Đời vẫn đẹp

Đời vẫn đẹp
TP - Ở thành phố, ông Hưng ngụ xóm ghẻ. Thực ra là xóm kinh tế, nghĩa là người dân đi kinh tế mới ở các tỉnh, hòa cùng dân tha phương đổ về ở đại, hầm bà lằng xáng cấu những xì ke xì cọc đến cờ bạc gái gú, dân cố cựu gọi xóm ghẻ.

Mỗi lần triều lên là kinh dị tầm trời. Rác rưởi đựng trong bịch nilon nổi lềnh bềnh, cỡ phim Vua bãi rác chả ăn thua so với xóm ghẻ. Thiên hạ dộng cừ tràm xuống kinh, thả cây ngang dọc rồi lót ván, bên trên che lá dừa nước là ra cái ở, thậm chí cho thuê. Ông Hưng thuê một căn như vậy, để một vợ bốn con có chỗ chui ra chui vô bán vé số, còn ông chạy Honda ôm. Thoạt tiên ghê tởm lắm khi chung chạ với bẩn thỉu, nhưng riết cũng quen. Quen? Đồng ý thôi. Nhưng bệnh tật thì sao? Bệnh? Ông Hưng chả lo, ở rừng sâu, xa và cao, chẳng riêng ông, cả bầy con đứa nào cũng dính sốt rét rừng, về phố, ba cái cảm mạo ông trị cái một chả cần y bác sĩ. Sốt, ông còn dám tự điều trị nữa kìa.

Tuy ghẻ chóc nhưng cũng có đàn anh. Ông phải đóng hụi chết mới có “biên chế” mà hành nghề. Ở thành phố cái ngành nghề dưới đáy xã hội nào cũng khó. Chạy ôm, dân sở tại ưng lên cho cú đấm vô mặt dân ngụ cư là thường, không có anh hai bảo kê khó tồn lắm, ngoài ra anh còn giới thiệu mối cho mà kiếm tí. Mối của ông là một gái nhảy làm ở một vũ trường trong Tân Bình. Bẩy giờ tối ông đưa người đẹp đi. Hai giờ sáng quay lại đưa cô về. Đó là khi cô không có khách qua đêm, nếu có ông tự động rờ tua. Thời gian giữa đưa đi đón về, ông đưa mấy người đẹp khác, từ một dãy trọ trong xóm ghẻ ra “bãi đáp” để mấy cô tiếp khách. Rảnh ông chầu dưới ánh đèn đêm đọc báo. Người đẹp tuy ngồi bên chiếu tứ sắc nhưng luôn sẵn sàng đẹp và thơm để tiếp khách.

Cô vũ nữ trả lương cho ông theo tháng. Ngày trả tiền là ngày cô lãnh lương phục vụ ở vũ trường. Đi hoặc không đến nơi làm việc vì một lí do nào đó cô đều trả đủ. Xinh đẹp, sang trọng và lịch sự. Trâm - tên cô - ở một nhà thuê riêng, đẹp và tiện nghi. Vũ nữ chắc chắn là nhiều tiền. Ông Hưng nghĩ vậy.

Những cô kia trả cho ông từng chuyến một. Từ xóm ghẻ ra “bãi đáp” khoảng trăm rưỡi mét hẻm, các cô chung rất sộp. Tất cả gọi ông bằng ba, có đứa ở miệt Cà Mau, Sóc Trăng gì đó gọi tía rất thân tình. Các cô gái quy tập dưới trướng của Hạnh. Hạnh chừng ba mươi, đẹp nghiêng thành. Nhưng mặt bị hai vết thẹo. Ông Hưng nói với bà xã:

- Con nhỏ thiệt đẹp mà bị rạch mặt, thiệt uổng quá.

- Nó kể  bị chồng ghen nhưng có lẽ bồ bịch hoặc phá hoại nhà người mà ra, chứ chồng nào mà tàn ác vậy.

Hạnh lo ăn, đồ lề trang điểm và tiền phòng trọ. Quyên, kể cho ông Hưng nghe sau một hơi thuốc lá mà cô đã trộn hêrôin ngay trước mặt ông:

- Cứ một sô con được một phần ba, một phần của chị Hạnh, phần còn lại của

“bãi đáp”.

- Sao con dại vậy? Hít ba cái hàng trắng là chết con ơi.

