Du lịch thượng thành Huế

Sông Hương, núi Ngự nhìn từ Kỳ Đài
Sông Hương, núi Ngự nhìn từ Kỳ Đài
TP - Tôi qua Viêng-chăn hai lần. Lần thứ nhất điểm đến cuối cùng trong ngày là Khải Hoàn Môn (Patuxai), nằm cuối đại lộ Lan Xang. Công trình này là một biểu tượng chiến thắng của người Lào với ý nghĩa vinh danh những chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp và tưởng niệm những người đã chết trong chiến tranh.

> Văn hóa năm châu hội tụ

Nhìn xa Patuxai trông giống như Khải Hoàn Môn ở Paris. Nhưng đến gần thì bắt gặp nét bản sắc mỹ thuật của người Lào và người Ấn với những hình tượng trang trí Kinari (nửa người phụ nữ và nửa chim), những phù điêu mô tả trường ca Rama, các toà tháp mang đậm phong cách kiến trúc Lào.

Không rực rỡ sắc vàng như các tháp chùa, Patuxai cổ kính với màu vữa xi măng tô bên ngoài lỗ chỗ rêu mốc. Patuxai nằm hài hoà trong một quảng trường rộng lớn, hết sức thanh bình. Ký ức thời gian và lịch sử đã làm nên một Patuxai ấn tượng trong lòng du khách khi đến Viêng - chăn.

Khải Hoàn Môn Viêng - chăn
Khải Hoàn Môn Viêng - chăn.

Chiều về Patuxai là nơi du khách và người dân thành phố tụ tập. Trẻ em nô đùa, người cao tuổi tập thể dục, những cặp tây ba lô tay trong tay bên hồ nước trong xanh.

Cũng như mọi du khách lần đầu tiên đến Viêng - chăn, tôi không thể không mua vé để được leo lên các tầng cao thoả thích ngắm và chụp ảnh toàn cảnh thành phố; thu vào tầm mắt các di tích, thắng cảnh, công trình kiến trúc tiêu biểu của Viêng - chăn.

Không gian bao la trải rộng mọi hướng của thủ đô đất nước Triệu Voi hiện ra trước mắt tôi: Toà thị chính, That Luang, chợ Sáng, toà nhà Sứ quán Việt Nam. v.v…

Kỳ Đài Huế trong Đêm Hoàng cung
Kỳ Đài Huế trong Đêm Hoàng cung.

Từ Khải Hoàn Môn Viêng - chăn tôi chợt nhớ về Kỳ Đài Huế!

Kinh thành Huế ảnh hưởng kiểu thành Vouban của Pháp, tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc quân sự - quốc phòng của Việt Nam ở thế kỷ XIX. Kỳ Đài Huế gắn liền với tường thành, loại hình kiến trúc bao gồm thành lũy, pháo đài, đồn canh, cửa ô...

Tường thành được xây dựng từ năm 1805 đến năm 1838, sừng sững bên bờ bắc sông Hương như một toà thành đồ sộ, có chu vi gần 10km, 10 cửa chính ra vào, các cổng thành đều có vọng lâu, bốn góc mái uốn cong, mặt trong khoét hai chữ thọ, trông như một ngôi miếu, làm cho toà thành có dáng dấp cổ kính.

Kỳ Đài được xây dựng ngay mặt tiền của Hoàng cung, bố cục ba tầng, cao 17,5m, cột cờ cao 37m.

Kỳ Đài đã từng được trùng tu trong tổng thể dự án tôn tạo cụm di tích kiến trúc từ Quảng trường Ngọ Môn đến Nghinh Lương Đình, Hộ thành hào, Phòng thành đoạn từ cửa Thể Nhơn đến cửa Quảng Đức, với nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng. Trong các kỳ Festival Huế, Kỳ Đài và đoạn phòng thành hai bên đã được chọn làm nhiều lễ hội lớn như lễ hội áo dài, lễ hội Hành trình mở cõi, sân khấu chương trình khai mạc, bế mạc…

Thế nhưng, cho đến nay, du khách vẫn chưa được lên Kỳ Đài, chưa được đi dọc thượng thành để tham quan, tìm hiểu mô hình phòng thủ của kinh thành Huế, để phóng tầm mắt từ trên cao ngắm toàn cảnh sông Hương núi Ngự, Hoàng thành?

Lại nhớ thêm, hôm đến Angkor Thom tôi đã gặp một nhóm khách nước ngoài vừa đi bộ 12 km quanh kinh thành. Họ đi theo con đường tuần tra của những người lính bảo vệ đế chế ngàn năm trước; đi trên những tảng đá ong và đi qua những vạt lau lách, những lùm cây lúp xúp có nhiều chim hót.

Họ bảo, vào tham quan trong thành phải mua vé 20 USD/ngày, còn đi trên tường thành thì chẳng ai soát vé cả.

Tường thành Angkor đẹp tuyệt vời như đưa họ lạc vào cổ tích và truyền thuyết. Theo lộ trình này họ có một bộ ảnh Angkor Thom với những góc nhìn khác lạ, hấp dẫn.

Đến Bắc Kinh “bất đáo Trường Thành phi hảo hán”. Du khách được cổ vũ khích lệ lên chót vót đỉnh Trường Thành bằng món quà tặng là huy hiệu Chủ tịch Mao Trạch Đông và giấy chứng nhận hảo hán Trung Hoa. Đến thăm cố đô Huế tại sao du khách lại không được một lần lên tham quan thượng thành, Kỳ Đài?

Tôi đem chuyện này trao đổi với Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. TS Hải cho biết: Trung tâm đang xây dựng đề án phát triển các dịch vụ du khách, trong đó có chủ trương khai thác tuyến du lịch thượng thành và tham quan đời sống người dân Thành Nội.

Trước mắt tổ chức trưng bày và khai thác tuyến du lịch thượng thành phía Nam (mặt tiền kinh thành). Theo đó sẽ tôn tạo và trưng bày toàn bộ tuyến thượng thành như quy hoạch xây dựng ban đầu.

Đó là một hệ thống phòng thủ kiên cố, bổ sung thêm các chứng tích chiến tranh. Điểm nhấn là Quan Tượng đài (Nam đài) ở góc tây nam thượng thành.

Ở đây có thể trưng bày, giới thiệu về cơ quan đặc biệt này - cơ quan thuộc Khâm Thiên Giám, có chức năng dự báo khí tượng thủy văn, xem ngày tốt, làm lịch pháp…

Mong thay và mừng thay!

Thanh Tùng
Bài và ảnh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG