Đừng vuốt ve nhân vật của mình

Đừng vuốt ve nhân vật của mình
TPCN - “Thật tuyệt vời khi mọi người cười, bởi nụ cười ấy làm vơi đi ảo mộng về một thực tại xấu xa...
Đừng vuốt ve nhân vật của mình ảnh 1

Tôi thích nhất là những gì mình viết ra khiến mọi người cười” - Cô gái 23 tuổi, tác giả cuốn tiểu thuyết “Con công của nữ hoàng” vừa đoạt giải NIKE, giải văn học thường niên danh giá nhất Ba Lan, Dorota Maslowska tâm sự.

- Rất lạ là trong văn, chị tỏ ra là một kẻ yếm thế đến cực đoan - hình như chị không thích những nhân vật của mình?

- Nhà văn không nên quá vuốt ve nhân vật của mình mà cần cảm thông với họ. Tôi thường chất lên nhân vật những gì thấp kém nhất, bởi qua đó, họ trở nên thật hơn, sống động hơn.

Sai lầm lớn nhất của một nhà văn trẻ là sự nhầm lẫn bản thân mình với người kể chuyện hay nhân vật – bởi điều này bao giờ cũng kết thúc bằng hình ảnh của một tri thức bị thương tổn.

Không được người đời hiểu đúng và nhạy cảm ở đâu đó trên nền một thế giới tàn nhẫn đang muốn mua chuộc anh ta. Khi đã ngồi vào viết, nhà văn cần lựa chọn, anh ta muốn ve vuốt bản thân mình hay muốn vượt qua chính mình.

- Chị cũng thích đưa mình vào văn…

- Đấy, tôi luôn nghe thấy những lời phàn nàn rằng bao giờ tôi cũng là nhân vật tích cực nhất trong tác phẩm của mình. Có thể đơn giản vì tất cả những bẩn thỉu bên trong đã được tôi chia đều cho các nhân vật khác và  cũng có thể là một sự nghiệp bất thành nào đó, một sự thủ dâm.

- Các nhà văn Ba Lan khi viết về cái xấu của xã hội, thường  muốn chỉ ra kẻ có lỗi. Còn trong tác phẩm của chị, nhân vật là những kẻ tồi tệ, và chỉ có thế.

- Đó chính là điều lý thú nhất – thế giới đang dẫn loài người vào đau thương, tầm thường và bối rối. Tôi viết cho những người đang mắc vào tất cả những cái đó và tôi buộc phải là người cảm nhận chứ không muốn làm một kẻ thông minh.

Có lẽ tôi là một người dễ thương và nhút nhát, nhìn tôi chỉ như một cô gái 15 tuổi. Đã có một thời gian dài tôi quyến rũ những kẻ điên rồ, đơn giản là sau những tối giao lưu với độc giả, có hàng loạt những “gã Ba Lan điên rồ” vây quanh tôi.

Trong cuộc sống hàng ngày, tôi là đứa em vụng về nhất nhà. Sau đấy tôi ngồi trang điểm với ý nghĩ: “Bây giờ tôi sẽ cho các người thấy, các người đã từ chối bán bia cho ai!”.

- Trong số tất cả các nhà văn Ba Lan, có lẽ chị là một hiện tượng lạ khi gây nên cả một làn sóng “phản hâm mộ” trên mạng…

- Đây là một hiện tượng lạ, bởi hoàn toàn không tỷ lệ với con người tôi, bởi đúng hơn là tôi chẳng có chút ý nghĩa nào trong cuộc sống của những người đó, thế mà họ đã phải bực bội đến vậy để chiến đấu với một kẻ bất tài khủng khiếp là tôi.

Quả thật là đáng sợ khi một nữ văn sĩ xoàng xĩnh chẳng biết từ đâu đến bỗng dưng trở thành bà hoàng của các sa lông, còn họ, những con người tội nghiệp và chẳng được ai biết đến, tối tối chỉ ngồi mê mệt bên chiếc bàn phím. Đó hẳn phải là một sự yêu thích nào đó.

