Gặp nhà thơ của Thời hoa đỏ

Gặp nhà thơ của Thời hoa đỏ
TP - Lứa chúng tôi cách sau ông ngót nửa thế kỷ nên mọi thứ, kể cả văn chương đã là khác lắm. Nhưng ông quá dễ gần, đến nỗi, tôi, lần đầu tiên được hầu chuyện và hầu rượu đã như thấy mình hoàn toàn có thể nói thẳng băng những suy nghĩ, nhất là văn chương, nhất là những kị húy trong làng văn nghệ với ông mà không cần phải rào đón, e dè.
Gặp nhà thơ của Thời hoa đỏ ảnh 1
Nhà thơ Thanh Tùng (bìa trái) và bạn văn tại Ngày thơ Việt nam 2010

Ông tới buổi trưa, bằng xe máy, cùng với nhà thơ trẻ Lê Thiếu Nhơn khi chúng tôi đã bắt đầu cuộc nhậu. Các bạn văn nghệ hôm ấy đều rất trân trọng ông nhưng dường như không phải ai cũng hiểu được nỗi lòng của ông, cho dù thực ra Thanh Tùng là một người hết sức dễ hiểu.

Tôi không dám hỏi ông cơn cớ gì phiêu bạt phương Nam bởi một người ưa hải hồ sông biển như ông điều đó dường như là một lẽ đương nhiên.

Câu trả lời đã có từ những bài thơ của ông, từ cách sống và cách tổ chức gia đình rất đặc thù nơi ông và trên hết là tấm lòng son của ông với thơ ca, với đời sống.

Thời gian đã ưu ái hay bất lực trước ông, một lão phu phơ phơ đầu tóc bạc ở vào tuổi bảy lăm vẫn vững vàng như trái núi. Ông như một khoang tầu lừ lừ xuôi ngược trong mịt mùng vần xoay của tạo hóa.

Ông lúc nào cũng tất bật dù có lúc, như là lúc này đây, khi chiều đã tàn, đêm đã giăng ra những mảng sương, ông ngồi bất động, im lìm, khuôn mặt hoang hóa xa xăm với những mảng đẽo gọt khu biệt chỉ có ở Thanh Tùng.

Tôi cảm giác lúc này, ông đang cồn cào nhớ biển, cồn cào nhớ về thời trai trẻ. Ánh mắt bất động của ông như một bức tường vừa xa xôi vừa sừng sững.

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng/ Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh/ Chẳng chịu cho lòng ta yên - Anh mải mê về một màu mây xa/ Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ/ Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa/ Em hát một câu thơ cũ... Ôi Thanh Tùng! Thời trai trẻ lứa các ông luôn cựa quậy và nứt vỡ ra những chân trời. Đớn đau, dằn vặt nhưng kiêu hãnh, thậm chí kiêu ngạo, thậm chí khinh thị ngạo vật, luôn phá những cái cũ kỹ đi để xây những lâu đài tư tưởng của mình mặc kệ đường xa dặm thẳm.

Ông thường im lặng. Lúc trước hình như tôi nhẩm hát Anh mải mê về một màu mây xa... Cánh buồm bay về một thời đã qua... Em thầm tiếc một câu thơ cũ... Về một thời thiếu nữ... say mê...

Hình như không chính xác với ca từ, với lời thơ nhưng ông im lặng. Thơ Thanh Tùng từ ngữ đôi khi xộc xệch nhưng ý tứ và thi vị của nó luôn xuyên suốt, xâu chuỗi và liên kết đồng nhất một cách lạ lùng. Rất ít người có cách lo toan cho thơ, về thơ như Thanh Tùng.

Ông là người có tư duy nhanh và chuẩn xác như một nhà toán học. Ai đó bảo nhà thơ hay lơ mơ là sai, đặc biệt với Thanh Tùng. Đang ngồi đấy, đang lặng im như một pho tượng thì ông bảo: Mình phải về cơ quan hai mươi phút, xử lý bài vở ấy mà, định gọi điện thoại nhờ nhưng đây là phần việc của mình, các cậu cứ đợi, mình sẽ quay lại.

Tôi đứng lên chở ông đến cơ quan bằng xe máy. Trời chạng vạng. Thành phố đã bắt đầu lên đèn. Đám gái ăn sương đang bắt đầu trang điểm thập thò các con hẻm. Đến cổng cơ quan ông, dưới tán một cây si và đám bê tông lổn nhổn mà những người làm đường chưa thu dọn, ông bảo:

Đợi mình ở đây một lát, mình xử lý đôi chút... Ông bước về phía trước. Một Thanh Tùng vạm vỡ, phất phơ mái đầu bạc trong chiều chạng vạng ở một hành lang hun hút thâm thẫm tối cho tôi một cảm giác khó tả.

