Dòng sông vĩnh biệt

Dòng sông vĩnh biệt
TP - Người ta tên Hồng Lâu, Hoàng Hạc Lâu, Thanh Lâu, còn tên tôi chả biết vì sao lại là Ô Lâu. Ô Lâu tôi xuôi về Vân Trình, ra phá Tam Giang, ghé qua cửa Lác và về biển Đông, làm ranh giới Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Dòng nước êm đềm lơ thơ chảy qua những làng quê đẹp như tranh, những Phước Tích, Mỹ Chánh, Văn Quỹ, An Thơ. Tôi làm đẹp và cấp nước cho làng cổ Phước Tích - di sản quốc gia, chẳng mấy khi nghịch ngợm dữ tợn mà nuốt đất nuốt nhà dân.

Nhưng, “lòng tôi muốn nói xin vĩnh biệt hình ảnh làng cổ Phước Tích mà tôi đã yêu dấu, gắn bó”- cảm ơn giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đã nói hộ suy nghĩ của tôi. Người ta chặt cây to ven sông, lấp các bến nước, và làm kè bê tông dọc làng ven sông, vì cho rằng sông làm sụt lở nhiều đất. Thực ra, tôi oan. Có một đôi chỗ sạt bờ thôi. Sao người ta không kè những chỗ ấy, lại đi làm chình ình cả công trình bê tông khô khan chướng mắt như vậy? Sao không dành số tiền ấy để tôn tạo sửa chữa nhà cổ của dân trong làng? Dân đang đòi trả lại ba bến nước cho họ, có trả được không? Những tờ báo mạnh về văn hóa di sản đã kêu, các nhà khoa học đã kêu, nhưng có lẽ không thể phá đi bờ kè bê tông ấy được nữa rồi. Làng cổ Phước Tích đã bị mất đi một phần lớn giá trị. Và, như lời ông Kính trên tờ Tuổi trẻ, “bờ kè đó trở thành sự tương phản, sự thách thức không những đối với di sản mà còn thách thức thái độ ứng xử với văn hóa, với di sản”.

Còn tôi, chắc cũng xin thượng nguồn bố trí chảy qua nơi khác, tôi đành vĩnh biệt Phước Tích. Bởi làng vẫn tương đối đẹp, nhưng làng không gắn với sông nước nữa, tôi ôm lấy làng làm chi? Ô Lâu tôi ô nhục lắm. Ôi những làng cổ, những phố cổ đất Việt, thật khổ. Có phải vì nửa làng nửa phố, nửa hiện đại nửa văn minh hay vì thứ tham lam có văn hóa nên cứ ấm ớ nửa ngu nửa khôn mà làm những việc trái khoáy.

Thi sĩ Nguyễn Khắc Thạch có bài “Dòng sông một bờ” nức tiếng: “Có một dòng sông chỉ có một bờ/ Phía bờ kia quay mặt/ Dòng sông anh không qua được bao giờ”. Tôi muốn nói rằng, tôi cũng đành quay mặt với những người nhân danh làm công tác văn hóa nhưng đã bảo vệ di sản một cách xôi thịt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG