Giải Booker 2009: Nhà văn Nam Phi sẽ lập hatrick?

Giải Booker 2009: Nhà văn Nam Phi sẽ lập hatrick?
TP - Sáu nhà văn đã lọt vào vòng chung khảo Giải Booker, giải văn học uy tín nhất của Anh dành cho các nhà văn thuộc khối Thịnh vượng chung, trong đó có nhà văn Nam Phi kỳ cựu John Coetzee, người đã từng đoạt giải Nobel và hai lần đoạt giải Booker. Giải Booker 2009 sẽ được công bố vào ngày 6/10.
Giải Booker 2009: Nhà văn Nam Phi sẽ lập hatrick? ảnh 1
Nhà văn John Coetzee

Tác phẩm giúp John Coetzee được đề cử giải Booker lần thứ 3 là cuốn tiểu thuyết Summertime (Mùa hè). Đây là phần ba bộ tiểu sử tự thuật mà 2 phần trước là Boyhood (Thời thơ ấu) và Youth (Thời thanh niên).

Đáng chú ý là cả 2 cuốn BoyhoodYouth đều có nhan đề phụ Những cảnh đời tỉnh lẻ giống tên bộ tiểu thuyết của  đại văn hào Pháp Balzac.

Đặc biệt, trong danh sách chung khảo có ba nhà văn nữ – Antonia Byatt, Sarah Waters và Hilary Mantel. Antonia Byatt đã từng đoạt giải Booker năm 1990 nhờ cuốn tiểu thuyết Possession (Chiếm hữu). Đây là cuốn tiểu thuyết đã được dựng thành phim với ngôi sao điện ảnh Gwyneth Paltrow vào vai chính. Năm nay, Byatt được đề cử giải Booker nhờ cuốn tiểu thuyết The Children’s Book (Cuốn sách dành cho trẻ thơ). Hành động của cuốn tiểu thuyết này diễn ra trong những năm Thế chiến thứ Nhất, đúng vào thời kỳ xuất hiện những cuốn truyện thiếu nhi xuất sắc nhất của Anh trong thế kỷ XX như Peter Pan của James Barrie và The Wind in the Willows (Gió trong rặng liễu) của Kenneth Grahame.

Nhà văn nữ thứ hai - Sarah Waters - đã 2 lần được đề cử giải Booker nhưng chưa lần nào thành công. Lần này, bà lọt vào danh sách chung khảo nhờ cuốn tiểu thuyết The Little Stranger (Kẻ lạ mặt tí hon), cuốn sách bán chạy nhất ở Anh trong thời gian qua.

Theo nhận định của các nhà phân tích, giải Booker năm nay có một số điểm khác biệt quan trọng so với những năm trước. Thứ nhất, đa số tác giả lọt vào vòng chung khảo là những nhà văn nổi tiếng, không còn có sự “ưu tiên” đặc biệt cho các nhà văn trẻ. Thứ hai, không còn thấy sự “ưu tiên” quá mức cho các tác giả thuộc các quốc gia đã từng là thuộc địa của Anh. Nói cách khác, giải Booker năm nay đã thoát khỏi những yếu tố ngoài văn học và đây là tin mừng đối với những ai yêu mến giải văn học quốc tế giá trị này. 

Nhà văn nữ thứ ba được đề cử giải Booker 2009 - Hilary Mantel – là tác giả cuốn tiểu thuyết Wolf Hall (Wolf Hall là tên gọi trang trại của gia đình người vợ thứ ba của vua Henry VIII). Đây là cuốn tiểu thuyết kể về Thomas Cromwell, nhà chính khách nổi tiếng trong lịch sử nước Anh thế kỷ XVI. Sau khi công bố danh sách chung khảo, cuốn Wolf Hall đã ngay lập tức được dư luận Anh đặc biệt chú ý.

Trong danh sách chung khảo còn có một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Đó là cuốn The Glass Room (Căn phòng thủy tinh) của nhà văn Simon Mawer kể về một kiến trúc sư có tham vọng xây một tòa nhà bằng kính ở Tiệp Khắc trước khi Thế chiến thứ Hai bùng nổ.

Khép lại danh sách chung khảo là cuốn tiểu thuyết The Quickening Maze (Mê lộ sống động) của nhà thơ kiêm nhà nghiên cứu văn học Adam Foulds. Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết là nhà thơ Anh thế kỷ XIX John Clare, một nông dân đã khiến giới văn học London hồi đó phải sửng sốt vì tài năng xuất chúng của mình nhưng lại phải sống nhiều năm trong nhà thương điên. Mãi đến cuối thế kỷ XX, John Clare thực tế mới được phát hiện lại.

Vũ Việt 
(Theo Lenta.ru)

MỚI - NÓNG