Dự án quốc tế “rà soát” nghệ thuật Việt Nam

Nghệ sĩ Trần Lương: Giám tuyển cho Vietnam Eye là thách thức đồng thời là trách nhiệm với tôi. Ảnh: BTC
Nghệ sĩ Trần Lương: Giám tuyển cho Vietnam Eye là thách thức đồng thời là trách nhiệm với tôi. Ảnh: BTC
TP - Viet Nam Eye (tạm dịch: Cái nhìn về Việt Nam) hứa hẹn sẽ đem lại một cái nhìn toàn cảnh về nghệ thuật thị giác Việt Nam. 

Triển lãm Vietnam Eye đầu tiên sẽ diễn ra tại Hà Nội từ tháng 11/2016 đến tháng 1/2017 cùng chuỗi hoạt động kéo dài suốt 13 tháng tại Hà Nội và TPHCM gồm các triển lãm vệ tinh, hội thảo và diễn đàn cho các nghệ sĩ gặp gỡ trao đổi.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình quốc tế Global Art Parallel Contemporary Art do bà Serenella Ciclitira khởi xướng và tổ chức từ 2009 nhằm phát hiện và nuôi dưỡng các tài năng nghệ thuật tại các thị trường nghệ thuật mới nổi ở châu Á. Việt Nam là điểm đến thứ 8. Bà Serena Cicilitira chia sẻ: “Nghệ thuật phải có khả năng gây chú ý và ngạc nhiên, đồng thời kết nối những sự kiện và hiện tượng lớn lao của cộng đồng và quốc gia. Nhờ vào sức mạnh của nghệ thuật, họ đang truyền đi các thông điệp đến cộng đồng trong nước và chúng tôi kỳ vọng sẽ đến cả với công chúng toàn cầu thông qua Vietnam Eye.”

Cùng với triển lãm tại Hà Nội, cuốn sách Vietnam Eye sẽ được xuất bản tuyển chọn giới thiệu 75 nghệ sĩ, trong đó 23 nghệ sĩ có tác phẩm được chọn trưng bày tại triển lãm chính. Bên cạnh thông tin về nghệ sĩ, sách bao gồm những bài viết về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Được biết chỉ có khoảng 5- 10 tác phẩm tiếp tục được chọn lựa tham gia hội chợ nghệ thuật START của gallery Saatchi danh tiếng tại London vào tháng 9/2017. Giám đốc gallery này là một trong 4 giám tuyển nước ngoài của chương trình. Bên cạnh đó các chuyên gia tư vấn Việt Nam Trần Lương và Vi Kiến Thành.

Nghệ sĩ Trần Lương cho hay tại Việt Nam, Global Eye vẫn áp dụng các tiêu chí và quy trình tuyển chọn đã thành công ở các nước như Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan... Với vai trò cố vấn địa phương, anh cam kết sẽ có các cuộc điền dã điều tra bám sát tình hình nghệ thuật nước nhà nhất có thể. Mục tiêu của cuốn sách là đem lại cái nhìn toàn cảnh, cập nhật cho cả những người còn lạ lẫm với nghệ thuật Việt Nam. Chương trình đã thông báo nhận hồ sơ ứng thí của các nghệ sĩ Việt Nam tới tháng Bảy và 200 hồ sơ đã được gửi tới. Bà Serenella cho hay các giám tuyển chưa chọn lựa và cũng chưa gặp gỡ bất kỳ nghệ sĩ nào trong số đó.

Chương trình nhận được sự hỗ trợ của Hội đồng Anh, Đại sứ Anh và Đại sứ Ý tại Việt Nam.

Parallel Contemporary Art là tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các nghệ sĩ đang lên trên toàn thế giới do ông bà David và Serenella Ciclitira- hai nhà sưu tập và bảo trợ nghệ thuật đương đại có kinh nghiệm 20 năm hoạt động. Vào năm 1993, họ khởi xướng hai giải thưởng thường niên dành cho sinh viên ĐH Nghệ thuật Hoàng Gia London. Hai giải thưởng dành cho hội họa và điêu khắc này đến nay vẫn được duy trì. Hiện họ hướng mối quan tâm vào châu Á- khu vực có nhiều nghệ sĩ trẻ chưa được biết đến cần được hỗ trợ. Từ 2014, họ đề ra giải thưởng thường niên Eye dành cho các nghệ sĩ châu Á tổ chức tại Singapore.

Global Eye đã tổ chức 24 triển lãm trên toàn cầu với thu hút tổng lượng khách tham quan hơn 3 triệu người. Triển lãm Korea Eye được đánh giá là thành công nhất diễn ra vào dịp Thế vận hội 2012 tại London. Riêng triển lãm này đã thu hút hơn nửa triệu người xem trong vòng 10 tuần.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.