- Không sao đâu ba, lâu lâu con mới hít một lần. Bữa nào khách nhiều con mới dám, không có mệt lắm ba.

Ông Hưng thở dài.

Cô gái tiếp:

- Đâu phải khách đều đâu ba, có khi cả tuần ngồi xòe tứ sắc không có ma nào gọi, nên có phải tranh thủ. Làm nhiều thì mệt, đã mệt mà còn khách thì phải hít, nó thần diệu lắm ba, hít vô là khỏe liền.

Ông Hưng chỉ còn biết lắc đầu. Không dám khuyên. Cả chục con bé như vậy, khuyên có mà chết vì mỏi miệng. Mà ông là cái gì mà dạy dỗ ai? Thế giới nầy, cuộc sống nầy với một gã xe ôm cùng một bầu đoàn vé số chỉ là một bình tro cốt. Chạm làm gì vào niềm đau nhân gian. Không khéo ra cái nhiều chuyện, giả đạo đức nó tẩy chay “không đi xe ông già đó nữa” có mà toi mạng.

Mà việc gì phải đa sự? Các cô chả như tết đấy sao? Trọ của Hạnh luôn đầy ặp tiếng cười. Tháng nào ông cũng đưa hết Lan đến Hồng vào bưu điện thành phố để các cô gửi tiền về quê. Có đứa không biết chữ nhờ ông ghi giấy gửi tiền. Đôi khi không tiền họ mượn:

- Tháng nầy không làm được, ba cho con mượn vài bữa.

Ông không có thì họ góp với anh chị làm nghiệp cầm đồ cho vay. Thương lắm những cánh bướm lạc. Thắm chẳng hạn, cô đèo thêm thằng chồng xì ke. Ông Hưng tự hỏi không hiểu thằng ôn dịch nghĩ gì khi vợ bán thân để mình hút chích. Thắm phải thuê một trọ riêng. Cũng may tuy riêng mà chung cho tất cả. Tới tháng mỗi đứa gom vài chục. Ai đó có người nhà lên thăm, xì ke qua ké bên phòng Hạnh. Căn phòng sẽ là nơi mà người thăm hiểu rằng con em, chị em họ đang làm một cái gì đó nghiêm túc ở thành phố nầy. Họ về, xì ke lại là chủ.

Tội nữa là chị em Thảo, Ly. Cả hai xinh là xinh, nhưng không biết chữ. Chúng mang tới một tập học sinh, nhờ ông ghi thứ của tuần vào hàng dọc, hàng ngang đánh dấu ngũ.

Thoạt tiên ông không rõ, nhưng sau đó rùng mình khi biết để cho ra một dấu ngũ là năm lần bay. Và dựng tóc gáy khi thấy có những thứ đến bốn dấu ngũ. Ông hỏi:

- Làm gì vậy con gái?

- Để khỏi bị lộn. Tuần tính một lần.

À… Ông Hưng hiểu ra. Kẻ trực tiếp bán - nếu có - chỉ biết đồng bạc khách “bo” cho từng phi vụ, không bo họ sẽ được tạm ứng. Lương nhận đúng như thành ngữ… thợ hồ. 

Với đứa nào ông Hưng cũng:

- Lấy chồng đi con gái.

- Chồng ở đâu mà lấy

hả ba?

- Thì về quê… Nè, con bỏ cái nghiệp nầy đi, hãy nghĩ đến một ngày rất gần, không còn nhan sắc nữa, sẽ ra sao?

- Ra sao cũng được ba à. Còn về quê lấy chồng? Ba thấy con Quyên đó, chồng say xỉn đánh nó rớt từ ghe xuống sông. Ba biết sao không? Vì nghèo đó ba, nghèo quá người ta buồn, buồn là uống rượu, rượu vô thấy chung quanh là kẻ thù. Ba chị em con Tâm bị dượng ghẻ bán vô khu đèn đỏ ở Campuchia, may có đại gia rước ba chị em về. Vợ đại gia cho người dằn mặt. Đại gia chê chán rồi bay, ba nghĩ giùm, chị em nó không hành nghề tiếp thì làm gì khi quen ăn ngon, mặc đẹp, thuốc lá và dầu thơm hảo hạng? Còn con hả? Quê con thanh niên toàn rượu, sáng uống tới tối, lấy ngữ đó làm chồng thà chết sướng hơn.

