'Đứa con rơi' của âm nhạc cung đình Huế

'Đứa con rơi' của âm nhạc cung đình Huế
TP - Huế đang tràn ngập thanh âm rộn rã mà thiêng liêng của Nhã nhạc cung đình- Di sản Thế giới. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng nghệ thuật cung đình Huế còn một “đứa con rơi” ở nơi xa cách gần 1.000 km, chừng 1 thế kỷ rưỡi nay. Đó chính là trống Cổ bộ ở Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh.
'Đứa con rơi' của âm nhạc cung đình Huế ảnh 1
Đội trống Cổ bộ đang tập

Dân Thị Cầu ai cũng thuộc câu chuyện về gốc tích trống Cổ bộ. Xưa kia, làng có người con họ Hoàng đi lính cận vệ tại cung đình Huế, do có năng khiếu nên được tuyển vào đội nhạc cung đình. Tới lúc được nghỉ ngơi, trở về quê hương, ông đã truyền lại cho dân làng.

Trống Cổ bộ có nhịp điệu khoan thai, trang nghiêm, cách đánh rất hoa mỹ hợp với không khí lễ hội nên các cụ ở Thị Cầu đã sử dụng vào những dịp lễ trọng của làng. Dịp hội làng vào tháng 4, trống Cổ bộ được dùng trong tế lễ và lễ rước 2 tướng tài thời vua Triệu Quang Phục là Trương Hống, Trương Hát.

Cụ Nguyễn Vinh, trưởng BQL Di tích Thị Cầu kể: “Từ nhỏ tôi nghe các cụ kể khi mới về đến Thị Cầu, trống Cổ bộ có 13 bài- dùng trong các dịp khác nhau ở cung đình như: Đón vua ngự giá, đón hoàng hậu, đón sứ thần, Tế Nam giao, dùng để báo hiệu chuẩn bị buổi chầu và đưa nhịp bước chân các quan khi kết thúc buổi chầu…

Mỗi bài trống có một mục đích và mang tiết tấu, màu sắc riêng. Giờ chỉ còn lại 6 bài: Rung một, Rung hai, Hoa rơi, Đánh lăn, Bổ ba, Bổ chín”. Một đội trống Cổ bộ có 5 người, 4 người cầm trống và một cầm chũm chọe (não bạt). Người cầm chũm chọe là chỉ huy, mở đầu, chuyển bài hay kết thúc đều do người này chủ động báo hiệu.

Bốn cái trống có kích thước bằng nhau- to gần bằng trống chiến, khi đánh cùng chung một nhịp điệu đều răm rắp. Trong 6 bài thì Hoa rơi và Đánh lăn có động tác múa dùi, tạo âm thanh từ việc chạm hai dùi với nhau bằng các động tác tay rất đẹp mắt. Nếu tách ra khỏi phần lễ và đánh liền 6 bài- sẽ trở thành một bài trống lớn với đầy đủ phần mở đầu (Rung một, Rung hai), phát triển (Hoa rơi, Đánh lăn) và kết thúc.

Mong ngày trở lại quê hương!

Trong 49 làng quan họ cổ, Thị Cầu nức tiếng với lối hát rất riêng, ít nhiều mang hơi hướng tuồng, bởi nơi đây từng có truyền thống tuồng. Cho tới nửa cuối thế kỷ XX, khi các làng quan họ hầu như đã vắng bóng nghệ nhân có thể sáng tạo làn điệu mới, Thị Cầu vẫn còn các cụ Cả Vịnh, Tư La, Sáu Căn… Nằm ngay trung tâm vùng Kinh Bắc gần sông Cầu nên từ hàng trăm năm nay, dân Thị Cầu sống chủ yếu bằng nghề buôn bán. Con gái Thị Cầu còn mải đảm đang chợ búa, hầu như chỉ có cánh đàn ông tham gia chơi quan họ. Đâm ra Thị Cầu là làng quan họ cổ duy nhất chỉ có liền anh.

Trò chuyện với các nghệ nhân lớn tuổi tại đình làng, nơi đội trống thường luyện tập mới biết Thị Cầu lúc nào cũng có 3 thế hệ biết đánh trống: Các cụ, thanh niên và thiếu nhi. Hỏi vui cụ Vinh giữa thời buổi bọn trẻ còn mải chat chit, hip-hop... sao làng vẫn “lôi kéo” được họ, cụ cười: “Lôi kéo gì đâu, được vào đội trống là một vinh dự”. Cụ cho biết thêm muốn vào đội phải học giỏi, ngoan, lễ phép và có năng khiếu.

Nhiều nơi trong vùng muốn sử dụng trống cho việc làng, song duy chỉ một làng gần đó tiếp nạp được. Nhưng tiếng trống và “thần” trống không được như Thị Cầu. Dân Thị Cầu tự hào về điều này, nhưng ở góc độ khác đó cũng là nguyên nhân khiến trống không thể nhân rộng. Hỏi cụ Vinh và các nghệ nhân mong ước lớn nhất là gì? Không gì khác là trống Cổ bộ được trở về với Huế.

Thực ra, hơn chục năm trước, Huế đã mời cả đội trống vào “nhận mặt”. Nghệ nhân Nguyễn Cầu nhớ lại: “Lúc đó giám đốc bảo tàng (ông không nhớ chính xác bảo tàng gì, theo chúng tôi là Bảo tàng nằm trong quần thể di tích cố đô Huế) rất xúc động, cảm ơn Thị Cầu có công nuôi dưỡng, đồng thời thừa nhận từng nghe nói tới, nhưng hiện ở Huế trống Cổ bộ đã thất truyền”.

Chắc chắn khi bắt tay phục dựng nhã nhạc Huế, các nhà nghiên cứu phải tìm trong dân gian, lấy những bài bản còn lưu truyền để làm cơ sở. Có thể các nhà nghiên cứu chỉ tập trung vào vùng Bình - Trị - Thiên cũ mà trọng tâm là Huế, chứ ít ai ngờ rằng còn có trống Cổ bộ tại một làng quê tận vùng Kinh Bắc.

Trống có mặt ở Thị Cầu khoảng 150 năm, tức là vào thời kỳ Tự Đức (1847 - 1883), trong khi chế độ phong kiến nhà Nguyễn sụp đổ cách nay chưa đến một thế kỷ. Lẽ tự nhiên, sau đó nhạc cung đình mới được truyền bá ra ngoài dân gian. Như vậy so với những bài bản dân gian ở Huế nhiều khả năng trống Cổ bộ Thị Cầu có tuổi đời cổ hơn.

Đến cố đô Huế đầu năm ngoái, có dịp tiếp xúc với một số cán bộ trong ngành và nghệ sĩ nhã nhạc, hỏi không ai biết đến những tên trống và từng bài bản của trống.

Mặc dù trống Cổ bộ đã “yên ấm” ở mảnh đất nghìn năm văn hiến nhưng giá như Huế đã nhận lại “con rơi”, biết đâu ở Festival 2008 này, trống Cổ bộ đã trở thành một tiết mục độc tấu của dàn đại nhạc được chú ý vì đã thất truyền và đã trở về. Hay chí ít những kỹ thuật và cách thể hiện độc đáo của trống Cổ bộ đã góp phần làm phong phú thêm vốn di sản âm nhạc của Huế.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.