Gặp báu vật nhân văn sống

Cạnh bộ tranh thêu Cáo Tật Thị Chúng của Mãn Giác Thiền sư được GUINNESS Việt Nam công nhận là bộ tranh được thêu bằng nhiều ngôn ngữ nhất.
Cạnh bộ tranh thêu Cáo Tật Thị Chúng của Mãn Giác Thiền sư được GUINNESS Việt Nam công nhận là bộ tranh được thêu bằng nhiều ngôn ngữ nhất.
TP - Các chuyên gia Tổ chức Văn hóa Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) gọi ông là “báu vật nhân văn sống”. Không những thế, ông còn sở hữu nhiều báu vật cổ, trong đó có cả báu vật vua ban.

Ở tuổi xưa nay hiếm, nghệ nhân ưu tú quốc gia Lê Văn Kinh vẫn làm nhiều việc để lưu giữ nghề tranh thêu cố đô Huế, từ dạy nghề thêu miễn phí cho người khuyết tật cho đến tạo tác các tranh thêu kỉ lục quốc gia. 

Hàng năm cứ mỗi dịp tết, dân xứ Huế lại đến nhà nghệ nhân Kinh, trú tại Ðường Phan Ðăng Lưu, TP Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế, để mua tranh và xin chữ.

Nối nghiệp cha theo nghề kim chỉ

Nghệ nhân Lê Văn Kinh 85 tuổi là thợ thêu hàng đầu của xứ Huế, một trong năm bậc thầy lão luyện của các nghề truyền thống ở Huế (thêu, đúc đồng, chạm khắc gỗ, ca nhạc truyền thống, diều) được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian. 

Từ những năm 1930 - 1940, nghệ nhân Lê Văn Kinh là học trò riêng của Tham tri Bộ Lễ Nguyễn Văn Giáo và các phụ tá của ông. Ông còn là môn sinh của nhiều ông đồ giỏi thời bấy giờ như lương y Phạm Minh Luân, cụ tuần Phạm Lương Hàn, cụ cử Bạch Mai Cư Sĩ, ông nghè Lâm trong thành nội.

Sau này ông từng theo học cử nhân hóa, có bằng luật khoa. Nhưng vì nặng lòng với nghề thêu, ông quyết định nối nghiệp cha để theo nghề kim chỉ. Thân sinh của ông là Lê Văn Hỡi, một nghệ nhân thêu cung đình nổi tiếng. Cha ông từng thêu long bào cho Vua Khải Ðịnh.
“Nghề thêu truyền thống của nhà tui có nguồn gốc từ Hà Ðông. Ông nội tui mang nghề thêu vào Huế nhưng, đến đời cha tui, nghề thêu của gia đình mới được mọi người chú ý. Tui bắt đầu quản lý cửa hàng thêu của gia đình từ những năm 1959, khi tui chưa đầy 20”, ông Kinh cho hay.

Gặp báu vật nhân văn sống ảnh 1

Nghệ nhân Lê Văn Kinh viết chữ Tâm tặng phóng viên TTT.

Ðể bảo vệ nghề thêu truyền thống trên đất cố đô, ông truyền nghề cho hàng vạn học trò khắp ba tỉnh Bình - Trị - Thiên. Năm 2006, ông đều đặn đến Trường Tiểu học Vĩnh Ninh, Huế, dạy nghề thêu tranh miễn phí cho 50 em khuyết tật. Ðể truyền nghề cho các em, ông bỏ ra gần một tháng để học ngôn ngữ của người khiếm khuyết và khiếm thính (câm điếc). 

Chị Vân Anh là một trong số học sinh khuyết tật được ông truyền nghề. Chị được ông nhận về cửa hàng tranh thêu của ông và trả lương như thợ lành nghề. “Sinh ra không may khiếm khuyết tưởng chừng sẽ trở thành người vô ích. May mắn được thầy Kinh truyền nghề và tạo việc làm. Tui biết ơn thầy nhiều lắm”, chị Vân Anh chia sẻ bằng ngôn ngữ người khuyết tật.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nói: “Riêng bộ tranh Cáo Tật Thị Chúng của Mãn Giác Thiền Sư được nghệ nhân Lê Văn Kinh thêu bằng 20 thứ tiếng khác nhau và tác phẩm trở thành tinh hoa của đất nước”.