- Nhưng…

- Con hiểu mà. Nhiều khách cũng khuyên con kiếm nghề khác, con cũng đã thử nhưng không được. Quen rồi ba à, đã nhúng chân vô bùn, kéo không ra nữa.

- Hãy cố mà rút, đừng để một ngày bị truy quét.

*****

Chỉ có vũ nữ Trâm là già Hưng không hiểu gì.

Thắc mắc nhưng không dám hỏi. Tuy lăn lộn nhiều với cuộc sống, đời luôn đồng hành thất bại nhưng ông sợ thất nghiệp lắm. Cảnh xỉa đầu xe ra đường, hỏi này nọ với một kẻ qua đường rồi đọc đến thuộc lòng tờ báo, nó ảo não lắm. Nghĩ đến một ngày, ưng lên cô vũ nữ chuyển qua đi taxi - cho xứng tầm - ông cũng lo.

Nhưng sao cô đi Honda ôm? Rõ, cô vũ nữ không hề thiếu tiền. Giày nhảy của cô những vài triệu, ông biết chắc vì có lần đọc giá trong hóa đơn. Trâm xài rất sang. Nơi cô ăn cũng chọn lọc. Phở ư? Ở đường đó, quận nọ, bò viên ở quán đó quán kia, cháo trắng lá dứa ở quán nầy mới ngon nè ba Hưng, ba vô đây con mời.

Ông luôn thoái thác rằng trước khi đi đón ông đã ăn khuya rồi. Một hai giờ sáng thành phố mới có tí yên ắng gọi là. Ông hút điếu thuốc nhìn những chiếc container xập xà xập xình trên đường Điện Biên Phủ xuôi về Tân Cảng.

Cô gái ngồi xe điệu đàng lắm, chống hai tay lên vai ông, vậy là mọi va chạm không bao giờ xảy ra. Mưa, cô mang dù, mưa lớn, tấp vào đâu đó mặc áo mưa. Đến trước nơi làm việc cô ghé một quán cà phê, chủ quán và cô có vẻ thân tình lắm. Trâm trang điểm lại. Sau đó cô vào nơi làm việc, là một siêu thị tầm quốc tế. Ông Hưng đã vài lần vào, lạ rồi quen. Có một nơi mà ông không bao giờ dám tơ tưởng, là vũ trường, vé vào cửa những tám đôla Mỹ.

Nhỏ Quyên, thân lắm. Có con vào, thành hẻo nhất đám lính của Hạnh, đôi khi ông không nỡ lấy tiền xe vì:

- Bữa nay khách không chịu con. Nó chê. Bữa khác con bù nhen ba?

- Thôi, tao khuyến mại mày cuốc nầy.

Ông hỏi:

- Con Trâm chắc làm có tiền lắm hả Quyên?

-  Không đâu ba, làm như nó trong vũ trường có cả vài chục, chưa kể loại vào chơi kiếm khách như tụi con. Như bọn con vào cửa phải mua vé. Kêu một li bất kì bằng nửa phi vụ con bay ở đây, may mắn có khách mời đi chơi thì đỡ lắm, vì ở đó toàn khách ngoại quốc hoặc đại gia, công tử con nhà giàu, nên phải lạ và đẹp, sang trọng và thơm nồng nước hoa trăm đô một lọ bé xíu. Cỡ con Trâm một tờ xanh cho một lần bay, qua đêm hai ba tờ, nhưng tính cạnh tranh lớn lắm, phải chi đẹp cho tay điều phối gái rồi xài sang, giày dép, áo quần, đổi mốt hàng tuần, mua mười để lại một, mấy cái áo, cái váy con diện toàn của nó để lại, phải biết nhảy nữa. Có lần con theo con Trâm vô một lần. Được khách mời đi chơi, lần đó được nửa tờ xanh…

- Sao không vào nữa?

- Đụng chạm ghê lắm ba, ở đâu có thần thánh đó ngự trị, mình vào phá bĩnh, bị xử tội liền.

- Tao hiểu rồi. Nhưng sao con Trâm không đi taxi, tiện cho nó hơn?

- Có người đưa đi rước về. Hai giờ đêm vũ trường đóng cửa, lỡ có chuyện ba đâu nỡ khoanh tay, đúng hông?

