Gia tài thơ của Hoàng Lê Quỳnh Như

Gia tài thơ của Hoàng Lê Quỳnh Như
Để thẩm tra khả năng của Hoàng Lê Quỳnh Như, một cán bộ đang công tác tại một cơ quan của Trung ương Đảng đã ra đề tài và Quỳnh Như đã viết bài thơ mới trong vòng 15 phút

 “Chuyện của người lớn” làm bé Như buồn...

Chị Lê Đỗ Thị Lan, mẹ của Quỳnh Như, là Thạc sĩ, Phó Trưởng khoa mắt nhi, Bệnh viện Mắt TPHCM cho biết: “ Năm 2004, khi biết chính xác cháu Như được nhận giải nhất bài thơ Thế giới và xem đây là vinh dự lớn của gia đình nên tôi đã thu xếp công việc cho cháu đi nhận giải. Ông Steven Micheal, Chủ tịch Hội nghị - lễ trao giải cũng cho biết, phải có người đại diện đưa cháu đi, nên tôi xin phép cơ quan, đơn vị chủ quản được nghỉ, để làm thủ tục visa cho hai mẹ con”.

Bài viết “Một em bé gái Việt Nam 12 tuổi đoạt giải “Thơ vì hoà bình” quốc tế” với bài thơ Thế giới (TPCN số 10 ngày 6/3/2005) đã gây xúc động dư luận kèm theo sự tiếc nuối việc em không được cùng mẹ đi Mỹ nhận giải đúng hẹn vào năm 2004, vì thế phần thưởng 20.000USD dành cho giải nhất đã chuyển vào Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF).
Nhiều bạn đọc đã gọi điện thoại đến tòa soạn bày tỏ nỗi bức xúc, muốn tìm hiểu nguyên nhân vì sao Quỳnh Như không được đi lại do “chuyện của những người lớn”. Trong lúc thực hiện phóng sự điều tra về việc này, chúng tôi đã phát hiện thêm những điều thú vị khác!

Đơn của chị Lan gửi ngày 28/7/2004, nhưng mãi đến ngày 6/8 Giám đốc Bệnh viện (BV) Mắt TP.HCM, bà Trần Thị Phương Thu mới ký công văn số 51-BVM/CV-TCCB gửi Sở Y tế TP.HCM xin ý kiến.

Nội dung văn bản này ngoài việc nêu lý do xin nghỉ phép thường niên, đi du lịch đến Mỹ; kết hợp đưa Quỳnh Như đi nhận giải thưởng, còn đề cập: “Căn cứ nội dung cuộc họp Ban giám đốc Bệnh viện Mắt ngày 26/7/2004, xét thấy BS. Lê Đỗ Thị Lan hiện nay đang có tranh chấp ngôi nhà 54-56 Nguyễn Thiện Thuật, P.3, Q.3 đã xét xử tại toà phúc thẩm. BS.Lan đang kháng cáo lên tòa Giám đốc thẩm. Căn cứ Công văn số 2091/THA ngày 6/8/2004 của Phòng Thi hành án TPHCM, việc BS.Lan vắng mặt trong thời gian 10 ngày không ảnh hưởng đến việc thi hành án, nên Ban giám đốc BV Mắt đồng ý giải quyết cho BS Lan được nghỉ phép thường niên, nếu được sự chấp nhận của cơ quan chức năng”.

Cũng ngày 6/8/2004, BS. Nguyễn Thế Dũng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM ký Công văn số 2961/SYT-TCCB, gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC) với nội dung: “Căn cứ công văn của BV Mắt đề nghị Sở Y tế xem xét và giải quyết đơn xin nghỉ phép của BS Lê Đỗ Thị Lan để đi du lịch tại Philadelphia-Hoa Kỳ, kể từ ngày 10/8/2004 đến 24/8/2004. Sở Y tế chấp thuận cho BS Lan nghỉ phép theo đơn xin. Tuy nhiên, theo báo cáo của BV Mắt thì BS Lan hiện đang có tranh chấp ngôi nhà 54-56 Nguyễn Thiện Thuật, Q.3 đã xét xử tại tòa phúc thẩm, BS Lan đang kháng cáo lên tòa giám đốc thẩm... Sở Y tế kính chuyển Cục quản lý xuất nhập cảnh xem xét quyết định nếu không trái với quy định của pháp luật”.

