Được… cấm?!

Được… cấm?!
TP - Một số nhà văn nửa đùa, nửa thật: Chẳng biết làm thế nào để tác phẩm của mình được… cấm? 

Họ nói ra điều ấy không phải không có lí. Bình thường, để một tác phẩm ghi dấu ấn, khiến người đọc quan tâm không phải chuyện dễ dàng trong nhịp sống văn chương hôm nay.  Khi nhà văn tuyên bố: Tôi viết cho chính tôi, vì chính tôi,  không vì đám đông nào cả,  độc giả chớ vội chạnh lòng với cảm giác “ra rìa”. Bởi có khi tuyên bố ấy cũng chỉ là cách che khuất nỗi buồn khi “đứa con” của nhà văn bơi ra biển không một sủi tăm.

Cứ xem một tác phẩm vừa bị đình chỉ phát hành vừa qua, người ta sẽ ngộ ra nhiều điều bi, hài. Sau “án” đình chỉ, cuốn sách sốt xình xịch khắp trong Nam ngoài Bắc. “Cha đẻ” của nó kể vui: Biết trước có người mang đến biếu chai rượu quí mới lụi hụi ký tặng và cho đi “đứa con” cuối cùng. Cũng tiếc, bởi bao nhiêu người ngỏ lời, sẵn sàng trả giá cao nếu tác giả chịu để lại cho họ một cuốn sách. Đến nước này tác giả cũng đành ngậm ngùi chào thua.

Lại nhớ  những ngày cả nước sôi sục vì “Con đường xưa em đi”.  Nếu không thừa thời gian lục vấn: “Con đường xưa” là con đường nào thì nhạc phẩm này khéo cũng chỉ là khúc ca dĩ vãng. Càng cấm, ca khúc càng quyến rũ, càng lắm người muốn nghe. Bây giờ “con đường xưa” được trả lại tự do, sức hút tự dưng tụt hẳn. Quay lại cuốn sách vừa bị đình chỉ phát hành. Chưa từng thấy một cuốn sách nào ở Việt Nam được so sánh với nhiều cuốn sách tầm cỡ ở bên ngoài như thế. Có người hớn hở phát hiện nó có màu Kafka, nó “siêu” hơn tác phẩm của Mạc Ngôn, sánh ngang Cao Hành Kiện. Rồi đến khi sách bị “tuýt còi”, có người lại phát hiện thêm: Sách có bóng dáng… Lolita. Nhưng vấn đề căn bản cần nhận thức: Có bóng dáng, có màu sắc của cuốn nọ, cuốn kia… thực ra là một bước lùi của người sáng tạo. Đã gọi là văn chương nghệ thuật thì đúng như Nam Cao sinh thời từng tuyên ngôn: Phải “khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những gì chưa có”. Đình chỉ phát hành làm cuốn sách trở thành mục tiêu săn tìm của người đọc. Tình hình này,  những kẻ in lậu sách chính là “ngư ông đắc lợi”.

Điều gì sẽ xảy ra khi văn chương ngày càng tiệm cận showbiz? Trong văn chương, nếu khát vọng đặt ra cho ngòi bút của ai đó chỉ là sự nổi tiếng bằng mọi giá thì nhà quản lí còn “đau đầu”, độc giả còn thất vọng dài lâu và nhà văn gia nhập đội ngũ “bậc thầy chiêu trò”. Thế mà, mỗi mùa Nobel văn chương đến, người ta vẫn cứ đoán già, đoán non, nhà văn Việt nào năm nay có cơ hội giật triệu “đô”  tiền thưởng. Vừa mong được “cấm”, vừa thèm vinh danh, loay hoay lựa chọn cũng hết veo một đời cầm bút.

MỚI - NÓNG