Mười năm thêu một bài thơ

“10 năm về trước, khi nhóm nhà báo Mỹ đến tìm hiểu về nghề tranh thêu ở Việt Nam, họ tìm đến cửa hàng của tui. Họ bảo Việt Nam có nhiều bài thơ hay trên sách vở mà sao tìm bài thơ trên tranh mỹ nghệ lại không có. Câu hỏi đó làm tui suy nghĩ nhiều. Lẽ nào trong hàng trăm nghệ nhân thêu nức tiếng Việt Nam lại không làm được việc đó”, Nghệ nhân Lê Văn Kinh cho hay.

Cuối cùng ông chọn Cáo Tật Thị Chúng” (告疾示眾) nghĩa là “có bệnh bảo mọi người”. Bài kệ này, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Trung là “một giọt sương long lanh đầy chất thơ, chất thiền” trong kho tàng văn học Lý-Trần và, mãi cho đến tận ngày nay, vẫn còn ánh lên những nét đẹp của tư tưởng và ngôn từ. Bài kệ được đánh giá như một tuyên ngôn triết học phương đông được sáng tạo bằng trực giác thẩm mỹ qua những hình tượng và ngôn ngữ nghệ thuật đầy chất thơ, chất thiền, thay vì tuyên ngôn triết học được xây dựng bằng những hệ thống khái niệm trừu tượng, con đẻ của tinh thần phân tích lý trí như thường thấy trong các hệ thống triết học của phương tây.

“Ðể hoàn thành bộ tranh thêu bài kệ ở tầm tư tưởng minh triết phương đông này, ông mất hơn 10 năm thực hiện với cả bản Hán Việt và bản dịch của Ngô Tất Tố”. Ngoài bộ tranh thêu nổi tiếng kể trên, nghệ nhân Kinh lại rất tâm đắc với bộ tranh thêu chữ Tâm (心) bằng cả chữ Hán và chữ quốc ngữ. Ở mỗi bức tranh ông lấy nền màu đỏ thể hiện màu cở tổ quốc và chữ tâm màu vàng được thêu bằng tơ tằm Việt Nam để thể hiện cái tâm sáng trong của ông với đất nước. 

Theo ông, trong chữ hán ông rất tâm đắc với chữ Tâm và chữ Nhẫn (忍). Ðến nay ông đã viết đến 118 chữ Tâm và 52 chữ Nhẫn. “Ở đời, phàm nếu không có cái tâm và lòng nhẫn nại thì ắt chẳng làm nên việc gì. Nói như cụ Nguyễn Du “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Ðó là cái tâm của đức hạnh. Còn một cái tâm trong kinh thi là “Một vành trăng khuyết ba sao giữa trời”. 

Chông chênh thế, mong manh thế nên giữ được cái tâm cho vững, cho ngay giữa cuộc đời mới khó lắm thay, ông Kinh lý giải. Chữ của ông Kinh là kiểu chữ thế chân mà thời thơ ấu ông học được từ ông ngoại là tham tri bộ Lễ thời Nguyễn.

Bộ trà ấm gia bảo

Gặp báu vật nhân văn sống ảnh 2

Bộ trà cụ gia bảo tại nhà nghệ nhân Lê Văn Kinh.

Ông ngoại của nghệ nhân Kinh có thú thưởng trà nên cụ thường hay sưu tầm các dụng cụ uống trà để thỏa mãn niềm vui. Nghệ nhân Lê Văn Kinh được ông ngoại đưa vào phủ quan từ nhỏ. Ông Kinh là người thường xuyên ngồi cạnh cụ hầu trà nên học được cách thức pha trà, cũng như lĩnh hội được đầy đủ những tinh túy của nghệ thuật ẩm thực tao nhã. Khi mất, cụ tham tri để lại bộ trà cụ gia bảo cho ngoại tôn (cháu ngoại) của mình. 

Chiếc ấm trà Tuyên Ðức có từ thời Nhà Minh, Trung Quốc (1368 - 1644). Ấm làm bằng đất với kỹ thuật nung điêu luyện. Ấm nhỏ bằng quả quýt, dưới đáy có dòng chữ Hán “Tuyên Ðức Ðường”, đường nét sắc sảo. Ðặc biệt của ấm là khi để úp trên bàn thì quai, miệng với vòi ấm cùng nằm trên một mặt phẳng. Với những chiếc ấm thông thường, phần quai và phần vòi thường cao hơn miệng ấm. 

