Đường - nghĩa trang - chợ và siêu thị

Đường - nghĩa trang - chợ và siêu thị
Tiếc thương cái phố Lý Thường Kiệt thơ mộng và đẹp tuyệt vời một thủả đã bị biến dạng bởi những ông cao ốc thô thiển, đồ sộ mà cục mịch kiểu Melia với Tháp Hà Nội, giờ lại gánh thêm hai phú ông kềnh càng so le một cao một thấp 7 tầng với 17 Trung tâm thương mại - dịch vụ này nữa. 
Đường - nghĩa trang - chợ và siêu thị ảnh 1
Ở làng quê nước mình, trừ phi do bãi bể nương dâu hàng trăm năm khiến ký ức phai mờ không còn biết khu đất đó vốn là khu gò mả, còn nếu đã biết thì không đời nào dân chúng họp chợ trên đó. Ảnh: baocongthuong.com.vn

Phố 19 tháng Chạp chính thức thành cái chợ từ năm 1986, vào khoảng tháng ba âm. Tôi nhớ vậy vì ngay trước hôm đoạn đường di tích ấy bị ngăn lại làm chợ, nhà văn Nguyễn Thành Long bảo tôi theo ông vào tảo mộ lần chót tiết thanh minh trong đấy.

Buổi chiều vắng lặng, như là chỉ có hai chúng tôi, nhưng mà dưới các gốc cây dọc hai bên đường và cả trên bờ tường Toà án tôi thấy rải rác nhiều nén hương đang toả khói.

Nhà ở phố Dã Tượng cho nên ngày Tết, ngày thanh minh, ngày rằm tháng bảy, ngày 19 tháng 12 hàng năm nhà văn đều vào Nghĩa trang thắp hương. Nhưng không phải chỉ do gần nhà. Nhà văn nói với tôi rằng ông tin chắc dưới nấm mồ tập thể có di cốt một người bạn rất thân của ông, sinh viên trường Luật, quê Đà Nẵng, chiến sĩ bảo vệ Bắc Bộ phủ. 

Sự thực thì khi đấy đã không còn nấm mồ nào ở đó nữa. Trước đấy không lâu người ta di hết các hài cốt, hoặc chí ít là hài cốt trong phần gò mộ đắp nổi về Bất Bạt. Nghĩa trang bộ đội và nhân dân Hà Nội hy sinh trong ngày Toàn quốc Kháng chiến, dân tình thường gọi là Mồ tử sĩ vô danh, đã nhường chỗ cho đường xá.

Một trong những cái lí để người ta dám hành xử như vậy là vì người ta cho rằng nghĩa trang ấy là một bãi tha ma mất mỹ quan nổi lên giữa trung tâm thành phố làm ảnh hưởng tới sự văn minh, và vì rằng dưới đó bọn Tây chôn lẫn lộn không phân biệt gì hết thi thể bộ đội hi sinh trong chiến luỹ với xác dân thường chạy loạn.

Bấy giờ báo chí chưa được như thời nay, tiếng nói của dân chúng chỉ lao xao trên các diễn đàn vỉa hè, thành thử cấp thẩm quyền đã quyết thế nào thì cứ thế một bề thực thi khỏi bàn. Vả lại, xưa vốn là phố, rồi bị Tây biến thành ngôi mộ tập thể, sang thời ta nâng cấp lên thành Nghĩa trang, bây giờ phải trở lại làm phố thì thôi cũng được đi. Dù gì thì vẫn có cái biển tên phố trang trọng là "19 tháng 12" và dù gì thì đấy cũng là một trong những con đường thanh tĩnh nhất trong thành phố".

Nhưng rốt cuộc thì phố ấy chỉ là bước đệm. Chỉ một thời gian ngắn sau khi mồ mả hài cốt những người trận vong được giải toả xong xuôi đất cũ nghĩa trang đã được dùng làm chợ.

Ở làng quê nước mình, trừ phi do bãi bể nương dâu hàng trăm năm khiến ký ức phai mờ không còn biết khu đất đó vốn là khu gò mả, còn nếu đã biết thì không đời nào dân chúng họp chợ trên đó. Nhà văn Nguyễn Thành Long bảo vậy.

Sách báo thời này dùng từ "vô cảm", còn hồi đó nhà văn gọi cung cách hành xử ấy là "vô hậu". Ông rất buồn, rất bất bình. Tất nhiên chẳng phải vì riêng chuyện đó. Thời gian ấy, chỉ mới hơn mười năm sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đời sống xã hội đã bộc lộ rất nhiều sự xuống cấp về văn hoá và tình người. Trong đó đặc biệt nổi lên thái độ vô ơn, coi rẻ điều tín nghĩa.

