Dừng chân trước cửa ngõ Tây Tạng huyền bí

Dừng chân trước cửa ngõ Tây Tạng huyền bí
TP - Mục tiêu của tôi là Tây Tạng không đạt được do thủ tục giấy tờ. Nhưng việc dừng lại ở vùng đất Vân Nam, cửa ngõ Tây Tạng cũng không uổng phí vì ở đó không thiếu những vưu vật, kỳ nhân.
Dừng chân trước cửa ngõ Tây Tạng huyền bí ảnh 1
Chữ của Chu Đức

Thạch Lâm. Rừng đá. Một kỳ quan của Côn Minh, Vân Nam làm choáng mắt du khách, một chặng của chuỗi dừng những là Thạch Lâm, Đại Lý, Lệ Giang, Ngọc Long... trước khi vào cửa ngõ của Tây Tạng huyền bí. 

Cái hồi Nguyễn Du đi sứ sang Tàu chả biết có đáo qua Thạch Lâm này không nhưng thứ đá trong Bắc hành tạp lục nghe mà hồn cốt mà sống động như thứ đá muôn hình vạn trạng tôi đang được chứng kiến như lúc này...

Đá đá bên nhau dáng kỳ lạ. La liệt như hùm beo, như ngựa trâu rồng rắn. Nhỏ bằng nắm tay to bằng nhà lớn. Hòn thấp ngủ nằm hòn to đứng sững. Hòn cong hòn xoáy hòn chạy re...

Đây là đận thứ hai tôi được qua Thạch Lâm nhưng lần trước chỉ đáo qua, nay ngủ lại. Nếu như người lần đầu đến Thạch Lâm từ cái sảnh khách sạn nép trong một ngách rừng đá ngó ra trong ánh trăng mông lung cữ sắp Nguyên Tiêu này thì có cảm giác hao hao của người vừa bừng giấc đêm giữa Vịnh Hạ Long.

Hải thượng vạn phong quần ngọc lập (nơi quần tụ của hàng vạn hòn ngọc trên mâm ngọc)  ông vua thi sĩ Lê Thánh Tông từng hạ bút về công trình tuyệt tác của Tạo hóa Vịnh Hạ Long như thế. Trập trùng bao la, bạt ngàn nhưng người ta đã tính, đếm cả rồi là vùng quần đảo Hạ Long lẫn Bái Tử Long có hơn 2.000 hòn đảo lớn nhỏ...

Trong hơn 2.000 hòn đảo ấy, có 1.030 hòn đã có tên. Tôi dám chắc đá xứ Hạ Long mình hoành tráng hơn, uẩn súc hơn nhưng là đặt trên biển, còn Thạch Lâm  đây là trên cạn.

Thôi thì tạo hóa nghĩ cũng công bình khi rót từ Cao Xanh xuống một quần thể đá trên cạn ở phía chót Trung Hoa để yểm trấn trước ngõ vào Tây Tạng này thì cũng hào phóng ban cho xứ Việt mình một Vịnh Hạ Long, một Bái Tử Long - quần thể đá muôn hình vạn trạng trên biển!

Thạch Lâm được Trung Hoa coi là Đệ nhất cảnh quan thì Vịnh Hạ Long được thế giới nắc nỏm là Di sản thiên nhiên thế giới!  Đã đành có sự tham góp sự vận động của địa chất hàng triệu triệu năm như thế, những là vô số tang hải thương điền mới biến nguyên một thứ Vịnh Hạ Long thành thứ non bộ trên cạn như Thạch Lâm này nhưng tôi vẫn khư khư cái niềm tin rằng Đá là thứ tặng vật độc đáo, bí ẩn của Tạo hóa.

Đành một nhẽ những luận giải của ngành địa chất dễ dàng làm toang hoang những bí ẩn ấy. Nhưng nghĩ đến động thái kính cẩn của cụ Phan Bội Châu khi viết bái thạch vi huynh (lậy đá làm anh) thì là y sì, là trần thùi lụi những thứ độc đáo bí ẩn ấy?

Phải vậy không mà tất tật những điểm hiểm yếu huyệt đạo, tạo hóa thường bày đặt trấn yểm lúc thì những vệt những khoảng đá khi thì trập trùng chất ngất đá... Tạo hóa có lẽ vô tình nhưng con mắt tinh khôn của người đời lẫn các nhà quân sự ở một đất nước liên miên trận mạc như xứ mình đã biến nó thành thứ đắc dụng trong binh pháp...

Quỉ môn quan của Chi Lăng ải mà ở vào thế đá ấy thì một người có sức địch trăm người. Mà Hoành Sơn chỉ như cái thắt lưng thôi nhưng có thể vạn đại dung thân. Thế đá Hoa Lư giúp Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành thống nhất, mở mang cương vực. Tam Điệp giúp các tướng Tây Sơn náu quân đợi Quang Trung…

Dừng chân trước cửa ngõ Tây Tạng huyền bí ảnh 2
Thạch Lâm

Miên man lẫn lan man về đá mà quên phắt mình đang đứng giữa muôn hình vạn trạng của rừng đá Thạch Lâm. Hơn hai triệu năm trước đây là biển.

Quần thể đá cạn này ước chu vi khoảng ba cây số vuông. Chỉ một chút xíu tưởng tượng là tất tật du khách trở thành những người mơ mộng vì nghĩ mình đang chui dưới những bụng voi, trên những lưng ngựa lẫn miệng rồng...

