Đừng tranh luận nữa, làm phim thôi!

Đừng tranh luận nữa, làm phim thôi!
Tính ra đã được 1 năm, nhà quay phim Phạm Hoàng Nam xin ra khỏi Hãng phim Giải Phóng. “Nó không hẳn là chuyện xích mích cá nhân mà thực chất là tôi ra khỏi một cơ chế” – Anh bộc bạch.
Đừng tranh luận nữa, làm phim thôi! ảnh 1
Phạm Hoàng Nam trên đường thiên lý làm phim “Ngày mai cho bạn và tôi”

Phạm Hoàng Nam học quay phim 8 năm ở Nga, bỏ thêm tiền túi học đạo diễn, về Hà Nội không xin được việc, vào Nam được Hãng Giải Phóng nhận ngay, “làm suốt 11 năm ở đó người ta cũng chẳng đòi xem tấm bằng của tôi xanh đỏ thế nào, quan trọng là làm được việc”.

Thì đúng là anh làm được việc, một tay quay chủ lực của Hãng, Giải Quay phim xuất sắc nhất tại LHP toàn quốc với Ai xuôi vạn lý, Hải nguyệt, làm từ Lưỡi dao, Mê Thảo thời vang bóng tới phim thị trường như Gái nhảy, Lọ Lem hè phố... Vậy mà lại dứt áo ra đi

“Không làm ở Hãng thì mình vẫn làm phim, chỉ có khác là không nhận mấy trăm lương hàng tháng bởi thực sự vẫn yêu quý Hãng, nếu có phim nào thích hợp thì về quay, và nếu như Hãng có một cơ chế mới, có thể tôi sẽ trở lại”.

5 năm là ủy viên BCH Hội Điện ảnh TP HCM, Đại hội Điện ảnh toàn quốc vừa rồi chắc không phải anh bận đến nỗi không dự được?

Vì tôi rút ra một điều: mất thì giờ!

Và vì bản thân anh cũng mải làm phim, không chịu cựa quậy làm gì cho anh em hội viên dù phụ trách mảng đào tạo hẳn hoi?

(Lắc đầu) Tôi hăng hái chứ, cựa quậy chứ, dạy học trong trường điện ảnh, đề cập bao nhiêu chương trình đào tạo, bỏ tiền túi ra mua bao nhiêu sách nước ngoài về hô mọi người dịch để cập nhật, chẳng ai dịch. (Lại một cái lắc đầu) Thế hệ chúng tôi “nửa nạc nửa mỡ”, dù được đào tạo ở nước ngoài nhưng không được tận dụng hoặc học cái mới mà làm theo cái cũ.

Trong tâm trí tôi không nghĩ tới Hội điện ảnh như nó đang có hiện nay. Tôi nghĩ Hội phải tạo được niềm tin, niềm vui, sáng tạo và bảo vệ quyền lợi cho hội viên chứ không thể tồn tại theo kiểu hình thức.

Tôi cũng thất vọng cả các cuộc thi phim, vì nó như một sự phân bố giải thưởng. điện ảnh của ta đúng là giống như một cánh diều.

Đây không phải là ý kiến của tôi đâu nhé, mà nhiều nghệ sỹ ngồi trong quán trà ngẫm ngợi và thấy đúng quá. Cánh diều là hình ảnh rất hợp với điện ảnh hiện nay: nó lãng mạn và đẹp nhưng cũng mong manh, dễ gãy...

Người làm phim tự do như anh mong chờ gì ở Luật Điện ảnh?

Luật sẽ phân loại phim và xác định giới hạn được làm và không được làm chứ không phải theo cảm tính và kinh nghiệm của những người trong Hội đồng duyệt.

Cũng không cần thiết phải tốt nghiệp ĐH mới được làm đạo diễn, như thế thì không ít đạo diễn nổi tiếng ở nước ngoài không được phép làm phim vì không có bằng ĐH.

Mà cũng phải xem cách đào tạo ĐH  ở ta thế nào chứ? Làm phim ở ta bây giờ chủ yếu là kiến thức chắp vá, có nhiều tài năng nhưng không toàn diện. Bây giờ người ta nói nhiều đến chuyện rút ruột các công trình xây dựng, điện ảnh bao cấp cũng có hiện tượng ấy, và rất khó phát hiện vì việc nghiệm thu một tác phẩm nghệ thuật rất khác với một công trình xây dựng.

Nghĩa là vẫn phải nhấn mạnh yếu tố đào tạo?

Đúng thế, đó là vấn đề cốt tử. Không cứ là chỉ đào tạo thành phần chủ yếu (đạo diễn, quay phim, họa sĩ…) mà rất cần có người dựng cảnh cao cấp, ông làm ánh sáng cao cấp, bà phụ trách phục trang cao cấp, và đặc biệt là nhà sản xuất phim chuyên nghiệp… Chứ điện ảnh đang trống vắng, không có lực lượng kế cận.

Nếu điện ảnh ví như một ngôi nhà thì bê tông, cốt thép của nó đang vô cùng yếu trong khi người ta vẫn chỉ nói tới thiết kế nội thất và tô vẽ lên những chỗ nứt nẻ bằng nước sơn mà thôi.

Quay lại bộ phim anh đang làm đạo diễn, Ngày mai cho bạn và tôi, một cái tên rất Liên Hợp Quốc, nó nói điều gì vậy?

Thì đó là bộ phim tài liệu do chính LHQ đặt hàng, kịch bản của Phan Huyền Thư, đề cập 8 vấn đề cả thế giới quan tâm như nghèo đói, giáo dục, HIV, môi trường… Chúng tôi đi 9 tỉnh thành, quay 2 tháng và đang giai đoạn dựng phim.

Người dẫn chuyện là Dương Anh Xuân- một phóng viên tập sự, một người trẻ tuổi dấn thân vào một hành trình để tự khám phá cuộc sống cũng là khám phá chính bản thân và tìm hiểu nhiều sự thật khác thường…

Tôi cũng khám phá bản thân mình trong hành trình ấy, và nhiều lúc thực sự bàng hoàng trước những gì mình đang chứng kiến, trước câu trả lời của những bạn tuổi từ 15- 25.

"Khi đàn ông có bầu" do anh đạo diễn doanh thu khá nhưng bị tiếng chê không ít, khả năng tiếp nhận lời chê của anh thế nào?

Hoàn toàn thoải mái. Giới chuyên môn và phê bình chê là đúng, vì họ không phải đối tượng bộ phim hướng tới. Ở đây chúng tôi thử phân khúc thị trường, có những phim như Mùa len trâu, Thời xa vắng thì cũng phải có Khi đàn ông có bầu - Phim vui vẻ dành cho bà con bình dân có nhu cầu đi xem  vào dịp Tết.

Tôi quan niệm thế này, đừng nói nhiều nữa, hãy làm việc thôi, để khám phá ra cái sai, cái đúng và nếu có ai khen hay chê mình thì có nghĩa họ đang quan tâm, lo cho mình. Bản thân tôi cũng chê tôi trước: được học nhưng không tài năng lắm. Đó là sự thật, tôi biết nhận xét cái hay nhưng không phải lúc nào cũng làm ra cái hay. 

MỚI - NÓNG