Ghi ở đám tang

Ghi ở đám tang
TP - Hôm rồi dự một đám tang rất đông người khuyết tật. Đơn giản bởi người vừa mất là người khuyết tật.

Anh là chồng chị bạn vong niên. Nghe điếu văn mới biết, anh từng là hạt nhân góp phần thay đổi cuộc sống của người khuyết tật Hà Nội, phát triển hội của những người này lên 9.600 hội viên với nhiều hoạt động san sẻ giúp đỡ nhau, thúc đẩy chính sách của nhà nước đối với đối tượng này. Anh được những người đồng cảnh coi là tấm gương sau hai khóa làm Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội song song công việc chuyên môn ở hai ngân hàng lớn.

Với chiếc xe ba bánh dành cho người khuyết tật, anh đi khắp Hà Nội, xuyên Việt, hội thảo nước trong nước ngoài. Đột ngột phát hiện bệnh trọng, anh dặn vợ con không phục thuốc tốn kém bởi đã vô phương. Không được báo ai biết mình nằm viện, sợ làm phiền. Không nhận vòng hoa viếng. Toàn bộ tiền phúng viếng-200 triệu đồng, dành tặng trẻ em khuyết tật.

Người vợ mắc chứng bệnh kỳ lạ, bị cái u ác sau lưng, hễ đi đám tang hoặc ra mộ là nổi lên có lúc bằng quả ổi. Anh định liệu: Vậy thì rải tro của anh xuống sông Hồng để đỡ phải chăm lo mộ phần, vả lại anh vốn thích ngao du sơn thủy. Họ hàng nhảy dựng “Sao có thể như vậy, sống nhà chết mồ”. Con trai anh bảo “Sao lại không thể? Đó là ý nguyện của bố cháu”.

Sau trận ốm hồi nhỏ, anh bị liệt phải ngồi xe lăn và trải qua các học phần của một học sinh thời chiến. Thời gian học khoa Lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội từng đi sơ tán với đôi chân di chuyển khó khăn. Tự mày mò khám phá công nghệ thông tin từ thập niên 1980 nên đã trải qua các chức vụ liên quan lĩnh vực này ở Ngân hàng Nhà nước. Sau chuyển sang Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam làm Phó Giám đốc Trung tâm Thanh toán, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học, đặt nền móng về công nghệ thông tin ở đây.

“Có người không dám bước đi vì sợ ngã gẫy chân, thế thì khác nào chân đã gãy”. Hàng năm cứ đến mùa thi, cả xã hội lại náo loạn. Cha mẹ khăn gói quả mướp sấp ngửa đưa con đi thi, ngồi bón từng thìa cơm, dắt tay qua đường, đèo sau xe máy, dài cổ chờ xem điểm ở trường sở rồi òa khóc (vì hạnh phúc hoặc thất vọng)... Chọn hộ con từ ngành học chọn đi. Trẻ em như búp trên cành còn 17-18 tuổi vẫn chỉ “biết ăn ngủ biết học hành là ngoan”, định bao giờ lớn? Hay có lẽ, phụ huynh ngày nay ra sức bù trì cho con vì thấy chúng khổ quá - học ngày học tối, học chính học phụ, chẳng có thời gian thư giãn, thể thao. Gần như không có ngày nghỉ còn nếu có, chẳng biết chơi đâu. Cứ mải lo học để ấm vào thân còn cái thân đó lơ ngơ như bò đội nón thì không để tâm, có khi còn thua một người ngồi xe lăn sớm rèn ý chí nghị lực nên đã sống có ích không chỉ cho bản thân.

MỚI - NÓNG