Chịu khó chút nữa thì chui vào các động như Chú Vân, Kỳ Phong Hồ Trường, Hồ Nguyệt... người mới tới thì bảo như đang bước giữa cung điện nhà trời nhưng công bằng mà gẫm thấy các động này thua đứt những Bồ Nâu, Luồn, Tiên Cung, Đầu Gỗ... là những hang động có tiếng ở Hạ Long.

Có khéo chăng là bên này người ta giữ sạch sẽ quá! Lại cái khâu tiếp thị du lịch sao đó mà người nước ngoài lẫn dân bản địa Trung Hoa tới đông quá đi?

Thả bước miên man giữa rừng đá, tôi chợt bừng ra một điều, có lẽ quần đá Thạch Lâm hấp dẫn du khách khi người ta tưởng tượng ra vô số những con thú cũng là một phần nhưng cái chết người cái độc đáo làm nên sự lạ lẫn hấp dẫn ấy là các kiểu chữ đề khắc trên đá? Cao thấp dài ngắn khác nhau...

Chon von phải ngước mắt lên cũng chữ. Tầm ngang của mắt cũng chữ. Những tay thợ tạc chữ tài khéo chỉ có cách buộc dây treo mình trên đó hoặc nối vô số đoạn thang thì  mới có thể vạc ra những kiểu chữ chuẩn như thế?

Các cung bậc cỡ chữ thứ Triện thứ Lệ thứ Thảo thứ Chân và màu sắc của các con chữ lẫn kiểu điểm xuyết và bố cục các khoảng cách đã vô tình tạo nên cái cảm giác đây là trời viết chứ chả phải là người? Có lẽ dưới hạ giới này mỗi anh Trung Hoa mới làm được việc ấy?

Mà góp phần tạo nên ấn tượng kỳ vĩ ấy phải là cái anh chữ tượng hình chứ còn các con chữ hệ Latin mà đem vạc trên lưng chừng đá lưng chừng trời ấy chỉ có mà vứt!

Nói dại mồm, thử bạt một góc sườn của bất kỳ khối đá nào đó ở Vịnh Hạ Long mà vuông lẫn bằng chằn chặn một cụm từ Di sản thiên nhiên thế giới với kiểu chữ VnTime hoặc VnTimeH mà vi tính ta bây giờ vẫn dùng xoành xoạch lại chả chuế lắm ru?

Mà thứ chữ được vạc ở đây chả phải chữ của đám du lịch ngứa tay nổi hứng đề nhăng vẽ cuội, tóm lại không phải chữ của người phàm mà tinh của những người danh phận.

Tít từ xa, du khách đã thấy rờ rỡ hai chữ Thạch Lâm đỏ chon chót chon von thấp thoáng trong trần mây thấp thường võng xuống các vệt núi đá vôi là của tướng Long Vân - Tư lệnh Vân Nam khắc từ hồi Tưởng Giới Thạch. Một quãng nữa là thứ thảo khỏe khoắn của ủy viên trưởng Nguyên soái Chu Đức. Thấp thoáng tít đằng kia là lối chân của Lý Tiên Niệm v.v...

Có một đoạn lại thấy những nét vạc nét đục nham nhở... Hỏi ra mới biết hồi Đại cách mạng văn hóa đám Hồng vệ binh đã hăm hở làm cái việc xóa đi những dòng lưu bút của Lưu Thiếu Kỳ lẫn nguyên soái Hạ Long.

Thoáng ngó những vệt xóa nham nhở ấy mà giật thột rằng tại sao trên đất nước mênh mông này, chi chít những đường những phố mà những nơi, những chốn mình đã qua cấm có thấy con đường nào mang tên bất kỳ một cá nhân cổ kim nào duy nhất ngoại trừ con đường Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu?

Thứ ngữ nghĩa trên đá kia, rằng hay thì thật là hay nhưng có vẻ như du khách cũng nên lĩnh hội thứ minh triết Trung Hoa rằng mình chỉ là hữu hạn trong cái vô cùng của trời đất?

... Hơi lạnh đá núi Thạch Lâm và kiểu chen chúc trong dòng du khách Âu á khiến tôi chợt bừng cái điều rằng, ở xứ mình trong phong trào xẻ đá nung vôi (kể cả việc nung nàng Tô Thị Lạng Sơn lẫn Tô Thị núi Nhồi xứ Thanh) và việc khai thác đá tùy hứng để ốp lát lên đủ mọi thứ kiến trúc và xây cất hoặc xay nhỏ ra để cung đốn cho vô số các nhà máy xi măng lò đứng lò nằm ngốn hối ngốn hả rồi đá để làm đường đã làm biết bao cảnh quan đá lẫn hang động xứ mình từ Bắc vô Nam biến dạng nham nhở.

Có lẽ muộn còn hơn không, các nhà hữu trách cần có quy hoạch hay kế hoạch gì chứ nhỉ?

Nhớ hồi theo đám chuyên gia quốc tế đi khảo sát Vịnh Hạ Long trước khi được công nhận là Di sản thế giới, nhân nhàn đàm về sự thăng trầm biến dịch của vỏ trái đất lẫn sự bào mòn phong hóa thiên nhiên..., ông Davis người Đan Mạch, người đã ăn mòn bát thiên hạ, nghĩa là ông đã đi rất lắm nơi từng nói với chúng tôi là cái quần thể đá vôi và hang động ở cố đô Hoa Lư nếu biết gìn giữ bảo vệ lẫn khai thác thì cũng chả kém cạnh mấy cái Thạch Lâm bên Tàu...

Kỳ II: Tôi đi mua ngọc ở Vân Nam 

MỚI - NÓNG