dành cho thính giác kết thúc đến phần cho khán giả giải tỏa. Câu hỏi đầu tiên là vì sao màn video art lại có cái tên như thế. Yên Thế cho biết xuất phát từ bản nhạc tên Xốm của Vũ Nhật Tân. Có những câu không phải khán giả hỏi mà là cảm thán. Những hình ảnh sao lam lũ, khổ thế. Trong khi nụ cười của thằng bé đánh giày và cái cách nó đùa với hình nhân tre đan thì người hỏi không để ý.

Có khán giả đặt vấn đề sao không thấy tác phẩm của Tân “thăng hoa” gì cả, anh có định mở rộng khái niệm về âm nhạc  không. Một nữ khán giả khác cũng có nhu cầu “thăng hoa”: “Nghe nhạc của anh, mọi người bị chấn động hơn là cảm giác được thăng hoa!”.

Nhạc sĩ trả lời, trước hết anh muốn báo động về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. “Trong rạp hát cũng chẳng được yên!”. Có nghĩa phản đối nó bằng cách nhại nó. Anh cũng khẳng định, việc của anh là sáng tạo, còn xếp những gì anh tạo ra vào cái gì (âm nhạc hay sắp đặt âm thanh) không phải việc của anh!

Yên Thế tiếp lời: “Trong nhà tôi không có ai làm nghệ thuật. Mỗi ngày không nghĩ về mỹ thuật quá một phút. Tôi nghĩ tôi vẫn có thể làm nghệ thuật được!”.

Một nữ khán giả lạnh lùng ném ra câu hỏi: “Trong nghệ thuật của anh, ý tưởng hay cách thể hiện quan trọng hơn?”. Nghĩ một lúc, Yên Thế trả lời, ý tưởng quan trọng hơn vì có trước. Anh Thế cũng cho biết, thoạt đầu anh định cho các sinh viên Mỹ thuật ngồi xổm trên sàn nhà làm những nhân vật chính của cuộc sắp đặt, hình nhân chỉ điểm thêm nhưng “âm nhạc của anh Tân làm mọi người khó xích lại gần nhau chăng” nên chẳng ai chịu ngồi.

Tiếng một nữ khán giả: “Thông cảm, chúng tôi ngồi bệt cho thoải mái!”. Ngồi xổm trên thực tế thường xảy ra khi không có ghế và bề mặt có thể ngồi thì bẩn. Còn phòng thông tin Hội đồng Anh thảm trải rất êm.

Yên Thế cho biết, anh không định phê phán việc ngồi xổm hay cho rằng ngồi xổm thấp kém hơn chẳng hạn ngồi bệt. Trái lại anh cảm thấy tư thế ấy có gì đấy thân thương. Cũng có thể nó trở nên quen thuộc đến mức “máu thịt” nên mọi người không để ý...

Lúc này, từ trong khán giả, họa sĩ Trần Lương lộ diện, cho biết anh lại không xuất phát từ ý tưởng mà từ hiện thực, anh làm lại những hành vi quan sát được và soi chiếu thành tác phẩm. Trần Lương nói thẳng (với vẻ hòa nhã): “Đây không phải tác phẩm sắp đặt. Lộn xộn! Tôi không thấy sự đồng hành trong cảm xúc... Và còn cả một tương lai với ý tưởng xổm”.

Đến đây, Tân mới cho biết, anh định chơi một mình nhưng sợ không có gì để nhìn, khán giả chán sẽ bỏ về hết. Vì lúc đầu CD Vạc chậm, trải đều suốt 60 phút. Khi Yên Thế được Tân mời tham gia đã phát biểu Vạc thành “cái lạnh toát của nhát dao tróc đến tận xương trắng”...

Và trong quá trình tương tác, Tân đã dần hình thành phần nhạc kết hợp cả Vạc và Xốm lên tới 6 đường tiếng, dữ dội nặng nề hơn. “Chứ lúc đầu chán, boring lắm!”. Tân tự nhận định. Hai người hóa ra là bạn học phổ thông, mới đây gặp lại nhau ở Trung Quốc trong một dự án nghe-nhìn kết hợp.

Một nữ khán giả phát biểu: “Đặc trưng của văn hóa VN là kết thúc có hậu! Hy vọng lần sau các anh sẽ làm cho người xem vui vẻ, thấy cuộc sống tươi sáng, có ý nghĩa hơn!”. Yên Thế: “Bạn có hay xem phim Mỹ không? Phim Mỹ bao giờ kết thúc cũng có hậu. Bạn nói thế tôi e nhầm sang văn hóa Mỹ. Tôi không mong muốn làm các bạn bi quan nhưng cũng muốn các bạn dành một phút nào đó để nhìn vào một mảng khác của hiện thực”.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.