Kèm văn bản này còn có các văn bản liên quan đến vụ tranh chấp dân sự của gia đình BS Lan, ý kiến của Phòng Thi hành án (THA) TPHCM, số 2091 do Trưởng phòng Lương Vĩnh Phúc, ký cùng ngày 6/8/2004: “Ngày 2/8/2004 Phòng Thi hành án có quyết định hoãn thi hành án (số 550/THA) hoãn việc thi hành bản án trong thời gian 90 ngày kể từ ngày 28/7/2004. Việc vắng mặt của bà Lan trong thời gian 10 ngày không ảnh hưởng đến việc tổ chức THA”.

Ngày 9/8/2004, phúc đáp công văn của Sở Y tế, Cục QLXNC – Bộ Công an, đã có Công văn số 3012/P3-XC, với nội dung: “Theo điểm b, khoản 1 và 2, điều 14, Nghị định 05/2000/NĐ-CP ngày 3/3/2000 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thì Cục QLXNC chỉ đình chỉ xuất cảnh đối với những trường hợp mà Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát, Toà án hoặc cơ quan Thi hành án có công văn chính thức yêu cầu. Hiện nay, cục QLXNC chưa nhận được công văn của các cơ quan trên đề nghị việc ngăn chặn việc xuất cảnh của chị Lê Đỗ Thị Lan”.

Hai ngày sau, ngày 11/8/2004, chị Lan mới có trong tay 2 tờ công văn của Phòng THA và Cục QLXNC. Thời điểm này, rất cận ngày nhận giải của Quỳnh Như (chỉ còn 2 ngày), nhưng “còn nước còn tát”, chị Lan không thể để đứa con gái của mình đang háo hức và tràn đầy hy vọng được đi thất vọng. Chị đã tất tả chạy sang Sở Y tế để xin giấy giới thiệu đến Lãnh sự quán Mỹ làm visa nhập cảnh, nhưng được ông Trưởng phòng tổ chức cán bộ - Sở Y tế cho hay, ngoài công văn gửi Cục QLXNC, Sở không ra thêm văn bản nào nữa, chỉ cần công văn này là đủ.

Nghe lời ông Trưởng phòng tổ chức, chị Lan mang Công văn 2961 đến Tổng lãnh sự Mỹ xin phỏng vấn thì bị từ chối. Bởi lẽ, phía cơ quan ngoại giao Mỹ yêu cầu phải có giấy giới thiệu của cơ quan chủ quản! Thời gian nhận giải đã đến. Thế là hết, chị Lan đành phải xin lỗi đứa con gái yêu của mình trong nỗi đắng cay…vì câu “chuyện người lớn” diễn ra như thế đấy !

Những động thái này của BV Mắt và Sở Y tế khiến người ta cảm giác có điều gì đó không bình thường. Đành rằng BV và Sở Y tế rất có “trách nhiệm” trong việc xem xét tư cách xuất cảnh của chị Lan và đã được các cơ quan chức năng trả lời rõ ràng, cụ thể, thậm chí rất chi tiết với những điều khoản viện dẫn theo luật định, nhưng không hiểu vì lý do gì, Sở Y tế lại không chịu cấp giấy giới thiệu?

Đó là câu chuyện “người lớn” khiến cho Hoàng Lê Quỳnh Như phải hoãn chuyến đi Mỹ sang năm 2005. Đây là một “cú sốc” với một em gái mới chỉ 12 tuổi. Bởi khi đó em đã dự định, với phần thưởng 20.000 USD, em sẽ dành để chia sẻ cho những trẻ em nghèo cùng lứa.

Chúng tôi còn nhớ, Như đã nói với một đồng nghiệp của chúng tôi: “Với phần thưởng lớn này, em chỉ cần phân nửa để dành cho chuyện học. Phần còn lại, em sẽ đóng góp vào Quỹ bảo trợ trẻ em nghèo. Em không muốn những bạn cùng lứa của mình phải chịu cảnh khổ như truyền hình đưa tin khắp nơi!” Nỗi buồn của Hoàng Lê Quỳnh Như đã kéo dài sang cả năm sau. Ngày chúng tôi có mặt cùng gia đình đón em tại sân bay Tân Sơn Nhất, khi em vừa đi dự Hội nghị trao giải 2005 trở về, trên gương mặt em còn đọng những giọt nước mắt. Chị Lan (lần này đã được đi cùng con), nói với chúng tôi: “Tôi phải dỗ dành nó suốt hành trình từ Mỹ về đây!”.

