Festival Huế 2010 tái hiện dòng chảy văn hóa Việt

Festival Huế 2010 tái hiện dòng chảy văn hóa Việt
TP - Khai mạc đêm 5-6-2010 tại Quảng trường Ngọ Môn như thông lệ, 9 ngày sau sẽ bế mạc trên sông Hương (đêm 13-6-2010), Ban tổ chức Festival Huế 2010 đưa ra những ý tưởng mới với nhiều chương trình mới.
Festival Huế 2010 tái hiện dòng chảy văn hóa Việt ảnh 1
Đoàn Ngự đạo trong Lễ tế Nam Giao

Một số hoạt động hướng đến Festival 2010 đã được khởi động như lễ hội Quang Trung lên ngôi Hoàng đế; Lễ hội đền Huyền Trân; Ngày hội sóng nước Tam Giang...

Trước ngày khai mạc Festival có Tuần Văn hóa Phật giáo, diễn ra từ ngày 15 đến ngày 22-5, với các nội dung: Thuyết trình các đề tài về văn hóa Phật giáo Việt Nam và văn hóa dân tộc gắn liền với ngàn năm Thăng Long; triển lãm nghệ thuật; hòa nhạc thính phòng mang âm hưởng Phật giáo; giao lưu chia sẻ với Tăng ni và học sinh, sinh viên về văn hóa.

Trong 9 ngày Festival sẽ tiếp tục tái hiện, nâng cấp các lễ hội cung đình Huế như Lễ tế Nam Giao, Đêm Hoàng cung, Huyền thoại Sông Hương...

Để Festival luôn luôn mới, để du khách trở lại Huế vẫn bất ngờ, thú vị có thể ghi nhận nỗ lực của Ban tổ chức trong việc xây dựng các chương trình: Lễ hội áo dài với chủ đề Vọng Thiên Niên, gam màu mới lạ, đậm đà nét Huế và gắn với không gian nghệ thuật Huế; Đêm phương Đông phô diễn vẻ đẹp lộng lẫy và sắc thái độc đáo của trang phục các nước châu Á.

Đám cưới truyền thống Huế được tái hiện gắn với văn hóa ẩm thực Huế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Hổ Quyền không chỉ được trùng tu phần xác mà phần hồn được tái hiện bằng công nghệ 3D.

Những đêm tôn vinh văn hóa phi vật thể được vinh danh di sản thế giới: Nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, quan họ cùng với một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như chèo, ca Huế, dân ca trong chương trình Vẻ đẹp Việt II Hơi thở của nước, phảng phất hương sen trên mặt hồ Tĩnh Tâm về đêm...

Hướng về đại lễ Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, sẽ có một chương trình sân khấu hóa Hành trình mở cõi. Gắn với sự kiện 375 năm trước đây chúa Nguyễn Phúc Lan chọn Kim Long làm thủ phủ có một cuộc thao diễn thủy binh hoành tráng, hình thức thể hiện hấp dẫn, với sự tham gia của 72 chiến thuyền và gần 1.000 thủy binh. Cuộc thao diễn thủy binh này diễn ra ở bờ bắc sông Hương, đoạn phía trước đình Kim Long.

Có một truyền thuyết về xây dựng kinh đô của triều Nguyễn với câu chuyện chúa Nguyễn Hoàng được Bà Trời (Thiên Mụ) báo mộng trên đồi Hà Khê: Chúa công hãy thắp một nén hương, đi dọc theo dòng sông này, đến chỗ nào hương tàn thì lập kinh đô...

Dinh phủ Kim Long là nơi chúa Tiên đã thắp nén hương rồi đi từ đồi Hà Khê, dọc theo sông Hương, đến đây thì hương tàn. 35 năm sau (1636) chúa Nguyễn Phúc Lan đã cho dời thủ phủ từ Phước Yên ở gần thành Hoá Châu xưa lên đây, lấy sông Hương làm trục chính để xây dựng kinh đô.

Đây là Trung tâm của xứ Đàng Trong trong suốt 51 năm; là nơi chúa Nguyễn từng tổ chức nhiều cuộc thao diễn thủy binh hoành tráng, để lại dấu ấn sâu đậm trong nhiều thư tịch cổ, nhiều trang ghi chép của các giáo sĩ, các thương gia người nước ngoài.

Gắn với Hành trình mở cõi Huế vừa hoàn thành Trung tâm Văn hoá Huyền Trân, công trình tri ân người mở cõi với đền thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông, đền thờ Huyền Trân công chúa, tháp chuông Hòa bình trên núi Ngũ Phong.

Trong Festival Huế 2010 nơi đây là không gian diễn xướng của chương trình Lễ nhạc Phật giáo Huế. Trong lễ nhạc cung đình có nhiều bài bản xuất xứ từ lễ nhạc Phật giáo. Năm 1997 và 1998 lễ nhạc Phật giáo Huế đã được trình diễn ở Pháp trong Festival âm nhạc trí tưởng tượng, được thu và phát hành đĩa CD.

MỚI - NÓNG