Gạo đắng - những người nông phu Việt trên đất Pháp

Nhà báo Pierre Daume (trái) và tác giả bài viết sau buổi chiếu phim
Nhà báo Pierre Daume (trái) và tác giả bài viết sau buổi chiếu phim
TP - Hôm 5/5/2015 vừa qua ở quốc hội Pháp đã trân trọng chiếu bộ phim với tựa đề “Gạo đắng” do Alain Lewkovicz đạo diễn.

Khoảng năm 1939, nước Pháp có nguy cơ thiếu lương thực và nhân công lao động vì chiến tranh. Chính quyền Pháp đã huy động nguồn nhân công rẻ tiền từ các thuộc địa trong đó có người Việt. Đông Dương lúc đó là thuộc địa của Pháp. Hai mươi ngàn người từ khắp các làng quê Việt Nam đã xuống Tàu qua Pháp để làm lao động trong các hầm mỏ, nhà máy và các nông trại tại Pháp. Đó là đợt xuất khẩu lao động đầu tiên lớn nhất trong lịch sử thuộc địa Pháp.

Thời gian đó, Camargue (Arles), một vùng giáp biển ở miền Nam nước Pháp là một bãi sình lầy nước lợ hoang vu, buồn tẻ. 500 người nông dân Việt được điều động đến đây cải tạo đất và trồng lúa. Với sự cần cù và kinh nghiệm lấn biển trồng lúa nước lâu đời của ông cha, những người nông dân Việt đã biến vùng đất mặn sình lầy nơi đây thành một vựa thóc nổi tiếng của Pháp, góp phần cứu nền kinh tế nước Pháp qua giai đoạn khó khăn. Năm 1943, một phóng sự của đài Arte về sự thành công rực rỡ của những người nông dân Việt trên cánh đồng Pháp đã ghi lại những hình ảnh sống động những người nông dân đội nón phơi lưng cặm cụi cấy lúa giữa cánh đồng Camargue. 

Ngày nay Camargue có bảo tàng lúa cùng lễ hội lúa rất vui nhộn thu hút khách du lịch. Nhưng ít ai biết đến công lao vất vả của người nông dân Việt. Chính quyền Pháp đã bóc lột họ như người nô lệ. Họ không hề được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội lẫn chế độ hưu trí trong thời gian 10 năm lao động tại Pháp. Nhà báo Pierre Daume đã phanh phui vụ này. Chính quyền ở Camargue đã buộc phải thừa nhận sự kiện vốn đã giấu kín từ lâu và sự vô ơn của người Pháp đối với nông dân  Việt.

Hôm 5/5/2015 vừa qua ở quốc hội Pháp đã trân trọng chiếu bộ phim “Gạo đắng” do Alain Lewkovicz đạo diễn, một nhà làm phim tài liệu khá quen biết trên đài và truyền hình Pháp. Alain Lewkovicz đã dựa trên cuốn khảo cứu “Những người lao động cưỡng bức” của nhà báo Pierre Daume nói về những người Đông Dương bị ép qua Pháp để lao động.

Buổi chiêu ra mắt đầu tiên do hội Ái hữu Pháp - Việt tổ chức, với sự đỡ đầu của ông chủ tịch quốc hội Claude Bartolone. Thông thường những phim tư liệu có giá trị lịch sử mới được chiếu tại đây. Bộ phim đã bộc lộ mặt trái của chế độ thực dân, và sự khốn khổ của những người nông dân Việt trên đất Pháp. Bộ phim tài liệu càng thêm ý nghĩa sâu sắc khi được ra mắt ở phòng mang tên Victor Hugo một nhà văn nổi tiếng thế giới với tác phẩm “Những người khốn khổ”.

Gạo đắng - những người nông phu Việt trên đất Pháp ảnh 1

Những người đi trồng lúa ở Pháp đeo số như tù nhân

Cuốn phim tài liệu dài 52 phút nhưng đã thu hút được sự chú ý của người quan tâm đặc biệt là lớp hậu duệ của những người lao động Đông Dương. Ngài Đại sứ và đại diện của sứ quán Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tại Pháp cùng một số đại diện đoàn thể Việt kiều ở Paris như hội “Phong trào người Pháp gốc Việt (MCFV), hiệp hội Pháp ngữ Paris (Interface Francophone Paris)…tới dự.  Phòng chiếu chứa được 350 người đầy kín.