Tìm niềm vui qua thơ

Trong lúc thực hiện cuộc điều tra này, chúng tôi đã phát hiện thêm nhiều tình tiết thú vị. Thực tế trong “gia tài” thơ của em không chỉ có 2 bài là “Thế giới” và “Ông ngoại” (TPCN số 10, 6/3/2005) mà còn một bài nữa viết bằng hai ngôn ngữ Việt, Anh về đề tài chống khủng bố, cũng bằng thể loại thơ tự do.

Chị Lan kể : Sau khi sự việc không kịp đi tham dự lễ trao giải năm 2004 bị vỡ lở, có một tờ báo địa phương đưa tin và một cán bộ công tác tại một cơ quan thuộc Trung ương Đảng, nhân chuyến công tác vào miền Nam, tình cờ đọc được thông tin nói trên và đã cho người mời Quỳnh Như và chị Lan đến nơi ông ở…”.

PV TPCN đã xin được số điện thoại của vị cán bộ này và qua trao đổi bằng điện thoại, ngày 11/3/2005, ông kể tiếp câu chuyện như sau: Nghe thông tin nói trên, ông thực sự bức xúc vì được biết TPHCM đang có chủ trương ưu tiên, bồi dưỡng tài năng trẻ. Đáng lẽ trong vụ việc này phải linh động giải quyết thì ngược lại những “người lớn” đã xử lý vấn đề quá chậm…

Và ông cũng muốn thẩm tra khả năng của em Quỳnh Như, nên đã cho gọi đến. Lần đó mẹ của Quỳnh Như và một người khách của ông cùng có mặt. Vị cán bộ đã nói: “Nghe cháu làm được một bài thơ ngắn bằng tiếng Anh về đề tài hoà bình chỉ trong vòng 15 phút. Vậy cũng với thời gian ấy, cháu có thể sáng tác bài thơ khác với chủ đề mà ông gợi ý cho cháu…”.

Sau đó ông đã diễn tả lại cảnh bọn khủng bố bắt và sát hại con tin là những em học sinh Trường tiểu học Beslan (LB Nga)… Lại một lần nữa, Quỳnh Như đã làm mọi người bất ngờ. Em đã ứng tác ngay bài thơ sau bằng tiếng Anh : “In the day all the children are go to school. The happiness appeared in all the faces. Suddenly, the bullets came from the bus. Scream, frighten, scared. In all the faces. Thousand, thousand children fell down. Blood, blood. Everywhere. Blood of children. The new generation of the world”. Rồi em lại dịch tiếp sang lời Việt: “Vào cái ngày tất cả trẻ em thế giới đến trường. Hạnh phúc rạng ngời trên từng khuôn mặt. Đột nhiên, những viên đạn bắn ra từ xe buýt. Tiếng la thất thanh, sợ hãi, hoảng hồn. Trên từng khuôn mặt. Hàng nghìn, hàng nghìn trẻ em ngã xuống. Máu, máu. ở khắp mọi nơi. Máu của trẻ em. Thế hệ mới của thế giới này”.

Và, người cán bộ nọ, trước khi rời TPHCM về lại Hà Nội, ông đã kịp cất vào cặp bài thơ được viết bằng chính bút tích của “nhà thơ” Hoàng Lê Quỳnh Như. Trên bài thơ ấy ông ghi rõ: “Sau khi nghe tôi gợi ý chủ đề chống khủng bố, cháu Quỳnh Như đã sáng tác bài thơ này (kể cả dịch ra tiếng Việt) trong vòng 15 phút. Ký tên”.

Đối với Quỳnh Như, thơ là nguồn cảm hứng và em sáng tác khi bất chợt có một cảm xúc nào đó tác động từ ngoại cảnh. Những lúc buồn, Như cũng tìm cách thư giãn bằng việc đọc thơ. Khái niệm “làm thơ”, trước hết là thơ tự do đến với em từ khi cô giáo Kelly (người Anh), ở trường Anh ngữ quốc tế, dành thời gian 3 tiết để hướng dẫn Như và các bạn cùng lớp học và làm thơ qua bài “Con quạ – The Raven” do một người Nhật sáng tác.

Quỳnh Như giải thích một cách đơn giản lý do vì sao em lại sáng tác dễ dàng những bài thơ tiếng Anh ở dạng thơ tự do : “Chú thấy đấy, thơ lục bát, hay thơ tứ tuyệt… đều có khuôn khổ và chuẩn mực của niêm luật. Cháu đã thử làm nhiều lần nhưng không được. Bị cô giáo la quá trời. Vì khi sáng tác, mình phải nghĩ, lựa chọn từ cho phù hợp với vần điệu. Điều này làm ngắt quãng cảm xúc. Còn với thơ tự do, cứ thoải mái viết ra những cảm xúc của mình…”.