- Chuyện gì là chuyện gì?

- Nhiều lắm đâu nói tên được, cái nghiệp nầy…

- Về quê đi con… Hay kiếm cái gì đó mà thay đổi đi.

- Ba biết không? Nếu có tiền con về quê, tậu một xe nước mía, thêm xe bánh mì, ở bến sông quê con, vậy thôi là ung dung lắm rồi ba, nhiêu đó chừng chục triệu, thêm chục nữa làm vốn. Được vậy con ở nhà với con gái cho sướng, kiếm hoài mà nợ không dứt được ba ơi.

- Nếu tao có tao cho mày hai chục triệu. Khổ quá, tao kiết xác mồng tơi, có duy nhất cái xe là tài sản. Ngày nào cũng cầu trời một hai tấm vé số mà thần tài hổng thèm chơi với người nghèo.

- Hì… ba đừng mộng hão huyền. Ba cũng đâu muốn má Hưng và bầy em đi bán vé số, con cũng đâu muốn dính dấp vô cái nghiệp nầy nhưng mà, con thấy ba thiệt là lạ.

- Lạ sao con?

- Ba hổng chán cơm thèm phở... hì... hì... Ba hổng coi thường bọn con.   

                      *****             

Bóng tối sông đời là dòng cuồng bạo nhất, ở phố thị nó dữ dội vô song và ngập ngụa toàn rác rưởi. Ai cũng tự điều chỉnh để thích nghi với từng con sóng. Sự khốc liệt khiến con người biến dạng, tâm tình dần và khô cứng hẳn.

Khuya đêm ấy ông ở vỉa hè quán cà phê chờ cô vũ nữ. Vũ trường đóng cửa là giờ ong bướm dìu nhau lên taxi. Trâm bước xuống tam cấp của siêu thị. Ông thấy bốn thằng cô hồn sống  theo sau. Chúng vây Trâm vào giữa. Rõ nguy hiểm cho cô gái. Những chiếc taxi đã có khách vụt đi, những chiếc còn lại tài xế mặc kệ đời, họ quay kính xe và điềm nhiên mục kích.

Ông Hưng lấy di động gọi một một ba. Một cô hồn xáng bạt tai nghe bốp vô mặt cô gái, gằn giọng:

- Con đĩ chó.

Cô gái la lên:

- Ba, ba Hưng ơi nó đánh con.

Ông băng qua đường, cái nầy thực sự là dại dột, việc đời hứng vô làm chi? Một cô hồn khác chận ông lại:

- Ê, ông già, ông là ba nó hả? Ba cái củ… gì mà để con đi làm đĩ… cha con gì cái ngữ nầy. Mẹ tụi mày. Rồi nó đọc “Ban ngày cha cha con con, ban đêm cha lột con ra cha đù”, đù má, tao rành tụi mày quá mà.

Cô gái nép sau lưng ông già. Khắc khú đế thiếu cái quỳ:

- Thôi mà em… cho chú xin… con chú có gì không phải, cho chú xin…

Cô hồn xóc cổ áo hất mạnh làm ông sóng soài ra đường. Già làm sao mà chịu được với sức trẻ, nhưng già chịu nhục hay lắm, lại bò dậy, đứng lên khẩn khoản:

- Thôi mà em, có gì em cứ đánh chú, đừng đánh con gái chú tội nghiệp.

Nó xáng tiếp bạt tai vào cô gái:

- Mày qua mặt hả? Ai cho mày phá giá? Đã hết thời thì ra đứng đường. Muốn tao rạch mặt không?

Nghe hai từ rạch mặt, ông Hưng hình dung ra gương mặt Hạnh, hoảng quá, ông bước ngang che cho cô gái và xô thằng cô hồn. Lừ lừ, nó rút từ sau lưng cặp nhị khúc quay nghe vù vù. Rồi nó thẳng cánh tay.

*****

Mọi việc về sau thế nào, ba ngày sau từ Chợ Rẫy về ông Hưng mới tường. Tỉnh, ông không biết mình đang ở đâu. Ông ngơ ngác bật dậy. Bà xã mừng không xiết kể, và ông về nhà với cái đầu quấn băng trắng muốt.

