Giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc

Dù ai đi ngược về xuôi/nhớ ngày giỗ tổ mùng Mười tháng Ba Ảnh: Hồng Vĩnh
Dù ai đi ngược về xuôi/nhớ ngày giỗ tổ mùng Mười tháng Ba Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Sau khi hoàn tất hồ sơ Tín ngưỡng thờ Hùng Vương đệ trình lên UNESCO đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, các nhà nghiên cứu dồn sức cho hội thảo quốc tế ngày 13-4 tại trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ, khẳng định giá trị tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.

> Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương các Vua Hùng
> Vui làng Việt cổ nơi đất Tổ

Dù ai đi ngược về xuôi/nhớ ngày giỗ tổ mùng Mười tháng Ba Ảnh: Hồng Vĩnh
Dù ai đi ngược về xuôi/nhớ ngày giỗ tổ mùng Mười tháng Ba.
Ảnh: Hồng Vĩnh.

PGS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, một trong số thành viên xây dựng hồ sơ Tín ngưỡng thờ Hùng Vương nói: “Hội thảo quốc tế trước hết để khẳng định giá trị tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nói chung của người Việt. Tiếp đến là đi vào trường hợp cụ thể – tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, để khẳng định giá trị truyền thống mang tính chất cội rễ, đi đến khẳng định giá trị kết tinh của thờ cúng tổ tiên – thờ cúng các vị khai sáng dân tộc.

Hàn Quốc, Nhật Bản thờ cúng tổ tiên nhưng chỉ có ở hoàng gia, còn nước ta liên quan đến tiền nhân khai sáng ra nước Văn Lang”. Sinh hoạt tín ngưỡng này chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, đáp ứng đủ 5 tiêu chí, yêu cầu của UNESCO, ông nói.

Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Nguyễn Chí Bền nhận định: “Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng có ở nhiều dân tộc. Đó là câu chuyện của quá khứ. Câu chuyện đương đại là tín ngưỡng đó biến đổi thế nào. Cả hai câu chuyện đó đều phải được nhìn ở phương tiện giá trị lịch sử văn hóa, sự biến đổi của nó, bảo tồn và phát huy nó”.

Từ giữa năm 2010, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu kiểm kê di sản phi vật thể ở địa phương gắn với các di tích thờ tự, diễn trình xem cái gì còn, mất. Đi theo di tích là lễ hội, tập trung vào tín ngưỡng thờ tự thế nào, đồ thờ là gì, hình thức tế lễ ra sao...

So với kiểm kê lần đầu năm 1938 của Viện Viễn đông Bác Cổ, đợt kiểm kê năm 2010 cho thấy, một số di tích mất đi. Tục thờ cúng trong dân ít hơn do không có di sản vật thể. Có nơi, tục thờ cúng đứt quãng trong giai đoạn 1945-1975.

Một nhóm nhà nghiên cứu tìm hiểu thư tịch gắn với tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở trong và ngoài nước. Tìm trong thần phả, thần tích ở các địa phương, trong tư liệu kho sách các thư viện Hà Nội, đặc biệt là Viện Hán Nôm, Thư viện Khoa học Xã hội, các bảo tàng... Ngoài ra, còn có tư liệu của học giả trong nước, nước ngoài lưu trữ ở Pháp, Trung Quốc...

Các nhà nghiên cứu cho rằng, bảo tồn, phát huy tín ngưỡng thờ Hùng Vương đòi hỏi công sức mang tính tổng lực của toàn xã hội. Đó là chính sách, thiết chế văn hóa ở các cấp quản lý, tuyên truyền giáo dục trong phạm vi cộng đồng để trao truyền, bảo vệ giá trị, bên cạnh hỗ trợ về mặt vật chất để phục hồi, duy trì cơ sở tín ngưỡng, sinh hoạt lễ hội. Chưa kể phải nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản, quảng bá cả trong và ngoài nước về giá trị vật thể, phi vật thể gắn với tín ngưỡng thờ Hùng Vương.

Trước hội thảo Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại – nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam, ngày 12-4 (chính giỗ 10-3), các nhà khoa học, nghiên cứu về thăm làng Trẹo cách Đền Hùng 2km, nơi trình diễn gói bánh chưng, giã bánh dày.

Dân làng tái hiện trò diễn bách nghệ khôi hài, vốn diễn ra trong ngày hội làng rước vua về ăn tết vào 25 tháng Chạp. Các nhà khoa học xem phim tài liệu về tục thờ cúng Hùng Vương do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam thực hiện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.