Giá vé tinh thần

Giá vé tinh thần
TP - Lạm phát năm nay đang được khống chế dưới mức 18%. Mọi thứ đều tăng giá, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

> Tuấn Ngọc - Riêng một… chương trình ở Hà Nội

Duy giá vé xem biểu diễn ca nhạc thì chịu. Hai năm trước, giá vé vào Nhà hát Lớn thưởng thức chương trình Văn Cao hay Trịnh Công Sơn độ 1 triệu đồng trở xuống, nay làng nhàng mấy chương trình Valentine thôi đã 4 đến 5 triệu đồng/vé, đắt gấp 5 lần.

Để xem Chế Linh hát ở TPHCM năm ngoái, khán giả phải bỏ ra 9 triệu đồng/cặp vé. Nhưng mà bữa đó ca sỹ gốc Chăm trục trặc thủ tục không được hát. Nếu năm nay Chế Linh về đó hát, giá vé sẽ tăng cỡ nào?

Mới dăm tháng không vào nhà hát, mà tổng thư ký tòa soạn một tờ báo đã chưng hửng ngượng ngập quay xe về. Lương anh 12 triệu đồng, muốn khao vợ con một buổi tối âm nhạc ở Hà Nội nhưng nghĩ đi nghĩ lại, mất gần 8 triệu đồng cho một đêm (thực ra chỉ gần 3 tiếng đồng hồ) thì quả là tốc độ tiêu tiền kinh hãi.

Nghĩ lại, vì đắt chưa chắc đã xắt ra miếng, vào đó đôi khi người ta hát đớp hát nhép, đôi khi cố tình lộ hàng làm khổ mấy đứa trẻ con, đôi khi sân khấu sơ sài, đôi khi ca sỹ mình mến mộ mải chạy sô mất dép tắc đường không đến được.

Ôi có đôi khi...?Thế là cả nhà lên xe, bỏ xa thành phố bụi bặm chặt chém đến một nơi xanh tươi mát mẻ giá rẻ mà lại ngon.

Giá ở siêu thị, giá ở trung tâm thương mại, giá ở chợ cóc khó lường hơn nhưng cũng đang được cố gắng kiểm soát. Còn với nghệ thuật biểu diễn - một dạng thị trường - thì dường như bỏ lửng. Cơ sở nào để giá vé tăng 500%?

Phải chăng để đưa ca sỹ nhạy cảm vào nhà hát sang trọng, phá bỏ mọi tiền lệ, thì phải chi nhiều hơn cho nhà hát đó? Hay vì băng rôn, tờ rơi, pa nô quảng cáo tăng giá 100 lần? Phải mua vé máy bay cho ca sỹ từ nước ngoài về? Mặc cho ông bầu tính kiểu gì đi nữa, cái giá gấp 5 lần so với năm trước chỉ có thể giải thích bằng hai chữ: lòng tham.

Nhu cầu được giải trí ở những cung văn hóa, những nhà hát sang trọng luôn tồn tại trong mỗi người. Nhưng khi phải dùng khối lượng vật chất quá lớn để đáp ứng nhu cầu tinh thần thì nhu cầu tinh thần ấy không còn nữa.

Buổi thưởng thức nghệ thuật không còn là khoảng thời gian giải trí nữa. Mà chỉ còn lại gánh nặng trên vai mỗi người khi họ đang nghe hát xem múa thưởng nhạc, và đeo đẳng mãi hàng tuần hàng tháng sau khi họ đã rời nhà hát.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG