Giá trị quá rõ ràng

Giá trị quá rõ ràng
TP - PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Trưởng ban Di sản Văn hóa phi vật thể (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) chia sẻ về sự kiện UNESCO chính thức công nhận Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 >> Hội Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

 
Giá trị quá rõ ràng ảnh 1

Ông Hiệu Cờ phất cờ biểu tượng cho trận đánh với rất nhiều hoa giấy mà người địa phương quan niệm là lộc Thánh ban có nhiều điều linh thiêng. Ảnh: Nguyễn Văn Huy

Theo ông, yếu tố nào khiến UNESCO công nhận Hội Gióng ở làng Phù Đổng và đền Sóc là văn hóa phi vật thể?

Tôi nghĩ hội Gióng được ghi nhận là di sản phi vật thể vì những giá trị đích thực của nó. Những giá trị này căn cứ các tiêu chí của UNESCO, liên quan rất nhiều đến giá trị văn hóa và những giá trị gắn liền với cộng đồng. Bản thân sức sống của các giá trị đó phải trường tồn và nằm bên trong cộng đồng. Ngoài ra, Hội Gióng có nhiều giá trị khác: Nhân văn, đạo đức, nghệ thuật…

PGS.TS. Nguyễn Văn Huy
PGS.TS. Nguyễn Văn Huy.

Đặc biệt Hội Gióng thể hiện một kịch bản dân gian rất tuyệt vời, ở đó nghệ thuật trình diễn với những lớp lang bài bản, sự ẩn dụ tinh tế của cha ông khiến nhiều đạo diễn chương trình thời nay sửng sốt.

Hồ sơ Hội Gióng trình UNESCO gặp phải khó khăn đặc biệt nào không, thưa ông?

Tất nhiên có khó khăn. Nhưng tôi hiểu đó chỉ là vấn đề mang tính kỹ thuật. Khi đề xuất hồ sơ Hội Gióng, những người làm di sản đều tin tưởng chắc chắn, bởi giá trị văn hóa phi vật thể, giá trị tinh thần của Hội Gióng đối với cộng đồng là quá rõ ràng.

Sự công nhận dành cho Hội Gióng có ý nghĩa đặc biệt thế nào?

Hiện nay chúng ta có bốn giá trị văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, sau này còn nhiều giá trị khác chờ được công nhận. Tôi còn nhớ bà Tổng giám đốc UNESCO phát biểu nhân dịp sang Việt Nam dự đại lễ, nhấn mạnh thái độ và trách nhiệm của nhà nước và cộng đồng đối với di sản.

Đó là bài học rất lớn khi Hội Gióng được công nhận. Nếu chúng ta tôn vinh quá lên hoặc không đúng mức mà không thấy được trách nhiệm, hoặc thấy được trách nhiệm nhưng phương pháp thực hiện không đúng, sẽ gây ra những hậu quả khôn lường với Hội Gióng.

Cụ thể thế nào, thưa ông?

Tôi tham gia Hội đồng thẩm định hồ sơ để trình Chính phủ và UNESCO, khi đó chúng tôi phát biểu: Sở dĩ Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc giữ được một cách khá nguyên vẹn yếu tố văn hóa cổ truyền, bởi hội này còn ít được chú ý, ít sự can thiệp của các cơ quan làm văn hóa, quản lý nhà nước.

Nếu chúng ta đưa vào những yếu tố, tư tưởng mới, nội dung mới mà không cân nhắc kỹ, dễ dẫn đến phá vỡ giá trị của Hội Gióng.

Khi hay tin Hội Gióng được công nhận, tôi vừa xúc động lại vừa lo lắng, chỉ sợ sự tôn vinh quá mức tầm quan trọng của nó sẽ dẫn đến hành động can thiệp quá thô bạo vào những nội dung đã được hoàn chỉnh của hội này.

Thời gian tới, những người làm di sản, như Ban Di sản văn hóa phi vật thể, có biện pháp gì bảo tồn Hội Gióng?

Một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định việc có công nhận hay không một di sản, đó chính là mục cam kết của nhà nước và cộng đồng, giới làm khoa học, bằng hệ thống các biện pháp cụ thể.

Trong hồ sơ Hội Gióng gửi đi có nhiều biện pháp, cốt lõi là làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng, tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy di sản. Việc trao quyền cho cộng đồng hết sức quan trọng. Tất nhiên trong cuộc sống hiện đại, Hội Gióng cũng có một số thay đổi.

Một số yếu tố cả truyền thống lẫn hiện đại xuất hiện trong Hội Gióng chưa tốt. Nay có thể mở lớp huấn luyện cho thanh niên tham gia luyện tập hội trận này, vừa hiểu được giá trị hội Gióng vừa có cách ứng xử văn hóa. Còn chuyện chưa vui khác: Không có nhiều xuất bản phẩm về hội Gióng, hoặc có vài cuốn nhưng chất lượng in kém, viết không hấp dẫn.

Đặc biệt, cũng không nên du lịch hóa Hội Gióng khi chưa nghiên cứu cẩn thận, triển khai bài bản, dễ phá vỡ giá trị truyền thống và sự tinh khiết của lễ hội tuyệt vời này. Chúng ta đã có bài học rất lớn về Hội Lim, không xa Hội Gióng bao xa về khoảng cách. Lặp lại những bài học sai lầm này sẽ làm Hội Gióng mất đi những giá trị đích thực của nó.

Cũng không nên chạy theo xu hướng quốc gia hóa, dân tộc hóa hội Gióng như một biểu tượng văn hóa của quốc gia hay khu vực mà hãy giữ nó như một di sản địa phương, một di sản văn hóa của một cộng đồng làng xã. Có vậy mới nuôi dưỡng được sức sống mãnh liệt và thành kính của di sản văn hóa trong cộng đồng.

Hồ sơ Hội Gióng

Gửi UNESCO ngày 31-8-2009, hồ sơ do Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam thực hiện, phối hợp Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, quận Long Biên cùng các cơ quan liên quan.

Tháng 4-2010: Hồ sơ Hội Gióng qua vòng một, cùng với 53 hồ sơ khác.

Tháng 6-2010: Ủy ban liên chính phủ quyết định loại 7 hồ sơ khỏi vòng đánh giá trong kỳ họp tại Nairobi từ 15 đến 19-11.

Ngày 16-11-2010: UNESCO chính thức công nhận Hội Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đợt công nhận 2010 của Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO vinh danh 46 hồ sơ. Tính đến thời điểm này, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là 212, trong đó có bốn di sản ở Việt Nam. 

MỚI - NÓNG