"Dòng sông tật nguyền" không vi phạm tác quyền!

"Dòng sông tật nguyền" không vi phạm tác quyền!
Đó là ý kiến của Bà Đoàn Thị Lam Luyến, Phó giám đốc Trung tâm bảo hộ quyền tác giả văn học về sự giống nhau giữa “Dòng sông tật nguyền” và “Cánh đồng bất tận”.
"Dòng sông tật nguyền" không vi phạm tác quyền! ảnh 1
Tập truyện "Cánh đồng bất tận" và số báo Văn nghệ quân đội có in truyện "Dòng sông tật nguyền". Ảnh: VNN

Bà nhận xét thế nào về hai truyện “Cánh đồng bất tận” và “Dòng sông tật nguyền”?

 

Hai tác phẩm này có những điểm tương đồng nhất định. Về mặt ý tưởng, cả hai đều khai thác câu chuyện về một người cha bị vợ phản bội mà quay ra trả thù những người đàn bà khác, quên mất trách nhiệm đối với các con.

Về đề tài, đều đề cập đến số phận của những con người sống trên sông nước mang cái khát vọng lên bờ; về nhân vật và một số chi tiết cũng có những điểm giống nhau…

Với tư cách là Phó giám đốc Trung tâm bảo hộ quyền tác giả văn học, bà đánh giá thế nào về bản chất của sự giống nhau này?

Mặc dù có những điểm trùng hợp như vậy nhưng tôi cho rằng, trường hợp này không có dấu hiệu vi phạm quyền tác giả. Điểm tương đồng quan trọng nhất giữa hai tác phẩm này là ý tưởng, nhưng trong luật sở hữu trí tuệ, quyền tác giả không quy định về bảo hộ ý tưởng mà chỉ bảo hộ cách biểu hiện ý tưởng.

Việc bảo hộ ý tưởng được quy định trong điều luật sở hữu công nghiệp. Vì vậy, vi phạm tác quyền văn học chỉ xảy ra khi cách hành văn, câu chữ… tóm lại là cách biểu hiện ý tưởng giữa hai tác phẩm là giống nhau. Ở đây, Cánh đồng bất tận và Dòng sông tật nguyền không có dấu hiệu đạo văn hay vi phạm tác quyền.

Nhưng với sự trùng hợp về ý tưởng và chi tiết, nhân vật trên quy mô lớn, bà nhận xét gì về lương tâm và đạo đức của người cầm bút trong trường hợp này?

Nếu không phải là đạo văn, không xâm phạm tác quyền thì cũng không thể kết luận gì về sự vi phạm đạo đức người viết. Trong trường hợp này, dư luận đã hơi khắt khe. A.Q. chính truyện của Lỗ Tấn và Chí Phèo của Nam Cao; Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân và Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có những điểm giống nhau nhưng không thể kết luận đây là những trường hợp đạo văn được. Chí Phèo in đậm dấu ấn sáng tạo của Nam Cao còn Truyện Kiều khiến người ta lãng quên Kim Vân Kiều truyện.

Cánh đồng bất tận và Dòng sông tật nguyền có cách thể hiện không giống nhau, mức độ thành công cũng khác nhau và giữa hai tác phẩm không có dấu hiệu đạo văn.

Tôi nghiêng về khả năng Phạm Thanh Khương chưa đọc tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư trước khi anh viết Dòng sông tật nguyền. Thực tế là các nhà văn rất ít khi đọc tác phẩm của nhau. Tuy nhiên, Cánh đồng bất tận là một truyện đã nổi đình nổi đám và cũng không quá dài, nhưng cũng có thể, anh Khương, cũng như một số người khác tưởng đó chỉ là một chiêu thức tiếp thị sách nên cũng không quan tâm.

Nhưng dù thế nào đi nữa thì đây cũng là một điều đáng tiếc. Cánh đồng bất tận là một tác phẩm hay, có giá trị, lại công bố trước. Trong trường hợp Phạm Thanh Khương biết ý tưởng của mình trùng với tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư mà vẫn cho công bố thì bản thân anh phải chịu những rắc rối này. Đây chính là một bài học cho người cầm bút. Sự trùng hợp ngẫu nhiên không phải là hiếm nhưng khi phát hiện ra có sự trùng hợp, có những lúc chúng ta đành phải từ bỏ ý tưởng của mình hoặc cấu trúc, tổ chức lại tác phẩm bằng sự sáng tạo riêng.

Nếu như Nguyễn Ngọc Tư và Phạm Thanh Khương vẫn muốn nhờ đến Trung tâm để phân biệt rõ trắng đen, bà nghĩ sao?

Tôi sẽ giải thích cho họ hiểu về thực chất của vấn đề này. Hoặc chúng tôi sẽ mời các chuyên gia về bản quyền thẩm định. Nhưng tôi tin họ sẽ đồng tình với ý kiến của tôi thôi.

Kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã có những hoạt động gì trong việc bảo hộ quyền tác giả văn học?

Thực ra, Trung tâm bảo hộ quyền tác giả văn học cũng chưa làm được gì nhiều.

Lực lượng chúng tôi quá mỏng, cơ sở vật chất thiếu thốn. Và điều quan trọng nhất là ý thức về bản quyền của các nhà văn vẫn chưa cao. Hy vọng là trong thời gian 5-7 năm tới, công ước Berne, Luật sở hữu trí tuệ sẽ thật sự đi vào đời sống. Lúc đó, khi các tác giả có nhu cầu, trung tâm sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ.

Nhưng với các tác giả chưa đăng ký bảo hộ bản quyền với Trung tâm thì sao?

Luật sở hữu trí tuệ quy định: “Quyền tác giả phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo dưới hình thức nhất định (không phân biệt tác phẩm đã được công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký, không phân biệt ngôn ngữ thể hiện, chất lượng của tác phẩm...); do đó, khi có tranh chấp liên quan đến quyền tác giả mà đương sự khởi kiện yêu cầu toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ, thì toà án không phân biệt việc họ đã có Giấy chứng nhận bản quyền tác giả hay chưa, họ đã nộp đơn hay chưa nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm”.

Vì vậy chuyện đăng ký chỉ là vấn đề thủ tục. Chỉ cần đăng ký với trung tâm ngày hôm nay, các tác giả hoàn toàn có thể khởi kiện vào hôm sau.

Theo Vnexpress

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.