Garcia Marquez 'kinh hoàng' trước báo chí

Garcia Marquez 'kinh hoàng' trước báo chí
TP - Văn hào Gabriel Garcia Marquez người Colombia, giải Nobel, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Một trăm năm cô đơn”, cảm thấy mình như “con thú bị săn đuổi” khi đọc báo chí hiện đại.
Garcia Marquez 'kinh hoàng' trước báo chí ảnh 1
Marquez và Gabilondo tại hội nghị ở Monterrey

Tuy nhiên, hôm 2 tháng 9 vừa qua, tại một hội nghị ở Monterrey (Mexico) ông tuyên bố vẫn giữ nguyên vẹn tình yêu sâu nặng của mình đối với nghề viết báo. Ông đã đích thân trao tặng giải thưởng cho những nhà báo ưu tú nhất chuyên viết bằng tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Vốn trước đây đã từng làm nghề báo, Garcia Marquez tiết lộ là cho tới nay, tuy đã chuyển hẳn sang nghề viết văn nhưng ông vẫn là nhà báo “trong tâm hồn” và sáng nào ông cũng đọc báo.

Điểm khác biệt là giờ đây, mỗi khi đọc báo, ông không quan tâm đến các sự kiện mà chú ý chủ yếu đến chất lượng đưa tin. Ông nói thẳng: “Tôi cảm thấy kinh hoàng trước trình độ viết lách và phong cách kém cỏi” của phần lớn các bài báo.

Tình trạng đó khiến sáng nào ông cũng “cảm thấy mình như con thú bị săn đuổi và đau khổ như con chó bị bỏ rơi”. Ông nói thêm: “Tôi ngày càng hiếm gặp những bài báo châu ngọc và khi tìm được những bài báo đó, tôi bao giờ cũng nghĩ về tác giả và tự hỏi: “Con người này là ai mà viết khá đến thế?”.

Tại sao lại xẩy ra tình trạng như vậy? Theo ý kiến Marquez, có vẻ như các nhà báo hiện nay có quá ít thời gian, bởi vậy họ không có điều kiện suy nghĩ kỹ và lúc nào cũng viết hối hả, vội vã, không lấy đâu ra thời giờ rèn giũa bài viết của mình. Và điều này khiến ông giận điên lên.

Ông gọi phong cách đó là “kiểu viết báo mới” và buồn bã nhớ lại thời kỳ chưa có Internet, khi báo chí được chuẩn bị kỹ hơn nhiều trước khi đem in và các nhà báo chưa bị biến thành những “chiếc máy viết báo”.

Đồng thời, Marquez cũng tỏ ra thông cảm với nỗi khổ của các nhà báo hiện nay bởi vì tình trạng lúc nào cũng tất bật hối hả ấy khiến họ thường xuyên bị stress. Ông nói đùa: “Chứng stress ấy lan truyền sang chúng ta và chúng ta chỉ có một lối thoát duy nhất là nhậu nhẹt”.

Riêng đối với Marquez thì ông có một phương pháp nữa để khắc phục chứng stress - đó là viết sách. Ông cho biết: “Tôi đã từng viết một cuốn sách trong 10 năm trời và nếu không ưng ý thì tôi viết lại, đôi khi viết lại từ đầu”.

Một trong những vấn đề khiến dư luận quan tâm là công việc hiện nay của Marquez. Cách đây vài năm, ông đã tuyên bố kết thúc sự nghiệp viết văn của ông.

Nhưng hồi tháng 5 năm nay, một người bạn thân của ông và cũng là một nhà báo đã tiết lộ cho tờ The Guardian biết là Marquez đã cầm bút trở lại và đã hoàn thành một cuốn tiểu thuyết mới dầy 250 trang.

Tuy nhiên, tại Monterrey, Marquez không muốn kể về tác phẩm mới đó. Theo một số nguồn tin, đó là một câu chuyện tình có nhan đề “Ta sẽ gặp nhau vào tháng Tám”.

Rất có thể cuốn tiểu thuyết mới này của ông sẽ ra mắt bạn đọc bằng tiếng Tây Ban Nha ngay vào cuối năm nay. Nhân dịp này, một nhà báo hỏi đùa Marquez liệu đấy có phải là tác phẩm cuối cùng của ông không? Ông dí dỏm đáp lại ngay: “Sao lại cuối cùng? Anh không chờ được tác phẩm cuối cùng của tôi đâu”.

Đứng bên cạnh Marquez là Gabilondo, Giám đốc chấp hành Quỹ mang tên ông và cũng là người Colombia. Gabilondo tán thành ý kiến của Marquez về tình trạng báo chí hiện nay và nhận xét rằng thông tin nhiều khi bị sai lệch đi trong các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại.

Theo lời Gabilondo, đó là vì các nhà báo dường như bị mê hoặc bởi các chính khách, các ông vua tài chính và báo chí lá cải, kết quả là họ bị giật giây chẳng khác gì những con rối.

Vũ Việt
Theo Pravda.ru

MỚI - NÓNG