Gặp đạo diễn Đặng Nhật Minh tại Boston

Gặp đạo diễn Đặng Nhật Minh tại Boston
TPCN - Tôi hân hạnh được gặp đạo diễn Đặng Nhật Minh tại Hội thảo Việt Nam: Hướng tới tương lai-nhìn về quá khứ” diễn ra tại Đại học Tổng hợp Massachusetts, Mỹ.
Gặp đạo diễn Đặng Nhật Minh tại Boston ảnh 1
ĐD Đặng Nhật Minh và tác giả (trái), GS Dominique Haughton (phải) tại Trung tâm William Joiner

Trong ngày đầu tiên tại Hội thảo “Việt Nam: Hướng tới tương lai-nhìn về quá khứ” diễn ra tại Đại học Tổng hợp Massachusetts, tôi luôn thấy một người đàn ông đeo kính, giản dị, ít nói, chăm chú lắng nghe, ghi chép cẩn thận. 

Gương mặt ông trông rất quen, dường như tôi đã gặp ở đâu đó.  Giờ nghỉ, sinh viên Việt Nam có mặt tại hội thảo làm quen với nhau, tôi hỏi: “Xin lỗi, ông là...” và vô cùng lúng túng khi biết mình không nhận ra một đạo diễn điện ảnh tầm cỡ quốc tế, tác giả của những bộ phim gây xúc động khán giả trong và ngoài nước.

Tôi vẫn hình dung ông là người có tâm hồn lớn, có sự cảm thông chia sẻ với thân phận con người trong những mất mát, khổ đau. Hình dung ấy có từ những bộ phim của ông tôi đã được xem. 

Nhưng điều gây ấn tượng hơn cả trong tôi về ông lại là bài báo ông viết về cha mình, bác sỹ Đặng Văn Ngữ mà tôi đọc trên internet. Bài viết đó làm tôi rất xúc động về một thế hệ trí thức đã từ bỏ nơi chăn êm nệm ấm, theo tiếng gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ để cùng đồng bào đồng cam cộng khổ trên chiến khu Việt Bắc. 

Có người cha như thế, có một gia đình truyền thống như thế, việc hình thành tính cách con người ông với tâm hồn nhạy cảm, chịu đựng gian khổ, làm việc hết mình, hiểu và trân trọng những giá trị của lao động nghiêm túc là điều thật dễ hiểu.

Nhưng tiếng cười sảng khoái, gương mặt đôn hậu, bộ quần áo hết sức giản dị, đặc biệt là thái độ chăm chú lắng nghe ý kiến người khác và chia sẻ ý kiến riêng của ông, không khỏi làm tôi ngỡ ngàng. 

Biết lịch làm việc đặc kín của ông trong chuyến đi này, tôi không nghĩ ông có thể đến dự hội thảo diễn ra trước buổi thuyết trình của ông vài ngày. Ông lặng lẽ tham gia cùng những người tổ chức hội thảo như một thành viên của Trung tâm William Joiner.

Ông đến đây với tư cách là học giả, là khách mời nhưng bất cứ việc không tên nào ông cũng tự nguyện làm, từ khuân vác, xếp dọn pano, biểu ngữ, cho đến cả việc bày biện thức ăn.

Tôi cứ nghĩ đạo diễn thường chỉ đạo người khác làm chứ đâu lại xắn tay áo và “đa-zi-năng” như thế. Ông chỉ cười, nụ cười sảng khoái trên gương mặt rạng rỡ, dường như với ông, làm một điều gì có ích cho bạn bè đều có ý nghĩa.

Hôm ông thuyết trình về đề tài “Phim về chiến tranh Việt Nam của các nhà làm phim Việt Nam” trước các nhà khoa học, giáo sư đại học và những người quan tâm đến Việt Nam, tôi phát hiện ra ông có tài diễn thuyết, đặc biệt là tài cuốn hút người nghe.

Phim Việt Nam về chiến tranh đối với người Mỹ mới lạ, hấp dẫn đã đành. Nhưng với tôi, một người mà cả tuổi thơ chỉ biết đến những bộ phim như “Nổi gió”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”... Đó là ví dụ minh họa cho những nhận định, đánh giá trong công trình của ông. Nó cho thấy sức hấp dẫn, mới lạ và bổ ích.

Có lẽ do ông có cách lập luận chặt chẽ, phong cách trình bày mạch lạc, lời lẽ khúc chiết, dễ hiểu. Cũng có lẽ trong anh có charisma (lôi cuốn tự thân) làm người nghe như bị thôi miên.

Mặc dù ông khiêm tốn nói rằng ông chỉ quen sáng tác, không quen làm nghiên cứu, nhưng đọc những bài phê bình điện ảnh của ông và tham dự buổi thuyết trình, tôi thấy hoạt động nghiên cứu của ông cũng thành công không kém hoạt động sáng tác, nhất là tác động của hoạt động đó đến khán giả.

