Gặp hai nhà văn “làm kinh tế”

Gặp hai nhà văn “làm kinh tế”
TPCN - Các văn nghệ sĩ mà tôi gặp đều nói: kinh doanh không dễ, nhưng nó hấp dẫn, trước hết vì nó rất đời, nghệ sĩ thì thích dấn thân vào cái đời ấy, nhưng việc ấy có dễ?

Có chất bộ đội nên Nguyễn Thụy Kha rất thẳng thắn đi vào đề ngay. Anh nói từ năm 1990, sau khi rời khỏi quân ngũ, anh đã làm việc cho Hội Nhạc sĩ trong Cty MAV, làm hàng chục phim, làm các chương trình video “Rock rừng”, “rock biển”... nhưng theo anh “đã làm ăn thì phải chủ động, nhất là làm văn hóa”. Bởi vậy, anh đã chọn con đường tạo lập cơ nghiệp riêng cho mình.

Phương châm của anh là tiết kiệm, dùng công tác viên và... chính mình.

Năm 2001, Cty Hòa hợp TKK (viết tắt là TKK) ra đời, nằm khiêm tốn trong một căn phòng sát báo Người công giáo Việt Nam, nhiều người dễ tưởng lầm là... phòng bảo vệ của báo.

Sự kiện đầu tiên mà TKK tổ chức nổi đình đám là chương trình khai trương màn hình lớn vào loại đầu tiên của Việt Nam tại Hội chợ Giảng Võ (HN). Thụy Kha đã thành công trong việc tổ chức một buổi hoà nhạc ngoài trời với dàn nhạc giao hưởng VN.

Nên nhớ rằng, thời điểm này, Dàn nhạc giao hưởng VN vẫn chưa thoát ra trạng thái “ngủ”, nhưng TKK mà cụ thể là Nguyễn Thụy Kha cùng với nhạc sĩ chỉ huy Đỗ Hồng Quân đã “đánh thức” dàn nhạc này.

Trước đó, Thụy Kha tập dượt với việc mở... sàn nhảy “để các cụ có nơi sinh hoạt” nhưng chỉ được mấy tháng, bắt đầu có khách thì bị đòi địa điểm.

Đây là một bài học đầu tiên trong làm ăn đối với anh. Nhưng đây mới chỉ là “chuyện nhỏ”. Anh cho biết kinh nghiệm đầu tiên “va” vào đối tác nước ngoài là khi TKK quan hệ với một Cty của Hàn quốc (2002).

Ý định ban đầu khá to là đưa một đoàn nghệ thuật dân tộc Việt Nam sang Hàn biểu diễn nhân dịp World Cup, mới nghe, rất thuận lợi, giá cát sê phía Hàn đưa ra cao ngất ngưởng, nhưng rồi những khó khăn cứ xuất hiện ngày càng nhiều, giá thì ngày càng xuống...

Cuối cùng, “xôi hỏng bỏng không” trong khi anh đã phải lăn lộn nhiều ngày ở miền núi, thậm chí đã phải tổ chức đưa cả một đoàn văn công về HN...

Sau thành công của chương trình “màn hình lớn” và cả một chương trình ca nhạc nhân ngày giỗ nhạc sĩ Văn Cao và ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Cung Văn hóa Thanh niên HN, 7/2001), TKK mạnh tay đứng ra tổ chức khá nhiều chương trình biểu diễn ca nhạc, thơ: 55 năm Hải Phòng kháng chiến, 70 năm thơ mới..., Nửa thế kỷ Điện Biên (2004)...

Nguyễn Thụy Kha tiết lộ, vì tiềm lực nhỏ, anh có triết lý làm ăn theo lối đặc công - “nên nhớ đặc công chứ không phải du kích đâu nhé. Du kích là không chuyên nghiệp. Còn đặc công là thọc sâu, chọn điểm mà đánh và chinh phục”- anh nhấn mạnh.

Với tinh thần ấy, cuối năm 2003, anh tổ chức 2 đêm Thánh ca tại Hà Nội, đây là lần đầu tiên có những chương trình thế này. Tôi nhớ nhiều người trong nghề tới nay vẫn nhắc đến chương trình này như là “điểm trụ cho đêm Noel” với những tiếng hát “long lanh và tinh khiết” của các giọng ca nhà hát Nhạc Vũ kịch VN. Hoặc chương trình Đêm nhạc Thanh Lam - Lê Minh Sơn (11-2004) cũng là một hoạt động “lăng-xê” nhạc sĩ trẻ có phong cách mới mà phía Bắc còn khá xa lạ.