Sau buổi chiếu, một cuộc giao lưu giữa tác giả Pierre Daume, người làm phim với khán giả diễn ra rất sôi động. Nhiều người xúc động khi thấy được sự bất công ở một đất nước nổi tiếng với khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Những người lao động Đông Dương trên nguyên tắc lúc đó họ cũng là người Pháp được hưởng quyền lợi như người Pháp. Nhưng họ đã phải sống khổ cực xa gia đình xa người thân, xa vợ con, bị bóc lột thậm tệ. Họ đã hy sinh cả 10 năm tuổi trẻ cho nước Pháp âm thầm.

Khi mới sang họ bị đưa tạm vào trong nhà tù mới xây để ở mà họ không hề biết đó là nhà tù. Tháng 4 trời ở đây còn lạnh, mưa, gió  rét, họ phải lội nước để cấy mạ. Những thước phim tài liệu đã vạch ra sự thật của chế độ nhân danh văn minh đi khai sáng thuộc địa. Đám nô lệ hiện đại này được trả đồng lương rẻ mạt với lời hứa dối trá “trở về với khoản tiền lớn”, “các ông chủ thuê đã cất hộ một phần lương”. Những người nông dân lần đầu tiên rời khỏi lũy tre xanh không biết chữ, đâu có hiểu văn bản, hợp đồng lao động, thẻ lương, chế độ xã hội… nhất là văn bản lại bằng tiếng Pháp. Họ thiếu thốn đến mức phải tự cắt lốp xe ô tô cũ chọc mấy cái lỗ làm dép đi. Những tấm ảnh căn cước cùng với những con số đeo trên ngực như tù nhân.

Khi tình hình Đông Dương đang nóng, thuộc địa có nguy cơ bị mất, chính quyền Pháp đã đưa họ về vì lo sợ họ sẽ trở thành lực lượng tham gia đòi độc lập dân tộc ở ngay trên đất Pháp. Một số do hoàn cảnh đã ở lại Pháp. Nhưng không ai trong họ được lĩnh cái số tiền mà ông chủ cất giùm. Một phần do kiến thức, một phần đại đa số không biết chữ, không biết tiếng Pháp, nên sự thật bị chôn lấp.

Gạo đắng - những người nông phu Việt trên đất Pháp ảnh 2

Những giấy tờ của nông dân Việt bị cưỡng bức sang Pháp còn lưu trữ

Nhờ sự đấu tranh của hội hậu duệ những người lao động Đông Dương và nhà báo Pierre Daume, ngày 10/12/2009 ông Hervé Schiavetti đảng viên cộng sản, thị trưởng hai nhiệm kỳ ở vùng Arles từ năm 2001 là người đầu tiên đứng ra tổ chức buổi lễ cám ơn những người lao động Đông Dương.

Tháng 10/2014 một bức tượng kỷ niệm dành cho họ đã được dựng ở Camargue. Rất tiếc chỉ có vài người còn sống được tận mắt chứng kiến sự cám ơn muộn mằn này. Dù muộn còn hơn không bao giờ. Những hậu duệ cảm thấy chút hài lòng vì đã đấu tranh thành công đưa ra ánh sáng một sự thật phũ phàng đau đớn mà ông cha họ phải chịu đựng trong 70 năm.

Tên bộ phim “Gạo đắng” gợi nhớ câu ca dao Việt Nam: “Ai ơi bưng bát cơm đầy; Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” nhắc nhở người Pháp khi vui sướng đón vụ gặt bội thu, vui vẻ lễ hội,  khi ăn hạt gạo này đừng quên nỗi đắng cay của những người lao động Đông Dương. Cái tên phim “Gạo đắng” cũng đủ nói lên nỗi cơ cực khốn khổ ngập tràn nước mắt của những người bị ép đi lao động thời đó. Bộ phim sẽ được công chiếu trên đài truyền hình France 3 vào cuối tháng 5 này. Trước đó đạo diễn Lê Lâm cũng đã làm một bộ phim tài liệu với tựa đề “Công bình” về đề tài nhạy cảm này.

Hai phim “Gạo đắng”, “Công bình” trở thành những  bằng chứng sống động về nỗi đau của những người dân mất nước bị bắt làm nô lệ. Giải phóng thuộc địa, độc lập dân tộc là khát vọng chung của tất cả những người dân mất nước trên toàn thế giới. Chính vì thế Vua Bảo Đại khi trao ấn tín, quốc bảo cho Trần Huy Liệu đại diện của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và trở thành công dân “Vĩnh Thụy” năm 1945 đã nói một câu nổi tiếng trong “Tuyên ngôn thoái vị”:  “Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị”.

MỚI - NÓNG