Giai điệu Tự hào - Giờ mới “mổ bò”

Cẩm Vân với Bài ca không quên. Ảnh: Hoàng Hiển
Cẩm Vân với Bài ca không quên. Ảnh: Hoàng Hiển
TP - Trong chương trình Giai điệu Tự hào chủ đề Rừng cây đời người, sắp đặt của nghệ sĩ Đinh Công Đạt minh họa hai bài hát của Trần Tiến bị một số khách mời chê không thương tiếc. 

Anh cũng châm ngòi cho nhiều cuộc tranh luận nảy lửa về các tồn tại lịch sử của giai đoạn 1980.

Quả thực, sắp đặt của Đinh Công Đạt đơn giản chỉ là… sắp đặt. 30 chiếc xe lăn đứng ngay ngắn trên sân khấu, phía trên lủng lẳng chân giả và những cây nạng treo riêng hay thành từng chùm. Tất cả đều là đồ thật, mới - không chút gì tô vẽ, cách điệu. Sân khấu trở nên giống cửa hàng dành cho người khuyết tật.

Vì thế mà giai điệu Vết chân tròn trên cát Tùng Dương cất lên chẳng khác nào để… quảng cáo sản phẩm(!). Chưa hết, trong khi ca sĩ thả hồn vào bài hát, một bác thương binh cụt một chân cứ đứng sừng sững bên cạnh, một tay bám cây nạng, tay kia cây đàn guitar. Cái này có thể gọi là “nghệ thuật trình diễn”? Tất nhiên sau đó, MC Thu Nga có giới thiệu bác thương binh “tình nguyện” tham gia tiết mục. Cứ như thể đó không phải chủ ý của đạo diễn?

Đinh Công Đạt không tỏ ra phiền vì bị chê, anh chỉ hy vọng mọi người chia sẻ với suy nghĩ của mình. Những sắp xếp của anh gợi lên cảm giác mất mát, ghê sợ - một cảm giác gắn với chiến tranh, đặt bên cạnh mỹ cảm khác là một giọng hát, một giai điệu bay bổng. Sự công nhau giữa hai cảm xúc, hai loại hình nghệ thuật có lẽ là mục đích của người dàn dựng.

Bản thân Đinh Công Đạt cũng đưa ra những nhận định hết sức “đương đại” và trực diện. Đầu tiên anh nói đại ý, ai ca ngợi sự can đảm của các chiến sĩ ra trận thì anh không biết, anh thì chỉ thấy sợ khi mảnh đạn chiu chíu bay qua đầu… Cựu chiến binh Nguyễn Thụy Kha cũng chia sẻ cảm giác bản năng đó. Ông thêm: “Nhưng quan trọng là sau đó, chúng ta vẫn hát”.

Khi được hỏi về Một rừng cây, một đời người, nhạc sĩ Trần Tiến nói ông không muốn khen chê đồng nghiệp. Đinh Công Đạt phán luôn: “Tôi không đồng nghiệp nên tôi nói thẳng bài hát này không hay...”. Đinh Công Đạt cũng nói về cuộc sống khổ cực của những nữ thanh niên xung phong (TNXP) mà anh từng chứng kiến, nhưng không kể rõ vì “nếu kể ra sẽ thành bất nhẫn”.

Mỗi bài hát lại khơi nguồn cho một cuộc tranh luận về các vấn đề xã hội, lịch sử như thế. Số trước, nhiều nước mắt đã rơi với những giai điệu của thập kỷ 70 thế kỷ trước. Lần này ít hơn, nhưng tranh luận lại “nảy lửa” hơn. Đời sống âm nhạc những năm 1980 nổi bật bởi phong trào ca khúc chính trị. 

Đây cũng là thời kỳ manh nha khái niệm “nhạc nhẹ”. Ca khúc chính trị chính là những tìm tòi bước đầu trong phong cách nhạc nhẹ của các nhạc sĩ thời kỳ đó. Có lẽ chưa đủ thời gian để khẳng định chúng có phải những ca khúc đi cùng năm tháng hay không, nên một số bài nhận được bình chọn khá thấp.

Cứ như thể mọi người dồn phiếu cho bài cuối cùng. Lần đầu tiên một bài hát trong chương trình nhận 100% bình chọn (từ hội đồng cao tuổi) để xuất hiện trong liveshow tôn vinh cuối năm. Tỷ lệ bình chọn của hội đồng trẻ cũng gần ở mức tuyệt đối.

Đó là Bài ca không quên qua sự thể hiện của Cẩm Vân. Cũng có thể hiệu quả sân khấu làm tăng sức thuyết phục của bài hát. Mặc dù sự dàn dựng này khá mang dấu ấn Ea Sola. 

Đạo diễn cho 30 bà cụ từ Thuận Thành, Bắc Ninh đeo nón, đứng quay lưng về phía người xem. Khi bài hát đến đoạn cao trào, các bà quay lại, mỗi người cầm trên tay di ảnh của một liệt sĩ. Các khán giả trong trường quay cũng đứng dậy với hơn 300 chân dung liệt sĩ trên tay.

Cẩm Vân cứ nghĩ lần trình diễn Bài ca không quên này cũng như trăm ngàn lần đã qua nhưng rốt cuộc chị đã “nổi hết gai ốc”. Khi Cẩm Vân đang hát, ống kính cận cảnh một số gương mặt trẻ đã khóc.

MỚI - NÓNG