Tới nhà đúng lúc công an phường di lí vũ nữ Trâm về nơi cư ngụ. Thì ra nhờ cú thoại của ông, cả bọn đầu gấu của vũ trường bị tóm gọn khi đang hành xử theo kiểu giang hồ, thòi ra cả một đường dây gái gọi. Trâm cũng là thành viên trong đường dây ấy, may cô thành khẩn khai báo nên họ cho về thăm người thân trước khi vào phục hồi nhân phẩm.

Trâm khai chỉ có vợ chồng ông là người thân ở thành phố - bà mẹ ơi – đâu bà con tộc thuộc gì mà thân hay sơ. Trâm lôi bà má qua căn cô đang tạm trú. Cho bà tất cả những gì đang có. Nào tủ lạnh, máy giặt, đầu đĩa. Cả một gia tài chứ chẳng phải chơi.

- Con hổng có ai thân. Đi trại biết chừng nào về, má kêu người đắt rẻ gì bán hết đi. Con cho má - Trâm nói giọng tỉnh queo và mắt ráo hoảnh - Còn đây là thẻ ATM con cho ba má luôn, rảnh rỗi ba má hỏi đường vào trại thăm con.

Rồi Trâm gặp ông Hưng tỉ tê, vì mình mà ông ra nông nổi. Cô ôm ông mùi mẫn khóc, ậm à, ậm ực về thân phận. Ông Hưng cũng định hình được một cuộc đời, ba mất mẹ tái giá. Thằng dượng ghẻ táng tận lương tâm bán cô. Cô hận nên phủi tay với đời. Nhưng nay có người vì cô mà thí mạng. Ừ ừ - ông vuốt tóc cô gái “Ba sẽ đi thăm con, vào trại cố học cái nghề mà làm lại”.

Cả bầy bướm của Hạnh cũng xúm đông xúm đỏ. Mắt ai cũng vương khói ngậm ngùi. Trâm nói với Quyên:

- Mày rút tiền trong ATM cho má Hưng, bả không biết gì đâu.

- Đừng có quên mật mã đó.

- Rồi.

Trâm lên xe.

*****

Những hai tháng sau vợ chồng ông Hưng mới đi thăm Trâm.

Cô gái sạm đen vì sương gió, nhưng mắt đã lấp lánh niềm vui. Cô hỏi:

- Ba má lên làm chi, con sống được mà. Con biết hết rồi. Hôm nọ chị em Thảo, Ly bị đưa lên đây, nó kể con nghe hết. Thôi bỏ đi ba má, con ở trong nầy làm cũng có tiền, sống được lắm, đừng lo cho con.

Trâm biết cái gì vậy kìa? À, chuyện là vầy. Bà Hưng đi với Quyên rút tiền ATM. Di động bà còn không biết xài, nói gì ba cái máy to sụ, làm sao mà bỏ thẻ vô bấm bấm là tiền nó chạy ra. Bà uống nước trong quán cóc, chờ riết đi bộ về. Rút xong tiền Quyên lặn một hơi.

Ông Hưng nói với vợ:

- Thôi bỏ đi, hoàn cảnh quá, nó mới làm vậy…

Không bỏ thì còn làm gì được nhau? Thoạt tiên bà Hưng không tiếc lời mắng mỏ con nhỏ, mình xem nó như con vậy mà... Sau nghe ông xã nói cảnh một đứa con gái nhỏ với mẹ già típ tắp đâu đó dưới Minh Hải, thêm “Nó mà còn ở đây trước sau gì cũng ghiền ma túy, coi như cho nó chút vốn về quê làm lại cuộc đời”, bà lại trầm ngâm:

- Thiệt khổ, biết được bao nhiêu mà làm lại? Không chừng bỏ xóm ghẻ lại sa vô xóm Siđa thì cũng bằng nhau.

May quá, cái gì cũng qua. May hơn là Trâm tường mọi việc. Ông hỏi:

Trong thẻ con được bao nhiêu tiền?

- Trên hai chục đó ba. Nhưng hổng sao đâu, con biết tánh nhỏ đó, nó mà làm ăn được, nó hổng quên ba con mình đâu.

Ông Hưng cười cười nhìn Trâm. Trong trí hiện lên một cô gái, bên cạnh một xe bánh mì và một bà má đang xay nước mía, dưới một mái hiên nhà, bên một dòng sông đang chảy… Kể ra đời vẫn đẹp.

MỚI - NÓNG