- Chị cũng có những người hâm mộ điên khùng, gần như cái người đã ám sát Lennon, họ sưu tầm tất cả ảnh và những bài trả lời phỏng vấn…

- Quả là thường xuyên có ai đó gửi thư đến, yêu cầu tôi đừng viết nữa mà nên yêu thương đứa con gái của mình, bởi trẻ em cần tình thương yêu. Nhưng tôi không thích đề tài này: “Tôi đã nổi tiếng như vậy và điều đó khiến tôi mệt mỏi”.

- Vậy trong công việc viết lách, điều gì là tốt nhất?

- Bản thân sự viết. Một khi nó đang diễn ra, tôi cảm thấy thực sự  tuyệt vời, tất cả đều có ý nghĩa. Khi viết xong, sự quyến rũ bắn tung tóe, tất cả những gì tốt đẹp trong cuộc sống cũng chấm dứt.

- Nếu chỉ viết để cất vào ngăn kéo, chị vẫn cảm thấy thích thú như vậy?

- Không. Đôi khi tôi đã đi quá xa trong cái trò làm đỏm và nói rằng tôi không quan tâm đến độc giả, rằng tôi chỉ viết cho chính mình, còn cái gì xảy ra tiếp theo, tôi không quan tâm.

Nhưng sự thật thì thật tuyệt vời khi bạn cảm thấy những điều bạn viết ra đến được với ai đó, làm thay đổi điều gì đó trong anh ta, khi bạn truyền cho anh ta một virus nào đó và anh ta mang nó trong mình. Khi bạn biết rằng nguồn năng lượng ấy đến được với ai đó và bằng cách nào đó sẽ tạo nên trong anh ta một vụ nổ – thì  thật kỳ diệu.

Ngoài ra thật tốt biết bao khi người ta cười, bởi nụ cười làm vơi đi những ảo vọng về một thực tế xấu xa. Tôi thích nhất là những gì tôi viết ra khiến mọi người bật cười.

- Vậy chị đã viết “Chiến tranh Ba Lan – Nga dưới lá cờ trắng - đổ”  (tác phẩm đầu tay của DM., đã gây xôn xao văn đàn Ba Lan trong suốt mấy năm vừa qua) với ý thức là nó sẽ đến với ai đó?

- Dunin đã đọc bản thảo và chỉ sau vài trang ông đã nói rằng đây sẽ là một tác phẩm lớn.

- Dunin thì với ai chả nói thế…

- Nhưng khi đó tôi chưa biết là ông ấy nói thế với tất cả mọi người. Tôi mới 18 tuổi, nên tôi đã vui kinh khủng và tiếp tục viết. Nếu như ông ấy đã không nói như vậy, nếu như cuốn sách xuất hiện mà không có công chúng trên diễn đàn, thì chắc tôi đã không muốn viết tiếp.

- Dunin-Wasowicz là nghịch đảo của một nhà văn xoàng - ông ta thích xuất bản sách. Vào những năm 80, khi còn học phổ thông, ông ta đã phôtô những văn bản vớ vẩn nào đó của người quen với tư cách là “Nhà xuất bản Dunin”. Có thể nói rằng toàn bộ cuộc đời ông ta là chờ đợi chị.

- Cũng có phần nào đúng. Khi bắt đầu xuất bản, não tôi có kích thước một nắm đấm. Trong phần cuối của “Con công của nữ hoàng”, một số đoạn tôi đã viết vì ông ấy. Ông ấy nghiến răng nghiến lợi bắt tôi phải viết cái gì đó. Thế là tôi viết cho ông ấy.

- Chị viết như thế nào – cứ cắn móng tay và viết?

- Lâu rồi không viết gì nên tôi đã kịp quên viết như thế nào. Nhưng có lẽ là ngồi vào bàn, uống năm tách cà phê và viết. Cách đây hai năm, tôi lang thang, nói huyên thuyên, chẳng là ai và chẳng có năng khiếu gì, cùng lắm thì cũng chỉ làm đến thủ thư.

Bây giờ tôi lại có cái tâm trạng điển hình cho mình. Rằng mọi thứ đã kết thúc, rằng tôi đã cháy hết mình, tôi chẳng biết gì hết, chỉ ngồi nhà và vẽ cho con gái những ngôi nhà, những hàng rào. Vì đây không phải là lần đầu tiên có tâm trạng ấy, nên tôi không quan tâm đến nó lắm.

Thanh Thư
(Theo Gazeta.pl)

MỚI - NÓNG