Không chịu yên, gần đây anh lại đầu tư vào phim, anh đã có thêm một giấy phép hãng phim tư nhân. Thụy Kha hùng hồn: Tôi muốn ủng hộ các tài năng trẻ, mở một lối thoát cho điện ảnh Việt Nam.

Dự án phim này đầu tiên của hãng Phim truyện 1 mang tên “Tiếng đàn môi bên bờ rào đá” (sau đổi tên “Chuyện của Pao” với kinh phí Nhà nước 2 tỷ đồng. TKK đã đầu tư vào đây 500 triệu đồng. Phim có Hải Yến đóng, Nguyễn Thiện Đạo viết nhạc phim, mời nhà quay phim người Australia... nghĩa là đầu tư “xịn”.

Anh cho biết vừa mời nhà văn Trần Thị Trường về làm Phó GĐ cho mình. Trần Thị Trường xin thôi công việc ở Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác phẩm văn học để làm với TKK, và hiện đang đi Mỹ, vừa thăm thân vừa tìm đối tác. Thế là lại thêm  một nhà văn chính thức bước vào “làm ăn”.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Tôi muốn thử sức trong một công việc mới

Gặp hai nhà văn “làm kinh tế” ảnh 1
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Ảnh: Vietnamnet

Chúng tôi đến gặp nhà văn Võ Thị Xuân Hà (VTXH) tại Cty mới thành lập của chị và anh Thế Anh, người sẽ đi cùng chị suốt chặng đường đời phía trước. CTY gồm 2 phòng khá khang trang nằm trong một toà nhà gồm rất nhiều CTY trong quần thể Trung tâm chiếu phim Quốc gia (Láng Hạ, HN). Trong phòng bài trí hiện đại nhưng còn khá bề bộn.

Anh Thế Anh, GĐ CTy mang tên CTy TNHH Truyền thông Hà Thế tâm sự: “Tôi đã làm ở nhiều nơi, cũng sóng gió nhiều trên thương trường. Khi gặp Hà, tôi mới chú ý nhiều đến mảng văn hóa.

Rồi đến một lúc nào đó, tôi thấy yêu quý và mong ước được tôn vinh văn hoá Việt. Nay có Hà lo chuyên môn văn hoá truyền thông, tôi đã rời khỏi CTy cũ, lập CTy này. Trước mắt chúng tôi chọn việc làm sách. Luật xuất bản đã “thoáng” hơn trước rất nhiều, chúng tôi nghĩ đây là cơ hội mới...”.

VTXH tâm sự: “Tôi đã từng làm báo, rồi làm xuất bản. Thời gian nửa năm công tác tại NXB Văn học cũng cho tôi khá nhiều hiểu biết về công việc làm sách.

Tôi được bạn bè gọi là người có duyên trong việc chuyển công việc. Nhưng thực chất là tôi đã có ý định đi học hết nghề này đến nghề khác như vậy, để có thêm thực tế mà nhờ những thực tế đó, có thể đi đường dài với nghiệp viết.

Tôi cũng đã thử sức trong việc tuyển chọn, biên tập nhiều tập truyện ngắn. Về công việc ở CTy, nhà văn VTXH cho biết, ngoài mảng sách văn học mà chị tâm huyết, chị còn định đầu tư vào mảng sách chuyên đề và sách theo đề tài cụ thể."

Chị cười: Mình rất cần các cây bút cộng tác trong những cuốn sách này. Như tới đây, sẽ làm một cuốn về những doanh nghiệp được nhận cờ thi đua của TP Hà Nội...

Nhà văn VTXH đã từng thử sức kinh doanh như mở quán sách, cà phê sách..., là người khá năng động như nhiều người trong nghề nhận xét. Nay ngoài công việc hàng ngày ở Ban Sáng tác và Ban Công tác Nhà văn Trẻ ở Hội Nhà văn Việt Nam, chị muốn cùng người bạn đời của mình thử sức trong công việc mới mẻ ở một CTy truyền thông.

Và chị vẫn nung nấu ý định mở một quán cà phê - sách, duy trì hoạt động của Câu lạc bộ Bạn đọc, nếu có thể sẽ nâng lên một số mô hình khác trong lĩnh vực văn hóa...

Võ Thị Xuân Hà là thế, không bao giờ ngừng “chạy”, hình như chị làm hết việc này đến việc khác là để lấy “nguồn” cho một tác phẩm nào đó sẽ ra đời. Đang tập trung vào sách, nhưng chị đã lập kế hoạch khác cho CTy.

Trong lúc ngồi với chị và anh Thế Anh, tôi nghe thấy nhiều cuộc điện thoại. Và thi thoảng cánh cửa CTy lại mở. Một vài bạn trẻ đến bàn việc...

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.