Ngoài kia, dòng người đang xuôi ngược xôn xao. Xa kia, sông Sài Sòn rác rến lập lờ vô định. Xa nữa là biển cả mênh mông mà Thanh Tùng dù danh tiếng cũng chỉ là một chấm nhỏ mà ông Tạo chắc gì đã nhớ nổi cho nên có thể cứ phẩy tay đầy đọa.

Kiếp người vốn mỏng và kiếp một thi sĩ nào có khác gì cánh bướm nhỏ chập chờn bay qua sông rộng trong sóng gió khôn lường. Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ... Thơ ông, phải nói là đã tự tiên liệu về chính bản thân mình.

Một tiên liệu có phần nghiệt ngã quá nhưng cũng ngạo nghễ xiết bao. Tôi như thấy đoàn quân chữ nghĩa của ông khiêng một sợi chỉ máu hành quân đêm đi ngày nghỉ mặc kệ những xưng tụng, thị phi, thậm chí là cả sự tuyệt vọng.

Sau bài hát rồi em lặng im/ Cái lặng im rực màu hoa đỏ/ Sau bài hát rồi em như thể/ Em của thời hoa đỏ ngày xưa/ Sau bài hát rồi anh cũng thế/ Anh của thời trai trẻ ngày xưa... Lời bài hát như cứa vào lòng kiêu hãnh của những người đàn ông phiêu bạt, mà ông chính là một điển hình.

Thời hoa đỏ được viết vào khoảng năm 1972 và theo Thanh Tùng là khi ấy cuộc hôn nhân của ông cùng người vợ ở Hải Phòng vừa đổ vỡ. Ông giải thích thế thì anh em biết là vậy chứ thực ra Thời hoa đỏ không phải chỉ để giải quyết cho sự đổ vỡ của một cuộc tình.

Nó là mẫu số chung của những đớn đau dằn vặt về những cái chưa gặp nhau của những người khác giới của loài người. Tôi vẫn cho rằng từ hàng ngàn hàng vạn đớn đau số phận mà trong ấy không riêng gì tình yêu đã mượn Thanh Tùng để thốt lên Thời hoa đỏ.

Nhưng Thời hoa đỏ cũng có thể hiểu là một tri ân khi thăng hoa trong tột cùng đau đớn thời kỳ ông ở Hải Phòng. Ông từng nói: Tôi đã gắn bó với Hải Phòng gần trọn cuộc đời. Tôi đã làm thơ khi đẩy xe bò thời thanh niên xung phong. Tôi đã làm thơ trong khi quai búa thời công nhân.

Tôi đã làm thơ trong khi tay trắng thời bị cho về hưu với vỏn vẹn hai chỉ vàng. Và tôi đã làm thơ trong khi áp tải thời nhọc nhằn kiếm sống qua ngày.

Hải Phòng còn nguyên giọt nước mắt chưa khô, bạn bè cực khổ, văn chương đọa đầy. Nơi ấy, tôi có một căn nhà nhỏ để anh em thi phú tụ bạ. Nơi ấy tôi có hạnh phúc ngắn ngủi và dằng dặc đổ vỡ.

Những bài thơ đã giữ gìn dùm tôi chút khói sương chiều Tam Bạc, chút nắng gió Cát Dài, chút xa vắng Cát Bụi, và hàng trăm gương mặt người quen đang nhòa dần theo ký ức! Năm xưa/ Các anh mời tôi ăn con cá đánh trên đảo Cát Bà/ Tôi vẫn nghĩ những con cá ấy có thể đến từ mặt biển Trung Hoa/ Nay các anh đã đi xa/ Vẫn làm nghề đánh cá/ Tôi lại nghĩ những con cá ấy/ Có thể đến từ mặt biển Cát Bà/ Bởi những con cá có bao giờ phải mang hộ chiếu (Thư gửi người đánh cá họ Hoa). Nơi ấy tôi còn nguyên tất cả/ Từ vệt trời thơ thời giá lạnh/ Đến viên sỏi cũ dấu chân mòn/ Tôi đem khâu lại từng hoang vắng – Tôi còn hẹn với muôn năm/ Với vai người dầu mỡ/ Với bức tường của nắng/ Với phố chiều ăm ắp giọng khơi xa - Ở nơi ấy còn bao bí ẩn/ Với người qua một lần còn nhớ mãi/ Những khoảng tối tôi bị dìm xuống đáy (...) Hải Phòng ơi! (Hải Phòng ơi!). Mai tôi đi rồi/ Tôi có khóc đâu mà gió ướt/ Mà nắng rát nên tôi mặn chát/ Mai tôi đi rồi/ Để lại đây tiếng búa khắc vào hồn phố... 

Tôi đã sống không rụt rè, sợ hãi/ Sao bây giờ ngần ngại lúc chia xa!/ Tôi đã bị ít nhiều phản phúc/ Sao bây giờ toàn nỗi nhớ thương sâu!... Mai ra đi đến một phương trời/ Tôi có thể làm gì như thế nữa/ Máu tôi còn đủ đỏ/ Để phương trời nơi ấy cháy thành thơ (Hải Phòng lúc ra đi).