Tại đây, ông cho thấy một gương mặt khác: một Đặng Nhật Minh-học giả, diễn giả nghiêm túc, giàu kinh nghiệm, bình tĩnh, tự tin và hài hước. 

Vẫn biết đạo diễn Đặng Nhật Minh đã từng là phiên dịch, tiếng Nga đối với ông gần như tiếng mẹ đẻ, nhưng khi chị Dominique Haughton, giáo sư người Mỹ gốc Pháp đặt câu hỏi về phim “Mùa ổi”, bộ phim gây ấn tượng mạnh cho cá nhân chị, chị nói tiếng Anh, rồi chuyển qua tiếng Pháp, ông trao đổi trực tiếp với chị bằng tiếng Pháp làm người nghe rất đỗi ngạc nhiên.

Ông nói trôi chảy, say sưa, mọi người trong phòng chỉ mỉm cười lắng nghe mặc dù không hiểu cho đến khi chị Dominique chợt nhận ra là phải dịch sang tiếng Anh. Có vài giáo sư người Mỹ gốc Trung Quốc, nếu họ biết ông thông thạo ngôn ngữ của họ, chắc họ cũng muốn trao đổi trực tiếp với ông.

Khi tôi hỏi ông Kevin Bowen, Giám đốc Trung tâm William Joiner, về cảm giác của ông khi nghe thuyết trình qua phiên dịch vì cho dù người dịch giỏi đến mấy, tôi vẫn e ngại bản dịch mất đi sự tinh tế mà chỉ người bản ngữ mới cảm nhận được, ông bảo vẫn cảm nhận được hết, vì ngôn ngữ chỉ là một phần, những gì ông hiểu về đạo diễn Đặng Nhật Minh là qua những ý tưởng thể hiện trong các tác phẩm điện ảnh. 

Ngoài chương trình báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Joiner, lịch trình của ông kín đặc. Trong chuyến đi này, ông được tám trường đại học  mời đến thuyết trình và chia sẻ kinh nghiệm làm phim.

Tại Đại học Harvard, Giáo sư Hồ Huệ Tâm mời ông đến trao đổi cùng sinh viên về phim “Bao giờ cho đến tháng mười”, phim được dùng như tài liệu giảng dạy về lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Ông bảo: “Sinh viên cứ thắc mắc tại sao cô Duyên lại nói dối ông bố chồng rằng chồng cô còn sống, đối với người Mỹ, việc nói dối là không thể chấp nhận được. Nhưng trong văn hóa Việt Nam nếu nói dối mà cứu người thì lại là chuyện có thể. Không ai đành lòng nói thật để người già có thể đau buồn, đột quỵ”.

Theo ông, đó là điểm khác biệt trong văn hóa ứng xử của người Việt và người Mỹ. Mỗi chuyến đi, mỗi lần tiếp xúc với khán giả đối với ông vô cùng bổ ích vì ông học được bao nhiêu điều mới lạ, nhất là những nét khác biệt giữa các nền văn hóa.

Nói chuyện về ngôn ngữ với ông cũng vô cùng thú vị. Ông là người gốc Huế nhưng ông chỉ sống ở đó thời ấu thơ trong vòng bảy năm khi cha ông đang du học ở Nhật.

Ông rời cố đô lên Việt Bắc năm 1950 và trở lại sau 25 năm vậy mà ông vẫn thuộc lòng cuốn từ điển tiếng Huế, ông giải thích cho tôi những từ địa phương với niềm say mê như khi nói về điện ảnh.

Với ông tiếng Huế rất gần gũi, thân thiết vì đó là quê hương ông. Về tiếng Nga cũng vậy, ông là “cuốn từ điển sống”, bất cứ từ nào trong tiếng Việt tôi đưa ra ông đều có thể nói ngay từ tiếng Nga tương đương.

Khả năng Ngôn ngữ của ông khiến nhiều người học ngành ngôn ngữ học ở Nga, chính thống hơn ông cũng phải ghen tị. Ông bảo tiếng Anh của mình chỉ đủ để không bị lạc trong các sân bay lớn, nhưng tôi biết ông khiêm tốn nói vậy, ông vẫn đọc thư từ của bạn bè quốc tế, trao đổi với những người trong hội thảo bằng tiếng Anh.

Tôi nhớ khi chị Dominique bảo ông là người nổi tiếng, ông chỉ cười và nói “No, I am not famous at all.” (Tôi không hề nổi tiếng chút nào - TG). Ấn tượng của giây phút ấy cứ đọng mãi trong tôi. Như bao nhiêu khán giả hâm mộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh, tôi cảm phục tài năng sáng tạo, lao động nghệ thuật hết mình của ông.

Nhưng có lẽ tôi mến mộ ông hơn nhiều vì sự khiêm tốn, giản dị, cởi mở, trân trọng con người của ông mà tôi may mắn được trải nghiệm trong những ngày ngắn ngủi ông đến làm việc tại Boston, tháng Ba năm 2006.

Nguyễn Thị Minh Phương
Đại học Tổng hợp Massachusetts, Mỹ

MỚI - NÓNG