Festival nghề truyền thống Huế 2009: Dòng sông kể chuyện

Festival nghề truyền thống Huế 2009: Dòng sông kể chuyện
TP - Đồ gốm được tìm thấy ở nhiều di chỉ khảo cổ học góp thêm một minh chứng cho những nền văn minh cổ xưa và nền văn hoá đặc sắc, đa dạng của dân tộc Việt Nam.

Gốm gắn chặt với đời sống vật chất và tinh thần của người Việt. Mỗi dòng gốm, làng gốm tạo ra những sản phẩm có đặc trưng riêng của văn hóa từng vùng miền.

Sau cổ vật trục vớt ở Hòn Cau (Vũng Tàu), giới nghiên cứu văn hoá, và đặc biệt là giới sưu tập cổ vật, vô cùng ngạc nhiên, sửng sốt khi được biết hàng trục vớt ở con tàu đắm trên vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) với hàng vạn hiện vật chính là gốm Chu Đậu.

Người Việt Nam có thể tự hào rằng thế kỷ XIV-XV, hàng Chu Đậu - Hải Dương đã sánh vai với hàng Trung Quốc trên con đường gốm sứ mậu dịch quốc tế. Những phát hiện về gốm ở khắp các vùng miền của Việt Nam từ xưa tới nay chứng tỏ gốm Việt Nam không thua gốm Trung Quốc về niên đại, kể cả giá trị nghệ thuật.

Các làng gốm Việt Nam phân bố khắp mọi miền đất nước. Mỗi làng gốm đều gắn với một dòng sông. Dòng sông chuyên chở vật liệu, hàng hoá của làng nghề. Dòng sông tài bồi những vỉa đất sét là nguyên liệu chủ lực của nghề gốm.

Festival nghề truyền thống Huế 2009: Dòng sông kể chuyện ảnh 1
Gốm Mỹ Thiện (Quảng Ngãi)

Dòng sông nuôi dưỡng những nghệ sĩ, nghệ nhân miệt mài lao động sáng tạo, gửi hồn của đất, thổi hồn xứ sở vào từng sản phẩm gốm của quê hương.

Mỗi một bộ sưu tập trong cuộc hội ngộ của các làng gốm Việt Nam tại Festival nghề truyền thống Huế là một câu chuyện kể về một thời kỳ lịch sử, một vùng văn hoá - dòng sông kể chuyện đời mình.

Bổ sung cho câu chuyện kể của dòng sông Hương, dòng sông soi bóng 700 năm Thuận Hoá - Phú Xuân, qua bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan có các nghệ nhân và sản phẩm gốm làng cổ Phước Tích bên dòng Ô Lâu mới hồi sinh.

Các nghệ nhân làng nghề và Hội Gốm sứ Bát Tràng trưng bày gốm sứ men rạn, men lam, xanh ngọc - sản phẩm có vẻ đẹp thâm trầm của làng nghề cổ truyền bên sông Hồng gắn với Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Đến từ làng gốm Thổ Hà bên dòng sông Cầu nổi tiếng về chất lượng sành và nước men nâu màu da lươn đầy chất lãng mạn, các nghệ nhân trình diễn chuốt gốm, giáp tiểu. Xí nghiệp Gốm Chu Đậu  trình làng các sản phẩm phục chế cổ vật trục vớt dưới đáy biển khơi Cù Lao Chàm và những sản phẩm khai quật ngay tại Chu Đậu.

Festival nghề truyền thống Huế 2009: Dòng sông kể chuyện ảnh 2
Hình ảnh Tùng - Hạc trên gốm Lái Thiêu (Bình Dương)

Cơ sở đất nung Lê Đức Hạ ở bên bờ sông Vĩnh Điện đại diện dòng gốm thô không men và nhiệt thấp của Trung Trung Bộ, đậm chất Quảng Nam với màu đỏ chủ đạo.

Nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh ở thị trấn Châu Ổ - Quảng Ngãi đem ra một “mớ” từ Sa Huỳnh, đến Mỹ Thiện với đủ các màu men đen, men vàng, nâu sành, da lươn, vàng rạn da và những bình gốm hoả biến với nước men vàng - một sự sáng tạo của lửa tạo ra những tác phẩm có nước da là lạ, bất ngờ, thú vị.

