Đồng Đức Bốn và trận mưa cuối cùng

Đồng Đức Bốn và trận mưa cuối cùng
TPCN - Tôi biết tin “Đồng Đức Bốn bị trọng bệnh” từ cú điện thoại của một người bạn, trong dịp năm ngoái về nước tham gia Đại hội nhà văn toàn quốc.
Đồng Đức Bốn và trận mưa cuối cùng ảnh 1
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bên góc thơ Đồng Đức Bốn (ngày thơ VN lần IV)  Ảnh: H.V

Xong việc, tôi quay lại Đức. Ở đó tôi vẫn theo dõi tình trạng sức khỏe của Bốn qua mạng và báo chí. Tin tức lõm bõm, nhưng khi biết “Bốn đã xuất viện, quay về xóm Lê Lác”, tôi hiểu, số phận đã an bài...

Tết Nguyên tiêu năm nay tôi lại về kịp dự Hội thơ. Tại sân nhà Thái học, tôi “gặp lại” anh trên bức ảnh khổ lớn. Vẫn vóc dáng xưa nhưng mái tóc dài, rậm ngày nào đã biến đâu mất, chỉ còn cái đầu trọc lốc.

Đêm về, thao thức nhớ ...

Tôi gặp Bốn lần đầu tại báo Văn nghệ, trong phòng làm việc của cố thi sĩ Bế Kiến Quốc. Com-lê, cà-vat, giọng nói oang oang…

Lúc ấy, Bốn đang ào ào giận dữ với thi sỹ X, bạn tôi, chỉ vì một câu nói!

Bế Kiến Quốc can nhẹ một câu, Bốn thôi ngay, đón lấy chén trà từ tay họa sĩ Thành Chương...

Một năm sau, chúng tôi mới gặp nhau lần thứ hai, trong bữa cơm gia đình của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Lúc này, Bốn thật nhu mì! Chúng tôi nhận đồng tuế với nhau, Bốn bảo: Nhiều thằng ghét Bốn, nhưng Thọ cũng Mậu Tí chắc sẽ hiểu được Bốn thôi!

Phải rất lâu sau, gặp lại ở cổng báo Văn nghệ, Bốn rút phắt một tập thơ từ chiếc cặp da đồ sộ, kê lên bắp đùi, rào rào đề tặng. Biết tôi sắp trở lại châu Âu, Bốn dặn: “Thọ nhớ mang đi mà đọc. Yêu được thơ của Bốn là yêu Bốn!’’. 

Đọc thơ Đồng Đức Bốn, tôi hình dung anh là một người ham sống, khát sống, với một tình yêu thi ca mãnh liệt. Yêu hay ghét đều sôi nổi, anh có những câu thơ lạ.

Tôi yêu nhiều vần thơ lẻ loi, “mồ côi”, giản dị, lơ ngơ, nhưng chan chứa tình cảm, kể cả những câu thật gở, như báo trước cuộc ra đi không bất ngờ nhưng vẫn thật đau xót trong những ngày xuân sớm năm Bính Tuất. Sao chim mỏ vàng và hoa cỏ độc/Ngủ im lìm trong sương gió giêng hai (viết tặng Bốn- Thơ Nguyễn Khoa Điềm, 14/2/06).

Năm giờ sớm thứ sáu, ngày 17/2/2006, nhà thơ Đỗ Bạch Mai, nhà thơ Phạm Hồ Thu và tôi, đại diện cho một nhóm bè bạn, đồng nghiệp Hà Nội mến thương Đồng Đức Bốn, về Quán Toan dự tang lễ thi sĩ.

Đến nơi, vừa lúc nhà văn Lê Lựu chuẩn bị kết thúc những nghi lễ truyền thống để đưa Bốn về với lòng đất quê hương, thôn Song Mai, xã An Hồng, cách nhà anh hai cây số.

Trong dòng người đưa tiễn, tôi được một người bạn vong niên kể cho nghe về việc làm tuyển tập thơ Chim mỏ vàng & Hoa cỏ độc, cuốn sách cuối cùng còn kịp đến với tác giả trước khi nhắm mắt :

"Trước Tết  gần hai tháng, anh Bốn mới nói với chúng em ý định xuất bản toàn bộ thơ anh cùng những bài viết của bè bạn về anh. Thời gian gấp quá. Trong tập bản thảo chất ngất, nhiều bài trùng lặp và lẫn lộn. Anh Bốn muốn có hai chục cuốn ngay dịp tết để biếu bè bạn.

Em chạy sang Nhà xuất bản Hội Nhà văn, làm việc với nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư, người được tác giả ủy quyền biên tập . Chúng em liên kết với một nhóm kĩ thuật. Thế là chỉ một tháng rưỡi sau, 1000 con Chim mỏ vàng... đã ra ràng, tác giả còn kịp kí tặng bạn văn trước Tết Nguyên đán..."

Điều bất ngờ và ấn tượng nhất với tôi và cả dòng người đưa tiễn là phút chứng kiến thời khắc cuối cùng, khi linh cữu nhà thơ Đồng Đức Bốn chạm đất.

Những đám mây mùa xuân vần vụ từ sáng bỗng vỡ oà thành trận mưa rào mùa hè dữ dội, sầm sập trút xuống nơi anh nằm. Những ai từng đọc hai câu thơ Đồng Đức Bốn viết trên giường bệnh, đều sởn gai ốc, rưng rưng về một điều gì như sự linh ứng :

Tôi giờ về với trăng sao

Xin trời một trận mưa rào đón tôi

Tôi nhìn rõ, đám đông người ruột thịt và bà con xóm giềng, dưới mưa tầm tã, trân trân đứng đội mấy chục vòng hoa phúng, hệt như cảnh đội đèn mà tôi đã từng gặp đâu đó.

Tôi cũng thu vào tâm trí mình gương mặt trầm tư và những dòng nước mắt lẫn vào dòng mưa trên gò má nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo...

Tất cả những gì chứng kiến trong giây phút đau buồn ấy khiến tôi tin rằng Đồng Đức Bốn, con người có một cuộc đời lăn lóc nhưng cũng không thiếu lúc vung vinh, đau khổ và hạnh phúc, con người khát sống nhưng mạch sống lại bị cắt ngang một cách phũ phàng, giờ khắc này đã rũ sạch được bụi bặm, siêu thoát, bay lên như những vần thơ lục bát hay nhất...

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.