Gặp báu vật nhân văn sống ảnh 3

Cây Kim Chi Ngọc Diệp tại nhà nghệ nhân Lê Văn Kinh

Quai ấm làm bằng đồng hun. Cái tài của người thợ gốm là gắn kết quai đồng vào thân ấm bằng đất nung sao cho mạch liền nhau, nước bên trong không thấm ra được. Chiếc ấm bóng và mịn. Khi dội nước sôi lên, lập tức ấm khô ngay và sạch như lau. Sau bao thế hệ chế trà, chất keo của trà đã đọng lại tạo thành một lớp dày sần sùi trong lòng ấm. Ðấy chính là cái quý nhất của ấm trà cổ.

Ngoài ấm Tuyên Ðức, nghệ nhận Lê Văn Kinh còn một chiếc ấm tên là Mạnh Thần, có tuổi đời khoảng 500 năm. Trong “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân, có nói về “Tam đại lão gia” đồ pha trà nổi tiếng xưa:
“Thứ nhất Thế Ðức gan gà Thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần”.

Ở đây, chiếc ấm trà này thuộc hàng thứ ba. Chiếc ấm có màu nâu đỏ, hình chum nhỏ gọn, nằm gọn trong lòng bàn tay. Dưới ấm có khắc ba chữ Mạnh Thần Ðường và một câu thơ “Hà Moa Mãn Trì Ðường” (sen nở tràn lên cả lề bờ ao) viết theo lối chữ thảo rồng bay phượng múa. 

“Ngày xưa, đến mùa sen nở, vào lúc chiều tà, ngoại tổ phụ (ông ngoại) thường sai gia nhân chèo thuyền ra Hồ Tịnh Tâm, bỏ từng nhúm trà vào hoa sen rồi bó lại. Sáng sớm hôm sau, lại chèo thuyền ra hồ, lấy trà ướp sen đem pha với sương trời đọng trên lá sen”, Ông Kinh nhớ lại.
Ði kèm với hai chiếc ấm là bộ chén “Nhất Tống Tứ Quân” (một chén lớn bốn chén nhỏ) nằm trên một chiếc khay gỗ mun được chạm trổ tinh xảo. Bộ trà cụ còn có một cây đũa ngà voi dài, một hũ đựng trà bằng gỗ, một độc lư xông trầm, một bếp hỏa lò có phần ruột đựng than để giữ nhiệt nước sôi, một chiếc chậu bằng đồng thau để rửa tay trước khi pha trà. Tất cả hợp thành bộ đồ thưởng trà đầy đủ theo phong cách Huế xưa.

Sở hữu báu vật vua ban

Ông Kinh đang lưu giữ cây “Kim Chi Ngọc Diệp” (cành vàng lá ngọc), với lá và hoa làm bằng mã não, ngọc bích, cẩm thạch và vàng ròng.

Kim chi ngọc diệp tượng trưng cho sự giàu sang, quý phái của hoàng tộc chốn cung đình xưa mà chỉ hoàng thân quốc thích mới có. Bảo vật này do Vua Khải Ðịnh ban tặng cho ông ngoại của ông Kinh, sau trở thành của hồi môn của mẹ ông. Theo các nhà nghiên cứu Huế, tác phẩm cành vàng lá ngọc ở Huế hiện nay chỉ còn ba bộ, trong đó hai bộ được cất giữ ở bảo tàng và một bộ ông Kinh đang lưu giữ.

Ngoài ra ông còn giữ chiếc nghiên mực “Lưỡng Long Tranh Châu” bằng đá đen, cùng một thỏi mực tàu cổ đựng trong khay gỗ mun. Chiếc nghiên mực được chạm khắc những đường nét tinh xảo với hình ảnh hai con rồng năm móng, ẩn hiện trong mây tranh nhau một viên trân châu. Ðây cũng là món đồ mà Vua Khải Ðịnh ban cho ông ngoại ông.

Thân sinh nghệ nhân ưu tú quốc gia Lê Văn Kinh từng thêu long bào cho Vua Khải Ðịnh.

Cáo Tật Thị Chúng

Hán Việt

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Dịch nghĩa

Xuân ruổi trăm hoa rụng

Xuân tới trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Ðừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Ðêm qua sân trước một nhành mai

Lục bát

Xuân đi trăm thứ hoa tàn,

Xuân về lại thấy rộn ràng muôn hoa.

Việc đời chớp mắt thoảng qua,

 Chớ hiềm xuân cỗi hoa rơi,

Ðêm qua nở một cành mai trước thềm.

MỚI - NÓNG