Đưa di tích, di sản về với dân

Đưa di tích, di sản về với dân
TP - Trước hàng loạt bức xúc gần đây về trùng tu bảo tồn di tích, GS. Ngô Đức Thịnh đề xuất nên có cuộc vận động đưa ý thức, tri thức về bảo vệ di sản đến người dân, tại hội nghị trực tuyến sáng 11/6 do Bộ VHTT&DL tổ chức.

> Ba điểm nhấn của Festival Di sản Quảng Nam
> Ngành du lịch đề xuất đơn vị chuyên trách xin lỗi

Lại chuyện phân cấp

Hội nghị-Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác quản lý và phát huy giá trị di tích”, trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.

Các nhà quản lý, đại diện mấy chục Sở VHTT&DL, các nhà khoa học có phần né tránh, hoặc chỉ bóng gió về lùm xùm quanh các di tích được dư luận quan tâm gần đây như Đàn Xã Tắc, Chùa Một Cột hay làng cổ Đường Lâm.

Một hội nghị về nâng cao chất lượng công tác quản lý, nhưng lãnh đạo Bộ chủ trì, hướng đại biểu tập trung bàn về hệ thống văn bản pháp quy, các mô hình quản lý di tích và ứng xử với di tích.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản thừa nhận: “Mô hình quản lý di tích nhiều bất cập. Bộ máy quản lý chưa được kiện toàn”.

Thực tế, những sai phạm, bức xúc tại Chùa Trăm Gian năm ngoái, hay gần đây là làng cổ Đường Lâm và Chùa Một Cột ít nhiều liên quan đến bất cập trong mô hình quản lý di tích.

Sư trụ trì Chùa Diên Hựu-Một Cột năm lần bảy lượt yêu cầu tu bổ gấp, nhưng dự án vẫn treo vài năm nay, vì phải chờ ý kiến của BQL và các cấp liên quan.

GS. Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia nói: “Những người làm di sản càng ngày càng phải chuyên nghiệp hóa. Nhưng quản lý di sản thì phải xã hội hóa”.

Ông nêu ví dụ, Srilanka, Pakistan hay Lào, cơ quan quản lý di sản của họ hoạt động độc lập như một đơn vị trực thuộc Chính phủ. Tại Việt Nam, mô hình phân cấp hành chính dẫn tới các chuyên gia khó tham gia bảo tồn, trùng tu di tích. Chưa kể, Việt Nam chưa có bộ phận chuyên nghiệp trùng tu di tích, dẫn đến tình trạng “ai cũng có thể trùng tu”, sai phạm là điều thấy rõ.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho hay, UBND TP Hà Nội phân cấp quản lý di tích 2011-2015 đối với hơn 5.000 di tích trên địa bàn dưới các hình thức do Sở, UBND quận, huyện hoặc có di tích trực thuộc thành phố như Hoàng Thành Thăng Long và Cổ Loa.

“Mật độ di tích lớn, trên địa bàn rộng nên di tích xuống cấp khá nhiều. Hiện có hơn 600 di tích xuống cấp cần nhanh chóng tu bổ”, ông Tiến nói.

“Đây là vấn đề bức xúc cần cải tiến, nhưng chúng ta không thể đưa ra một mô hình duy nhất để quản lý. Tùy hoàn cảnh từng địa phương, phải có hình thức phù hợp”, GS. Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia phát biểu.

Đưa di sản về cho dân

“Ý thức và tri thức về di sản của cán bộ, người dân có vấn đề. Tôi đề nghị có cuộc vận động đưa ý thức, kiến thức về di sản cho người dân. Tôi quá khâm phục bà con Bắc Ninh khi tham gia lập kỷ lục hát Quan họ. Họ có tình yêu đấy nhưng họ không hiểu làm thế là phá di sản! Hay như vụ chùa Trăm Gian, làm sao trách dân được, họ chỉ thấy nhà sắp đổ thì hạ xuống xây mới thôi”, GS. Ngô Đức Thịnh nói.

Ông cho rằng, huy động ý thức của người dân tham gia bảo tồn di sản là điều cần thiết, không tạo nên bức xúc và gây mất đoàn kết như thời gian qua. GS. Thịnh dẫn chứng, sở dĩ Hội Gióng vẫn giữ được bản sắc, không bị “nhà nước hóa” là do “sức đề kháng” của cộng đồng đó. Hay có di tích do huyện quản lý 1 năm thu được 2 tỷ, nhưng đưa về xã thu tới 7 tỷ đồng.

“Ngoài đầu tư vào di tích, cũng nên đầu tư vào dân, coi việc người dân được hưởng lợi là một tiêu chuẩn quản lý có tốt hay không”, ông nói. Xét theo tiêu chí này, hẳn người Đường Lâm có quyền bức xúc vì lâu nay phải chịu khổ vì di tích, đến mức đòi trả lại danh hiệu. Tuy nhiên, ông vẫn nhấn mạnh, cần có cuộc vận động lâu dài trong ứng xử với di sản.

GS. TS. Lưu Trần Tiêu cho rằng cần cơ chế khác cho đội ngũ bảo tồn di tích. “Chúng ta có quy chế bảo tồn, tôn tạo di tích từ năm 2003.” Ông cũng cho rằng, phải khiến đội ngũ này sống được bằng nghề, chuyên tâm tu bổ thì mới mong chất lượng tu bổ, trùng tu di tích tốt lên.

Đại biểu tỉnh An Giang cho rằng, cần có một đơn vị tương tự Cảnh sát du lịch, để thực hiện nếp sống văn minh lễ hội tại di tích. GS. Lưu Trần Tiêu cũng nhấn mạnh, lâu nay thanh tra di tích mới chỉ dừng lại ở xử phạt, trong khi đáng ra phải đẩy mạnh tiền kiểm, giám sát từ lập dự án, thi công trùng tu di tích.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG