Đòn bẩy của làn sóng văn hoá Hàn

Đòn bẩy của làn sóng văn hoá Hàn
Không phải ngẫu nhiên Hàn Quốc chọn truyền thông làm phương tiện để quảng bá văn hóa. Nhờ tính lan truyền và tác động mạnh của phương tiện truyền thông, chính phủ nước này đã biến nó thành biện pháp hữu hiệu đưa văn hóa Hàn Quốc đến với dân Á châu. 

Trong thời đại toàn cầu hóa, hiện tượng ảnh hưởng văn hóa của nước này vào nước khác trở nên phổ biến. Nhưng điều đó không có nghĩa là ở bất cứ đâu người ta cũng có thể biến nó thành một làn sóng lan rộng ra cả châu lục và các quốc gia khác.

Hàn Quốc chính là một trong những nước hiếm hoi khẳng định sự thành công rực rỡ trong việc quảng bá hình ảnh đất nước.

Cơn bão văn hóa Hàn

Đòn bẩy của làn sóng văn hoá Hàn ảnh 1

"Bản tình ca mùa đông" với khung cảnh đẹp và lãng mạn của xứ Hàn đã gây sốt toàn Châu Á (nguồn Lylate.com)

Hàn Quốc chọn lựa truyền thông mà cụ thể là phim ảnh để quảng bá hình ảnh của mình tới các nước khác.

Những bộ phim truyền hình Hàn Quốc được đầu tư cẩn thận và chi phí cao với nội dung phim tình cảm, phù hợp với nhiều đối tượng khán giả, dàn diễn viên trẻ đẹp, khung cảnh đất nước tươi đẹp, vừa giàu truyền thống vừa hiện đại… có thể nói những gì tinh túy nhất của Đại Hàn Dân Quốc đều được đưa vào trong phim.

Kết quả là phim không chỉ thu hút được khán giả trong nước mà còn cả khán giả nước ngoài. Bộ phim “Bản tình ca mùa đông” là một ví dụ.

Riêng tại Nhật, bộ phim đã được chiếu trên 13 kênh khác nhau và theo điều tra có đến 2/3 dân số đất nước mặt trời mọc ngồi trước TV khi bộ phim được phát sóng.

Không chỉ dừng lại ở đó, tháng 11/2003, khi nhân vật nam chính trong phim là Bae Yong Jun tới thăm Nhật Bản đã có 4.000 người hâm mộ chờ đón ở sân bay quốc tế Narita.

Trung Quốc, một trong những đất nước giàu truyền thống nhất thế giới, cũng chịu ảnh hưởng của làn sóng này. Những chương trình của Hàn Quốc đã chiếm một thời lượng không nhỏ trên các kênh truyền hình, thậm chí trên cả các kênh của truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV.

Hàn Quốc trở thành quốc gia có chương trình phát sóng nhiều nhất trên các kênh truyền hình của Trung Quốc, bỏ xa hai đại gia lớn là Mỹ và Nhật Bản.

Điều này cũng diễn ra tại hầu hết các nước và vùng lãnh thổ ở Đông Á và Đông Nam Á như Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam… Trên các kênh truyền hình của các nước này, trung bình mỗi ngày có 3-5 tiếng chiếu phim và ca nhạc của Hàn Quốc.

Truyền thông – đòn bẩy của làn sóng Hàn

Đòn bẩy của làn sóng văn hoá Hàn ảnh 2

"Jewel in the Palace" (Nàng Dae Jang Kum) đã trở thành viên ngọc quý của ẩm thực Hàn Quốc (nguồn: Stomp)

Bản thân ngành truyền thông của Hàn Quốc cũng rất phát triển. Họ là một trong những nước Châu Á đầu tiên xây dựng thành công ngành kinh tế truyền thông.

Chỉ xét riêng truyền hình, Hàn Quốc hiện có nhiều kênh truyền hình tư nhân như SBS, MBC, CBS, KTV, Arirang… và một đài truyền hình Trung ương KBS. Không có sự phân biệt giữa đài tư nhân và đài quốc gia về về tài chính và quyền lợi.

KBS hàng năm vẫn nhận được một khoản từ quỹ chính phủ nhưng số tiền này rất nhỏ so với những nguồn lợi nhuận khác. Năm vừa qua, 37,8% lợi nhuận của KBS là do các kênh truyền hình trả tiền mang lại, 47,6% là số tiền thu được từ quảng cáo, hơn 10% còn lại do các nguồn khác như bản quyền truyền hình, tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật, hỗ trợ của chính phủ...

Chính vì những kênh truyền hình này không nhận được bất kỳ một đặc ân nào từ phía chính phủ nên họ phải cạnh tranh với nhau. Ba ông lớn KBS, MBC và SBS đồng thời là 3 trung tâm sản xuất phim truyền hình lớn nhất xứ Hàn. Ngoài việc đầu tư lớn, những bộ phim được coi là át chủ bài của 3 đài truyền hình này đều phải sắp xếp tránh mặt nhau để có thể thu hút được tỉ suất người xem cao nhất.