 Ưu thế của Như không chỉ là ngẫu hứng trong sáng tác mà chính là sự “trôi chảy” về trình độ ngoại ngữ. Khi dự Hội nghị trao giải năm 2005, Ban tổ chức có đặt một cuộn băng rôn dài để cho các nhà thơ tham dự hội nghị lưu bút tích của mình bằng những sáng tác của chính họ.

Và Quỳnh Như cũng đã kịp dịch lại bài thơ “Ông ngoại” mà em sáng tác lúc 6 tuổi (học lớp 1), khi chứng kiến người ông yêu thương của mình rời xa thế giới: “Ngày ông đi. Trời lất phất mưa. Nhớ lại ngày ấy. Tôi cùng ông. Đưa bà…. Cũng ngày này. Trời mưa. Tôi đưa ông. Mưa sao buồn quá. Cứ mưa. Mưa mãi… Ông đã về với đất. Về với bà. Ông đi rồi. Ông ơi, ngủ nhé!”. Quỳnh Như đã dịch bài thơ này ra lời Anh có tựa đề “To my dear grandad” như sau: “The day you gone. The sky rain. Last day. Me and you cried for grandma. This day, the sky still rain. I criced for you. Rain is so sad. Rain, rain. You gone to ground. To grandma. You gone. Grandpa, miss you!”.

Hoàng Lê Huỳnh Như đã viết lên đoạn băng rôn ấy bằng tất cả tấm lòng mà cô cháu bé bỏng nhớ về hình bóng ông ngoại thân thương, giờ đã vĩnh viễn rời xa em. 

Gien... từ ông ngoại?

Sau sự kiện em đoạt giải “Thơ vì hoà bình” gây bất ngờ với gia đình, những người thân trong nhà mới thắc mắc về khả năng ngẫu hứng… làm thơ của Quỳnh Như.

Bấy giờ mọi người bỗng nhớ đến một sự kiện nữa. Chị Bích Trâm, giáo viên dạy Văn một Trường trung học ở Biên Hòa, Đồng Nai, dì ruột của Như cho rằng: “Có lẽ cháu Như có gen di truyền từ ông ngoại. Bà ngoại mất sớm, Như chỉ còn lại mình ông ngoại. Cứ mỗi lần về thăm ông, hai ông cháu cứ quấn quýt thủ thỉ với nhau. Do đó Quỳnh Như rất đau khổ khi phải chứng kiến cảnh ông ra đi”.

Qua lời kể của những người dì ruột bé Như thì ông ngoại em cũng có tài làm thơ. Ngày xưa, thời gian ông mới tìm hiểu bà, khi tiễn bà vô “rờ”, còn ông ở lại hoạt động bí mật (cả hai ông bà đều được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp và Mỹ),ông đã làm nhiều thơ tặng bà.

Từ những bài thơ này mà ông bà se duyên kết tóc với nhau. Chị Trâm còn nhớ, bài thơ “Dưới bóng cây K’so” của ông, ký bút danh Trùng Dương (tên thật của ông là Lê Văn Tư), đăng trên trang đầu tiên của một tờ báo, khoảng thời gian 1948. Và sau này, khi bà ngoại Quỳnh Như lìa đời, trong quyển nhật ký của bà, các dì của Như còn tìm thấy ao ước của bà ngoại sau này sẽ có một đứa cháu là nhà thơ. Phải chăng đó là điều đã được báo trước?

Trao đổi với chúng tôi, Hoàng Lê Quỳnh Như vẫn xem chuyện em làm thơ và đánh đàn piano (Như có thể lướt từng ngón tay thoải mái trên phím đàn, chơi được cả những bản giao hưởng cổ điển), chỉ là thú vui giải trí. Con đường mà em chọn vẫn là học thật giỏi để sau này làm bác sĩ giống như ba mẹ em.

“Vấn đề tài năng làm thơ của bé Quỳnh Như ra sao, chúng tôi cũng cần phải xem xét và trắc nghiệm thêm. Trước mắt chúng tôi sẽ cố gắng cho cháu giao lưu với những người làm thơ chuyên nghiệp để thăm dò khả năng của con mình, rồi mới quyết định. Song, chúng tôi cũng không khuyến khích con, coi việc được giải thơ như là một thành công, thể hiện một tài năng v.v... Làm thế, Quỳnh Như sẽ tự kiêu mà quên chuyện học hành là điều không nên…” - BS. Lê Đỗ Thị Lan khẳng định.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.