Èo uột văn hóa cơ sở - Bài 1:

Gánh nặng nhà văn hóa phường

Gánh nặng nhà văn hóa phường
TP - "Nhà văn hóa phường Thới An Đông (Bình Thủy, Cần Thơ) đã cho một hộ dân tạm cư gần năm nay", một cư dân cho Tiền Phong biết.
Gánh nặng nhà văn hóa phường ảnh 1
Tủ sách của nhà văn hóa phường Thới An Đông - Ảnh: Sáu Nghệ

"Vâng, gia đình bà Nguyễn Kim Thư được bố trí vào nhà văn hóa phường ở từ tháng 3-2009 đến nay", chị Cao Thị Bé Bảy, cán bộ quản lý nhà văn hóa phường Thới An Đông thừa nhận.

Nhà văn hóa khá khang trang, nâng cấp từ một trụ sở cũ vào năm 2006 tốn cả trăm triệu đồng, có bốn phòng. Phòng chủ nhiệm và kho đã được bố trí cho gia đình bà Kim Thư ở, hoạt động văn hóa chỉ còn hai phòng.

Phòng rộng nhất, chừng 50 m2, nơi làm việc của cán bộ nhà văn hóa và đặt tủ sách, trưng bày hiện vật truyền thống, để "cờ đèn kèn trống" khi phòng bên trong chứa không hết.

"Bề bộn, mất trật tự lắm, không sinh hoạt gì được nữa", chị Bé Bảy than thở.

Đáng giá nhất là tủ sách, có chừng dăm chục cuốn dày mỏng để lộn xộn, còn lâu mới đạt chuẩn tủ sách 500 - 1.000 cuốn cho một nhà văn hóa phường.

Quyền Chủ tịch UBND phường Thới An Đông Trần Thị Thiên Thư cho biết, bố trí hộ dân vào ở nhà văn hóa là việc bắt buộc. Vì triển khai dự án xây cầu Trà Nóc 2, bà Kim Thư là gia đình chính sách, bị mất hết nhà cửa mà nơi tái định cư chưa có, đành bố trí tạm vào nhà văn hóa, tính vài tháng, ngờ đâu kéo dài.

"Bây giờ đã có nơi tái định cư rồi, bà Kim Thư đang xây nhà, ít bữa nữa sẽ đi. May mà gia đình bà Kim Thư sinh hoạt cũng ngăn nắp", nữ quyền chủ tịch xinh đẹp cười tươi.

Ở phường Bùi Hữu Nghĩa (Bình Thủy, Cần Thơ), nhà văn hóa xây tốn 940 triệu đồng, khánh thành tháng 7-2009, chưa có biên chế quản lý nên hay đóng cửa. Nhưng hai phòng cũng đã được sử dụng, một đặt trạm truyền thanh, một thường trực tiếp dân.

Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Đỉnh nói rằng, tiếp dân là một hoạt động văn hóa cần thiết ở cơ sở. Ông nói thêm, phòng lớn nhất của nhà văn hóa có bộ bàn ghế bằng gỗ trị giá 70 triệu đồng, cũng được làm nơi tuyên truyền pháp luật và họp hành dưới 40 người của các đoàn thể.

Nhà văn hóa nằm cạnh trụ sở phường, trong khuôn viên chỉ rộng 1.400 m2, nên Chủ tịch Đỉnh bảo, sinh hoạt văn nghệ phải vào ban đêm. Về quy định nhà văn hóa độc lập và có khuôn viên rộng ít nhất 1.000 m2 để hoạt động thường xuyên, Chủ tịch Đỉnh nói: "Đất ở thành phố bây giờ làm gì có được như thế".

Gánh nặng cho cơ sở

Ban chỉ đạo toàn dân xây dựng đời sống văn hóa TP Cần Thơ cho biết, hiện thành phố có 37 nhà văn hóa phường, xã. Trong đó, hơn 80% chung khuôn viên trụ sở UBND, còn lại chủ yếu tận dụng những ngôi nhà trống diện tích 50-100m2.

Không nghi ngờ nhu cầu sinh hoạt văn hóa ở cơ sở là rất lớn và đang thật sự bức xúc. Nhưng vấn đề là tổ chức đáp ứng, theo ý muốn hay theo khả năng?

Tập trung lo cái vỏ bên ngoài, dần dần hoàn thiện nội dung hoạt động hay từ những nội dung thiết thực mà đi lên? Dù sao, không thể nuôi lĩnh vực vô cùng đa dạng và rộng lớn là hoạt động văn hóa, bằng vốn ngân sách ít ỏi.

Về chất lượng hoạt động, 40% không hoạt động hoặc hoạt động không thường xuyên, 60% hoạt động kém hiệu quả, chỉ nhằm đối phó để không bị trừ điểm thi đua.

Việc xây dựng nhà văn hóa ở phường hiện nay, chủ yếu cho đủ tiêu chuẩn để được công nhận phường văn hóa. Nhà văn hóa được cái vỏ bên ngoài, còn bên trong trống rỗng, từ phương thức hoạt động đến kinh phí, từ nội dung đến nhân sự.

Nói chung là thiếu sức sống và phổ biến là sử dụng không đúng chức năng. Nhiều nhà văn hóa chỉ rộn lên các dịp lễ tết.

Tại TP Cần Thơ, nhà văn hóa phường xây dựng biệt lập, có sân bãi riêng, chỉ được ở phường Định Môn (Cờ Đỏ), Trà Nóc (Bình Thủy), Giai Xuân (Phong Điền), Thường Thạnh (Cái Răng). Nhưng ở đấy cũng khó duy trì hoạt động thường xuyên, nhất là vào thứ bảy, chủ nhật, vì thiếu kinh phí.

Nhà văn hóa không có kinh phí riêng, phải dựa vào kinh phí sự nghiệp văn hóa thể thao vốn đã ít ỏi. Một số nhà văn hóa hợp đồng nhân sự, trả lương tháng 600.000 đồng, cứ vài tháng lại không có người quản lý vì bị bỏ ngang hợp đồng.

Vì mục tiêu thi đua, còn có chuyện khất nợ nhà văn hóa. Phường An Bình (Ninh Kiều, Cần Thơ) không có nhà văn hóa, lãnh đạo phường hứa "tích cực bổ sung" nhưng, từ khi được công nhận phường văn hóa đến nay đã 12 năm, nhà văn hóa vẫn chưa có.

Phường Long Hòa (Bình Thủy, Cần Thơ) cũng được công nhận phường văn hóa với lời hứa xây nhà văn hóa và, đã 5 năm, lời hứa gió bay.

Tình hình chung của nhà văn hóa phường hiện nay, không có thì thiếu, có lại thừa. Xây dựng đã tốn kém, duy trì hoạt động còn tốn kém hơn. Đã có ý kiến, ở đô thị, nên chăng xây dựng nhà văn hóa liên phường để tập trung các nguồn lực?

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.