Không phải ai cũng biết Thanh Tùng luôn yêu Hà Nội đến cháy lòng.

Từng là nhà thơ áp tải (chữ dùng của nhà thơ Trần Nhuận Minh) lang bạt kỳ hồ khắp mọi miền đất nước, yêu Hải Phòng như máu thịt nhưng trái tim ông, khi ở những nhịp đập da diết nhất lại dành cho Hà Nội.

Ông từng nói: “Hà Nội và tháng ngày lang bạt” đối với tôi đã trở thành nỗi đam mê chuyển dần sang niềm tiếc nuối. Khi tôi ngồi chọn lại những bài thơ mình viết về Hà Nội, bỗng thấy ký ức bám từng mảng rêu xanh lên bao nhiêu khoảnh khắc chấp chới hạnh phúc và ngộ nhận.

Nhạc sĩ Phú Quang đã mượn vài lời để phổ nhạc: Ca khúc “Hà Nội ngày trở về” từ bài thơ “Hà Nội” và ca khúc “Mùa thu giấu em” từ bài thơ “Em và thu”.

Hà Nội nhờ bóng dáng bạn bè cũ mà liễu Hồ Gươm còn hiện về trong tâm tưởng. Hà Nội nhờ mối tình sương khói mà gió Hồ Tây còn giật thành cơn bão trong thương nhớ khôn nguôi...

Hà Nội ơi, tôi đã cất giữ người cẩn thận/ Như dưới làn da kia dẫu đã héo nhàu, máu vẫn âm thầm chảy/ Hà Nội ơi, nguồn mộng mơ dày như cỏ mùa xuân/ Mỗi khi tôi thấy mình xơ xác/ Tôi lại về đánh cắp/ Dẫu một chút bóng đêm trên đường phố Khâm Thiên... Vội vã trở về, vội vã ra đi/ Chẳng kịp nhận ra từng con phố/ Nhưng trong tôi vững bền đến thế/ Những chiếc lá nhìn tôi vẫn mắt tuổi học trò... (Hà Nội).

Thơ Thanh Tùng có một đặc tính là những người bình tưởng nắm bắt được nhưng thực ra rất khó nắm bắt, tưởng mô tả để tán tụng hoặc gợi mở ra một điều gì cũng dường như vô ích bởi một điều tự thân các câu thơ của Thanh Tùng đã nói hết những điều cần nói, cả những điều chưa nói cũng đã ngân lên, gợi ra và đánh thức những miền xa khuất lấp.

Tôi vẫn về Hà Nội của tôi/ Sau những ngày dài khô khốc/ Để thẫn thờ uống từng vết nắng mưa/ Chạy mệt nhoài trên những quảng trường sạm gió/ Mỗi lần ra đi/ Nặng nề như có chửa/ Và vội vàng như một kẻ tham lam/ Vì bất cứ vòm cây nào trên những đại lộ/ Cũng có thể đòi tôi trả lại màu xanh (Hà Nội).

Tôi cũng không thấy ai yêu Hà Nội như kiểu của Thanh Tùng, vừa như chiếm lĩnh thoán đoạt, vừa như hãi sợ mơ hồ một điều gì đang xảy đến với từng tâm tư, tâm trạng và hành trạng tâm hồn ông.

 Em đạp lên tất cả/ Rồi ngã vào anh theo cách ngã của mùa thu/ Rồi hôn lên anh theo cách hôn dài của gió/ Thấm vào anh, vật vã trên anh/ Bứt xuống lòng anh bừa bãi lá vàng...

Da thịt em đâu? Mềm dịu em đâu?/ Anh hốt hoảng bới tìm trong lá quẩn/ Trong những vòm cây vun vút chuyển màu/ Trong những vạt bụi bồng bềnh ảo giác/ Chóng mặt khi bất ngờ đổ xuống/ Cả một trời vô tận sắc vàng/ Nơi mảnh lá dấu màu mắt em sầu đắng/ Gió đến ào cuốn phía xa xăm (Em và thu).

Với Thanh Tùng, dường như thơ là tất cả...

"Năm nay tôi 75 tuổi, cả cuộc đời nếu có chút gì đáng gọi là thu hoạch, thì chỉ có thơ. Tôi đã làm thơ từ tuổi trẻ khốn khó và vẫn làm thơ trong tuổi già túng thiếu. Tôi đã vì thơ đôi lần rơi nước mắt. Thơ đã vì tôi an ủi phút giây yếu mềm. Thơ cho tôi chút tiếng tăm, và dìm tôi mãi nghèo khổ và bất hạnh. Diễm phúc lớn nhất của đời tôi, thật kỳ lạ, cũng được mang lại từ thơ..."

Nhà thơ Thanh Tùng

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.