Dự án 10 tháng 10 phim ngắn ra sao ?

Dự án 10 tháng 10 phim ngắn ra sao ?
TP - Số kịch bản đăng ký tham gia dự án 10 tháng 10 phim ngắn lần 3 (2007-2008) do Trung tâm Phát triển Tài năng Điện ảnh phát động lên tới 240, gấp đôi 2 năm trước.
Dự án 10 tháng 10 phim ngắn ra sao ? ảnh 1
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Có thể giải Nhì (trị giá 3.500 euro) tại LH Phim ngắn Oberhausen lần thứ 53 của Nguyễn Hà Phong- học viên khóa 2 của dự án- đã khiến những người trẻ ôm mộng làm phim trở nên phấn khích hơn(?).

Công cuộc phim ngắn ngày càng cam go, đồng nghĩa ngày càng chuyên nghiệp. PV hỏi chuyện đạo diễn Bùi Thạc Chuyên- người tổ chức dự án - trước ngưỡng cửa mới của một mùa phim ngắn.

Ở lớp học của các anh, liệu có ai lấy việc làm phim ngắn làm thú vui?

Thú vui thì cũng có thể nhng nó quá xa xỉ. Yêu cầu đầu tiên của lớp học là kỷ luật. Nói chung tính chuyên nghiệp ở VN còn thiếu. Thông qua những lớp học thế này, các bạn ấy có thể có được ý thức về sự chuyên nghiệp.

Để có mươi phút cho một bộ phim ngắn, phải chi phí bao nhiêu?

Riêng mời thầy giáo, tổ chức lớp học đã khoảng 70 ngàn (USD). 10 bạn trong miền Nam được chi phí ăn ở đi lại. Mỗi người đi học có tiền hàng ngày. Sau 3 tuần học cùng giáo viên nước ngoài, học viên có 1 tuần ngồi trại sáng tác viết lại kịch bản...

Sau vài khóa học có 1 - 2 người thành tài thì có thể coi dự án đã thành công?

Quá thành công. Nhiều khi mất cả chục năm cũng chả có người tài là chuyện bình thường! Người tài phụ thuộc vào nhiều thứ. Lớp học chỉ có thể đánh giá sơ bộ về những người trẻ. Hướng các bạn làm phim truyện ngắn để sau này làm điện ảnh.

Với yêu cầu cao của dự án thì các bạn đi làm truyền hình là thừa. Vì mình chuẩn bị cho một cuộc leo núi rất cao, nhưng rồi chỉ trèo qua một cái đồi toen hoẻn thôi. Tôi nhớ câu của một danh nhân: Có lẽ con người ta chỉ hơn nhau ở khát vọng. Còn tài năng thì ai cũng như ai cả thôi!

Nhà đầu tư đánh giá thế nào về hiệu quả của dự án?

Lần tài trợ sau bao giờ cũng tốt hơn lần tài trợ trước. Nếu không tin tưởng họ sẽ rút dần. Trong công việc này, làm được hay không sẽ bày cả ra đấy.  Hy vọng rồi đến lúc Nhà nước quan tâm đào tạo điện ảnh cho thế hệ trẻ. Hiện Trung tâm sống hoàn toàn bằng tiền tài trợ.

Có phải do phim của dự án hay hơn nên tiền tài trợ cũng nhiều hơn?

Ban đầu khi làm dự án, lãnh đạo Hội Điện ảnh và Trung tâm rất lo nếu không có phim hay sẽ mang tiếng... Nhưng nhà tài trợ cũng như tôi đã xác định đây không phải những...kiệt tác, chỉ là những bài học.

Một SV ở trường điện ảnh của Pháp phải tham gia làm 100 phim ngắn trong 4 năm. SV Mỹ trung bình 2 tuần làm 1 phim ngắn trong 4 năm.

Cái tên Trung tâm Phát triển Tài năng Điện ảnh có lẽ cũng hơi quá, nhưng là “lịch sử” rồi. Nếu là Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo Nghề nghiệp Điện ảnh Trẻ thì vừa phải hơn. Lần đầu, một số bạn ảo tưởng rằng mình đã được nhận vào dự án  là tài năng! Tôi nói thẳng với họ, có thể chúng tôi chỉ tài trợ 6-7 phim, chỉ ai xứng đáng.

MỚI - NÓNG