Cùng với gốm Mỹ Thiện, Lâm Dũ Xênh còn mang theo gốm cổ Gò Sành, một thế giới Chămpa qua kiểu dáng, hoa văn, men nâu đầy cảm giác trầm mặc, u hoài. Các nghệ nhân Bầu Trúc - Ninh Thuận trình diễn kỹ thuật khâu ủ, đạp nhồi đất, làm sản phẩm thô. Bên cạnh đó là các nghệ nhân Làng Gọ - Bình Thuận bổ sung các sản phẩm gốm Chăm truyền thống.

Các nhà sưu tập ở đất Sài Gòn-Gia Định xưa ra Huế với những bộ sưu tập gốm trục vớt dưới lòng sông Đồng Nai, sông Tiền, sông Hậu. Kể từ ngày Nguyễn Hữu Cảnh lãnh ấn kinh lược sứ thì vùng đất này mới hình thành trên 300 năm.

Thế nhưng lưu vực sông Đồng Nai trước đó hơn 2500 năm đã có cư dân sinh sống. Dấu ấn để lại là những công cụ lao động, đồ gia dụng bằng đá, bằng đồng, bằng gốm... minh chứng cho sự hiện hữu một nền văn minh cổ được gọi là văn hoá Óc Eo, văn hóa Đồng Nai.

Riêng Bảo tàng Lịch sử TP HCM giới thiệu 150 cổ vật Óc Eo. Kế tục dòng gốm Óc Eo là những sản phẩm của các làng gốm xuất hiện cách đây từ một đến vài thể kỷ như Cây Mai, Lái Thiêu, Biên Hoà, Chum Chóc... mỗi dòng mỗi vẻ.

Ra đời muộn hơn các làng gốm cổ Bắc Bộ nhưng gốm Đồng Nai có đặc sắc riêng khó nhầm lẫn. Đó là các loại men gốc xanh, đỏ, tím, vàng rất riêng trên nền màu rực rỡ của mỗi sản phẩm. Đồng Nai là nơi cư trú của người tứ xứ nên tính đa dạng được thể hiện ngay trên các sản phẩm gốm.

Các hoa văn trang trí có chút pha trộn bởi sự ảnh hưởng của văn hóa Bắc Bộ, Trung Bộ, văn hóa Khmer, văn hóa Trung Hoa giúp gốm Đồng Nai hình thành nên nhiều phong cách khác nhau để giữ nét đặc sắc riêng và chỗ đứng riêng của mình.

Mỗi dòng gốm, mỗi làng gốm hội tụ về cố đô Huế kể chuyện về một thời kỳ lịch sử, kể chuyện về một vùng đất. Những sản phẩm gốm chứa đựng nhiều giá trị văn hóa - lịch sử được kết tinh và thăng hoa từ sự giao lưu của nhiều nền văn hoá khác nhau trên nền tảng văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc.

Festival nghề truyền thống lần này là một cuộc hội ngộ, tôn vinh những làng gốm, những trung tâm gốm sứ đã hình thành và phát triển, có lúc thịnh lúc suy với những thăng trầm của lịch sử, với biến cố của đất nước. Trong khói lửa chiến tranh nhiều làng gốm có những lúc tắt lửa. Đất nước thanh bình nhiều làng gốm đã đỏ lửa trở lại.

Những lúc gian khó nhất ở làng gốm nào cũng có những người âm thầm giữ lửa. Nhờ thế mà nhiều làng nghề trong những lúc khó khăn nhất vẫn không bị thất truyền, để có một ngày tiếp tục phát triển hưng thịnh.

Mỗi làng gốm đều gắn với một dòng sông. Dòng sông chuyên chở vật liệu, hàng hoá của làng nghề. Dòng sông tài bồi những vỉa đất sét là nguyên liệu chủ lực của nghề gốm. Dòng sông nuôi dưỡng những nghệ sĩ, nghệ nhân miệt mài lao động sáng tạo, gửi hồn của đất, thổi hồn xứ sở vào từng sản phẩm gốm của quê hương.
MỚI - NÓNG