Thử hỏi tại sao sau ngày Tiếp quản năm 1954, chính quyền thành phố Hà Nội không cho cào bằng luôn cái "bã tha ma" ấy mà lại nâng cấp lên thành Nghĩa trang? Đơn giản vì ngày ấy, mới mười năm sau mùa đông năm 46, không ai có thể tưởng tượng nổi một chuyện như vậy. Không ai có thể đang tâm, bởi vì kí ức bi hùng 60 ngày đêm máu lửa phòng thủ Đô thành vẫn còn vô cùng sống động.

Nhưng ba chục năm sau, 1986, qua đi một thế hệ, ký ức ấy chẳng còn sống động nữa. Vì vậy mà người ta mới sẵn sàng biến Nghĩa trang thành chợ không chút nghĩ ngợi động lòng như vậy. Tốc độ của sự quên lãng mau đến phát ngợp.

Tuy nhiên nghĩ thì có thể nghĩ vậy nhưng dân tình tặc lưỡi cho qua. Thôi thì cũng được đi. Âu cũng là vì chính quyền lo cho sinh kế của dân, nghĩ đến sự tiện ích của dân. Vả lại từ trong chiến tranh cũng đã rải rác có người vào đó lẻ tẻ họp chợ tránh bom rồi còn gì.

Tên hành chính là Chợ "19 tháng 12", song bà con gọi thành chợ Âm phủ. Có lẽ đấy là cách giúp thiên hạ vừa không quên vong linh những người đã khuất để nhớ mà thường xuyên hương khói, nhưng lại vừa có thể quên đi gốc tích thiêng liêng Mồ tử sĩ để có thể an tâm làm ăn mua bán rình rang. Năm tháng trôi qua, ngày nay vào chợ mua gì đó uống ăn gì đó cả nghĩ đến mấy cũng chẳng còn mấy ai chạnh lòng. Theo thời gian, chẳng có gì ở đời là mãi mãi không thể quên.

Nhưng bây giờ, chợ đã được dẹp bỏ thì lẽ dĩ nhiên lòng người lại sực nhớ.

Tiếc thương cái phố Lý Thường Kiệt thơ mộng và đẹp tuyệt vời một thủa đã bị biến dạng bởi những ông cao ốc thô thiển, đồ sộ mà cục mịch kiểu Melia với Tháp Hà Nội, giờ lại gánh thêm hai phú ông kềnh càng so le một cao một thấp 7 tầng với 17 Trung tâm thương mại - dịch vụ này nữa.

Tiếc thương một di tích kháng chiến của thành phố lần này đã vĩnh viễn mai một.

Trung tâm thương mại tất nhiên là choáng lộn hơn một khu lều chợ lam nham với nhan nhản những quán thịt cầy giải xui. song mặt khác lại là trái núi bê tông cốt thép nhôm kính nặng gấp triệu lần chợ tạm, án ngữ dè chặn bất biến (ít nhất trong vòng 50 năm) lên một phần dĩ vãng hết sức đáng tôn thờ của Thủ đô.

Xét cho cùng thì Hà Nội còn được những chứng tích gì nhỉ cho non nửa thế kỷ là Thủ đô anh dũng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà?

Xa xưa, các vương triều, hình bóng không còn lại nhiều những vẫn là rất nhiều, giàu có, phong phú và đặc sắc so với thời chúng ra. Thời Pháp thuộc cũng còn rải rác những chứng tích điển hình.

Những cuộc khánh chiến chống Pháp từ năm 1946 của nhân dân Hà Nội thì còn lại được gì?

Và cả kháng chiến chống Mỹ, nhất là chiến tích 12 ngày đêm đánh B52, còn lại gì để thế hệ sau và du khách có thể được tận mắt thấy? Mà năm 1972 thì chỉ là chớp mắt vừa mới đây thôi nếu so với Văn Miếu ngàn năm về trước thời Lý Thánh Tông.

Thỉnh thoảng tôi vẫn ra ngó cái máy bay rớt trong hồ Hữu Tiệp. Vì sống qua thời chiến tranh chống Mỹ nên tôi biết đấy là xác Pháo đài bay, song một người trẻ tuổi sẽ thấy đống sắt đó giống một cái xe công nông bị lật nhào xuống ao, bị bỏ quên, bỏ hoá năm này qua năm khác ngày một vụn nát và hoen rỉ. Cho xong, gọi là có, chính là cái đài kỉ niệm này.

Nói to lên về tình yêu đất nước, hát vang lên về lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ thì thật là dễ,  thực sự yêu và biết ơn thì thật là khó.

Bảo Ninh (Theo Văn Nghệ trẻ)

MỚI - NÓNG