Festival Huế 2006: Cổng thơ từ... 1.000 két gỗ

Festival Huế 2006: Cổng thơ từ... 1.000 két gỗ
TP - Hơn 1.000 chiếc két gỗ được những người mê thơ, yêu nghệ thuật sắp đặt ở Huế nhặt nhạnh về từ nhiều chợ gần xa, làm nên tác phẩm sắp đặt mang tên Cổng thơ, để “trình làng”  Festival Thơ Huế, trong khuôn khổ  Festival Huế 2006 sắp tới.
Festival Huế 2006: Cổng thơ từ... 1.000 két gỗ ảnh 1
Nhóm tác giả đang tất bật đêm ngày để hoàn thành Cổng thơ

Tại đây,  thi ca, hội họa và nghệ thuật sắp đặt hứa hẹn sẽ có dịp cùng nhau đồng điệu thăng hoa.

Phía sau ngôi nhà 23 Mang Cá - Huế đã tấp nập người tới lui từ hơn 1 tháng nay. Họ là những họa sĩ chuyên nghiệp, sinh viên mỹ thuật Trường ĐH Nghệ thuật Huế đang đua với thời gian để làm Cổng thơ.

Thoạt nhìn đống két gỗ rực một màu sơn đỏ chồng chất cao như núi, chẳng ai biết nhóm người kia đang làm công việc gì. 

Họa sỹ Đinh Khắc Thịnh, thành viên nhóm sáng tác Cổng thơ  tâm sự, qua nhiều buổi sáng anh em nghệ sĩ Huế ngồi cà phê vỉa hè, ý tưởng sáng tác Cổng thơ cho Festival Thơ Huế 2006 đã bắt đầu manh nha, mà người đầu tiên khởi xướng là bác sĩ - nhà thơ Phạm Nguyên Tường.

Rồi một nhóm tác giả của Cổng thơ hình thành, gồm 12 thành viên là họa sĩ chuyên nghiệp và SV mỹ thuật của ĐHNT Huế. ý tưởng sáng tác Cổng thơ nhanh chóng được BTC Festival Huế 2006 chấp nhận và đồng ý tài trợ kinh phí để thực hiện.

Cổng thơ được kết cấu bằng hơn 20 chiếc cổng lắp ghép từ két gỗ với chiều cao và chiều rộng mỗi cổng từ 2,5 - 3m, khối cổng bình quân là 60x180 cm.

Từng chiếc cổng mang một nội dung độc lập, gắn với sắc thái hội họa riêng của mỗi họa sĩ làm nên nó. Tất cả chúng đều được “trang điểm” cách điệu bằng nhiều bài thơ hay ...

Chiếc cổng thơ của họa sĩ Lê Thị Minh Nguyệt có cái tên ngộ nghĩnh, theo lối đánh vần abc của trẻ thơ “Thờ ơ thơ”. Thờ ơ thơ muốn hướng người xem đến với thế giới trẻ thơ ngộ nghĩnh, hồn nhiên và đáng yêu, được lấy từ cảm hứng tập thơ “Vầng trăng non” của nhà thơ nổi tiếng thế giới Ta-go.

Còn họa sĩ Lê Văn Sơn lại đặt tên cho chiếc cổng thơ của mình theo lối chơi chữ. Sơn giải thích rằng câu có thể đi với thơ  như một danh từ, nhưng có thể là một động từ trong câu cá, mà câu cá lại là một hình ảnh cuộc sống thường bắt gặp trong thơ.

Tác giả Lê Việt Trung lại hướng tác phẩm của mình đi thẳng vào cuộc đời của một thi sĩ cụ thể, đó là Hàn Mặc Tử cùng những nỗi đớn đau với thi ca. Trung sẽ gắn lên tác phẩm của mình nhiều mảnh gương vỡ, tượng trưng cho mảnh trăng và sự tan vỡ đớn đau.

Đến thời điểm này, Cổng thơ đang trong giai đoạn nước rút để sớm ra mắt công chúng ngay khi khai mạc Festival Huế 2006. Tác phẩm sẽ được bố trí tại Công viên 3/2 cạnh bờ sông Hương thơ mộng.

Màu đỏ của Cổng thơ đặt trên nền thảm cỏ xanh công viên sẽ là một sự tương phản mãnh liệt về màu sắc, gợi cảm giác mạnh cho công chúng thưởng thức nghệ thuật. Cổng thơ nếu không có sự tham gia của các nhà thơ Huế sẽ là một thiếu sót lớn.

Nhóm tác giả Cổng thơ đã bố trí riêng một chiếc cổng, đặt ngay tại trung tâm không gian trưng bày (Khu nhà Kèn) để dành cho nhà thơ Huế “chơi” thơ.

Nhà thơ Nhất Lâm đang có ý định treo những chiếc bánh chưng viết đầy thơ lên chiếc cổng này. Còn nhà thư pháp trẻ Hải Trung sẽ mang đến đây nhiều chiếc lồng đèn rực rỡ sắc màu, nhưng những gì ẩn chứa trong đó thì anh chưa tiết lộ!  

MỚI - NÓNG