Đọng lại gì từ Bài hát Việt?

Đọng lại gì từ Bài hát Việt?
TP - Bài hát Việt xuất hiện là một sự khẳng định của dòng ca khúc đề cao tính sáng tạo, phát huy âm hưởng truyền thống - đối trọng với ca khúc thị trường.
Đọng lại gì từ Bài hát Việt? ảnh 1
Tùng Dương và Hồ Quỳnh Hương, những ca sĩ biểu diễn khá thành công trong Bài hát Việt. Ảnh: VNN

Không chỉ là sân chơi của giới sáng tác, BHV thực sự là “điểm hẹn” của những khán thính giả từ lâu đã bị “thị trường” cho ra rìa.

Đêm tổng kết trao giải BHV 2005 sẽ diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội ngày 25-26/2/2006.

Ngoài 10 ca khúc được giải của tháng, Hội đồng Thẩm định (HĐTĐ) chọn thêm 6 ca khúc đề cử, những ca khúc này không nhất thiết phải được giải do khán giả bình chọn.

HĐTĐ trao 5 giải gồm: Bài hát của năm (30 triệu), Bài hát phong cách dân gian đương đại nổi bật (15 triệu), Bài hát phong cách pop-rock đương đại nổi bật (15 triệu), Nhạc sĩ phối khí hiệu quả (15 triệu), Nhạc sĩ ấn tượng (15 triệu). Hai giải do khán giả bình chọn: Bài hát được yêu thích nhất (10 triệu) và Ca sĩ được yêu thích nhất (10 triệu).

16 ca khúc sẽ trình diễn trong đêm tổng kết có thể chia làm 2 phong cách chính, theo tiêu chí của HĐTĐ.

Những ca khúc có phong cách dân gian đương đại: Bà tôi, Giọt sương bay lên (Nguyễn Vĩnh Tiến), À í a (Lê Minh Sơn), Giấc mơ trưa (Giáng Son), Mưa bay tháp cổ (Trần Tiến).

Những ca khúc mang phong cách pop-rock đương đại: Thu tình yêu (Lưu Thiên Hương), Trở về (Xuân Nghĩa), Khép cửa bình minh (Trịnh Minh Hiền), Xuân bên em (Lương Ngọc Châu), Giấc mơ lạ (Nguyễn Xinh Xô), Thuyền giấy (Văn Phong), 12 giờ (Nguyên Duy Hùng), Hạnh phúc xa vời (Võ Thiện Thanh), Giấc mơ của tôi (Anh Quân), Mong anh về (Dương Cầm), Hát một ngày mới (Lê Minh Sơn).

Ở phong cách dân gian đương đại, có vẻ như À í a, Giấc mơ trưaGiọt sương bay lên là những ứng cử  viên nặng ký. Ca khúc của năm thì có lẽ là Bà tôiMưa bay tháp cổ.

Nhưng xem xét kỹ, sẽ thấy Bà tôi chiếm ưu thế hơn với chất Việt đương đại rõ nét. Đây cũng là ca khúc gây hiệu ứng bất ngờ, có sức lan tỏa lớn khi vừa xuất hiện.

Nổi bật trong các ca khúc phong cách pop rock đương đại là Giấc mơ của tôi, Thu tình yêu, Mong anh về. Trúng giải trong số này có thể là Giấc mơ của tôi với giai điệu “hiện đại”, đề tài xã hội và bản phối đầy hiệu quả của chính tác giả.

Mỗi tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến và Lê Minh Sơn đều có 2 ca khúc được giải của tháng. Về mặt lực lượng là tương quan, song xét về âm nhạc trong ca khúc thì Nguyễn Vĩnh Tiến có phần xuất thần, trội hơn so với Lê Minh Sơn. Việc Lương Bằng Quang hay Võ Thiện Thanh sớm “bỏ cuộc” cũng có phần đáng tiếc.

Nhưng thành công của Nguyễn Vĩnh Tiến có thể sẽ là cú hích để các nhạc sĩ trẻ mạnh dạn khẳng định. Về lâu dài, BHV sẽ không chỉ là bệ phóng cho các tác phẩm mà còn cả tác giả. Từ đó hy vọng sẽ có những ngôi sao đóng dấu chất lượng của cả HĐTĐ và khán giả.

Vì là sân chơi của cả những người chuyên nghiệp và không chuyên nên việc BTC nhúng tay vào dựng bài là chuyện cần thiết. Nhưng thiết nghĩ phần quyết định tối đa nên dành cho tác giả và ê-kíp để có được những tiết mục được dàn dựng cá tính hơn, trúng ý đồ hơn.

Chẳng hạn trường hợp 12 giờ - bản đề mô của ban nhạc rõ chất R&B, nhưng lên sân khấu với bản phối được sửa sang và giọng ca Tây Nguyên Y Garia, bài hát phần nào đã bị “đồng hóa” về phong cách. Mô hình ban nhạc tự đệm hát cũng chưa thấy xuất hiện trên sân khấu BHV.

Đã lâu không thấy xuất hiện những bài hát “chào mừng”. Nghe đâu đây chính là những bài dự giải nhưng không đủ chất lượng, nhưng HĐTĐ không nỡ bỏ, nên đưa vào. Điều này về phía tác giả quả thực lợi bất cập hại, khi tác phẩm mới nhiều khi không cân xứng với tên tuổi đã có.

Sự phân hóa trong một bảng xếp hạng như BHV là xu hướng tất yếu của một nền âm nhạc phát triển. Một thời gian nữa, biết đâu sẽ có 2 chương trình- dành cho ca khúc theo phong cách dân gian và pop-rock riêng.

Nếu sân chơi xôm tụ của nhạc thị trường là… chợ giời qua kênh băng đĩa lậu, thì sân chơi của BHV là kênh truyền hình quốc gia. Hy vọng, sau chương trình tổng kết BHV năm đầu tiên, sẽ có những CD tuyển chọn những bài hát hay để BHV chính thức có tiếng nói trong thị trường băng đĩa.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.