Không chỉ trong lĩnh vực phim ảnh mà ngay cả trong các chương trình bản tin cũng có sự cạnh tranh. KBS, MBC và SBS thường không lấy thông tin của nhau.

Các công ty truyền thông khác cũng không bỏ qua cơ hội được quảng bá thương hiệu. Đó là lý do tại sao trong phim Hàn Quốc, các nhân vật đều sử dụng điện thoại Anycall (Samsung) – một thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc.

Tập đoàn Samsung đã tài trợ một khoản không nhỏ để có thể độc quyền xuất hiện cùng các ngôi sao phim ảnh nhưng những gì họ thu lại cũng hoàn toàn xứng đáng. Đây là một hình thức quảng cáo dễ được chấp nhận và hữu hiệu nhất.

Tuy cạnh tranh khốc liệt trên mọi mặt nhưng các kênh truyền hình Hàn Quốc đều có chung một mục đích, đó là quảng bá hình ảnh đất nước.

Nội dung của các kênh truyền hình này (đặc biệt là các kênh chiếu ở nước ngoài như Arirang hay KBS World) đều nhấn vào hình ảnh đất nước với nền văn hóa vừa truyền thống và vừa hiện đại. Vì lẽ đó một trong những điểm mạnh của truyền thông Hàn Quốc là khả năng khai thác tốt những nét văn hóa truyền thống.

Tuy hoàn toàn độc lập về kinh tế và cách thức quản lý với chính phủ nhưng các kênh truyền hình Hàn Quốc đã trở thành tiếng nói của toàn đất nước, là một phương tiện để chính phủ quảng bá đất nước mình ra ngoài thế giới. Đó là một trong những nhiệm vụ to lớn được đặt ra của truyền thông Hàn Quốc.

Những chương trình văn hóa ẩm thực, làng nghề truyền thống của Hàn Quốc có sức ảnh hưởng lớn. Có lẽ ngoài đời thực chúng cũng đơn giản và bình thường nhưng với cách xây dựng chương trình, cách chọn cảnh quay hay cách dẫn mà tất cả đều trở nên lung linh và đẹp đẽ.

Điều đó chứng tỏ cách thức và kỹ thuật thực hiện chương trình cũng giữ một vai trò quan trọng. Đây là lý do tại sao các kênh truyền hình Hàn Quốc đầu tư nhiều vào lĩnh vực nhân sự và kĩ thuật.

Hàn Quốc được gì?

Đòn bẩy của làn sóng văn hoá Hàn ảnh 3

Ngôi nhà trong phim Full House đã trở thành địa điểm du lịch thú vị

Bản thân các công ty truyền thông của Hàn Quốc đã kiếm được những khoản không nhỏ từ khán giả, quảng cáo, bán bản quyền chương trình cho các kênh truyền hình trong và ngoài nước. Thương hiệu của các kênh vì thế cũng tăng lên.

Phong cách Hàn xâm nhập giới trẻ Châu Á từ ăn, mặc, sử dụng điện thoại đến cách ứng xử, đối đáp. Bộ phim Nàng Dae Jang Kum với hình ảnh hấp dẫn và độc đáo về các món ăn truyền thống Hàn Quốc cũng gây sốt tại các nước trong khu vực, nhờ đó những quán ăn Hàn quốc mọc lên như nấm ở Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam…

Ngành du lịch của Hàn Quốc cũng phát triển mạnh mẽ. Những dịch vụ du lịch trọn gói mang tên “Hallyu tour” (Du lịch làn sóng Hàn) ngày càng đa dạng và phong phú. Tham gia các dịch vụ này du khách có thể đến thăm trường quay, những địa danh nổi tiếng, những món ăn ngon đã từng xuất hiện trong những bộ phim của Hàn Quốc.

Số lượng khách du lịch chọn điểm đến là Hàn Quốc ngày một tăng. Năm 2003 có 2,8 triệu lượt khách thì đến năm 2004 con số này đã là 3,7 triệu. Các dịch vụ khác như nhà hàng, khách sạn, mua sắm..cũng vì thế mà tăng theo. Kinh tế của Hàn Quốc trong những năm gần đây phát triển đáng kể.

Làn sóng Hàn Quốc trong thời gian qua đã không còn mạnh như trước, lý do là nó đang phải chịu sự cạnh tranh của nhiều làn sóng văn hóa khác. Rất nhiều quốc gia đã coi chiến lược quảng bá hình ảnh đất nước bằng truyền thông của Hàn Quốc là con đường mẫu mực.

Tuy nhiên tùy vào đặc điểm văn hóa xã hội của quốc gia mà Hàn Quốc đã rất linh động trong việc sử dụng truyền thông làm đòn bẩy cho việc quảng bá văn hóa của mình. Hàn Quốc là một minh chứng rõ ràng cho việc kinh tế hóa truyền thông là một tất yếu của sự phát triển.

Theo Tuần Việt Nam

MỚI - NÓNG