Đời và phim trong truyền thuyết Ju-mông

Đời và phim trong truyền thuyết Ju-mông
TP - Nhiều tháng liền, khán giả VTV1 mong ngóng buổi phát sóng phim “Truyền thuyết Ju-mông” lúc 21 giờ 10. Không ít người bỏ cả công việc đi xa chỉ vì sợ nhỡ xem tiếp. Sức hút của phim ở đâu vậy?

Dã sử về người anh hùng khai quốc Choson thống nhất – Đại tướng quân Ju-mông quá ít ỏi và không giống nhau. Theo một số sử liệu thì ông chỉ sống đến 40 tuổi (58-19 TCN), là con trai của thủ lĩnh nghĩa quân Damul Hoe Môsu.

Vào thời gian này bên Trung Hoa láng giềng thuộc triều đại Tây Hán (202 TCN – 8CN). Vua Hán đóng đô tại Trường An, luôn dòm ngó, đánh chiếm hoặc bắt các tiểu quốc lân bang cống nạp của cải và binh lính để thực hiện ý đồ bành trướng của “thiên triều”.

Về phía Nam, sau khi diệt xong nhà Triệu từ thời Triệu Đà (207 – 136 TCN) với quốc hiệu Nam Việt, kinh đô là Phiên Ngung – gần Quảng Châu bây giờ, nhà Hán chia Nam Việt thành 9 quận từ Quảng Đông, Quảng Tây, tới Nghệ Tĩnh, ra Hải Nam. Nước ta bắt đầu bị nhà Hán đô hộ cùng thời với truyền thuyết Ju-mông.

Theo tài liệu khảo cổ dân tộc học, tổ tiên người Triều Tiên nguồn gốc sống quanh vùng núi Altai ở Trung Á, di cư qua Mông Cổ, Mãn Châu Lý, xuống bán đảo định cư và đẩy thổ dân Á Cổ (Paleo Asians) ra các đảo Nhật Bản.

Vào thời truyền thuyết Ju-mông, vương quốc Goryeo (37 TCN-668) biên giới còn giáp Mông Cổ và vùng Siberia thuộc Nga. Các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ giữa các bộ tộc, các tiểu quốc và ý đồ bá chủ của người Hán đã đẩy dần người Hàn xuống bán đảo, ổn định từ thế kỷ 15 dưới triều Sejong Đại đế (1418 - 1450).

Một hình tượng tiêu biểu

Lịch sử dựng nước giữ nước của dân tộc Hàn có thể nhiều nét tương đồng như người Việt chúng ta: bị xâm lược, đồng hóa, nhưng chưa bao giờ chịu khuất phục. Trái lại, ý thức tự tôn dân tộc, lợi ích quốc gia càng được nâng cao trong mỗi người dân khi đứng trước họa xâm lăng.

Thời đại nào cũng thế. Khi xây dựng hình tượng nhân vật lịch sử Ju-mông, hẳn tác giả kịch bản Choi Wan Gyoo (cũng là tác giả một số phim rất được ưa thích: Thần y Hơ-Jun (Hoe Joon), Chuyện tình Harvard), muốn Ju-mông của mình  mang cả dáng dấp, tài năng và sứ mệnh của Thần Tangun như Lạc Long Quân và Âu Cơ dân tộc Việt – người Nhà Trời được xuống trần gian cai quản và mở mang bán đảo đẹp như gấm hoa này.

Rồi suốt quá trình về sau là hình tượng như Đại tướng quân Wang Geon lập nên triều đại Goryeo - nguồn gốc tên nước Hàn Quốc hiện nay. Như tướng quân Yi Seong - gye năm 1392 lập nên triều đại mới Joseon.

Đặc biệt, hình tượng tập trung tài đức như Ju-mông, theo GS-TS Lee Keun Yeup - nhà Việt Nam học hàng đầu Hàn Quốc từng mấy chục năm đi tìm “cái đẹp trong con người Hồ Chí Minh”, dân tộc Hàn có thể tự hào tôn vinh tên tuổi vị anh hùng dân tộc – nhà văn hóa – vị tướng tài ba Lee Sun Sin (1545 – 1598).

Vị tướng đã dùng thuyền rùa bọc sắt (Geobukseon) đánh bại thủy quân Nhật hoàng, giữ yên bờ cõi – cũng rất thương dân, sát dân, coi việc chăm lo đời sống người dân là đạo trị quốc.

Lấy cũ nói mới

Ju-mông sinh ra chỉ là cậu bé bình thường, có phần nghịch ngợm, dại dột, nhưng mang dòng máu người cha anh hùng, được mẹ dạy dỗ. Anh sớm không ưa cuộc sống xa hoa, đã từ bỏ nó, hòa mình giữa đời thường, được tôi luyện mà nuôi chí lớn nối nghiệp cha, thương dân, dựa vào dân làm nên mọi việc, với sách lược mềm dẻo – đại đoàn kết, tranh thủ mọi đối tượng có thể tranh thủ được, cả kẻ thù khó đội trời chung như Soong Ang đại tộc trưởng. Ju-mông là lý tưởng cao đẹp của dân tộc.

Xuyên suốt nổi bật từ đầu đến cuối phim là hình ảnh người phụ nữ. Có ghen ghét, cay độc như Hoàng hậu, như con gái viên tổng Trấn người Hán thành Hiên Thô. Nhưng nhân hậu, thông minh điển hình là Vương phi Yu Hoa. Đặc biệt, con gái tộc trưởng Yên Tha Ban, nàng So Seo Nô tài sắc vẹn toàn.

Những  nhân vật khác cũng rất cá tính như “quân sư quạt mo” nham hiểm, xu thời – rất hiện đại như đại sứ giả Bu Deulbul ai cũng biết, Đê Sô biết mà vì lợi ích thiết thân, sẵn sàng bỏ qua. Anh minh mẫu mực như vua Kưm Oa, khi ngôi báu bị đe dọa, đã không bắt tay với kẻ thù…

MỚI - NÓNG