Giải hạn

Giải hạn
TP - Hai ô tô đấu đầu nhau, tình thế hai con dê qua cầu. Mất khoảng mười lăm phút nhích từng tí, may cuối cùng cũng thông đường. Sẽ dễ dàng hơn nếu một ngôi nhà trong ngõ chịu hé cửa cho đậu nhờ nửa bánh xe ở sân nhưng chủ nhà kiên quyết không cho.

Đó là cảnh ở con ngõ đường Xuân Thủy. Dân phố này và Cầu Giấy khốn đốn hai năm nay vì dự án giao thông. Mỗi khi có dự án làm đường làm sá thì y như rằng dân chúng ở đó xác định cuộc sống tạm bợ kéo dài, không biết sạch sẽ và yên tĩnh là gì. Sự khó thở, khó sống khiến con người ta khó mà giãn nở được với nhau dù chỉ chớp nhoáng.

Mùng 9, đến Viện Mắt phố Bà Triệu khám. Vắng tanh. PGS.TS Hà Huy Tài bác sĩ quen, nói: “Đầu năm đã có bệnh nhân đâu”. Cổng số 2, mấy bà nhao ra mời gửi xe máy 20.000 đồng trong khi giá của viện chỉ 5.000 đồng/chiếc. Hỏi cớ sao phải chém thế thì hằm hằm “Thích bảo đảm hay thích mất xe”. Mới đầu năm đã đãi nhau gương mặt đằng đằng sát khí. Ít hôm nữa bệnh nhân ngoại tỉnh đổ về, tha hồ bắt nạt người ta nhé.

Ở Phủ Tây Hồ, nghe nói bánh tôm “tẩm sâm” nên đĩa bánh lèo tèo bột mì ít bột nở nhiều, tôm bé như con tép cũng hô cái giá ngất ngư. Những món khác cũng thế, cứ gọi là “ăn vào đẻ ra hoàng tử” nên phải chặt đẹp. Hôm mùng 3 đi bộ phố sách Lê Thạch mỏi chân mới sà vào Thủy Tạ, thấy cuốn thực đơn cũ nhưng bảng giá viết nguệch ngoạc chắc mới dán vào để “cập nhật” giá tết. Phong cách phục vụ vẫn kiểu mậu dịch như từng viết trong bài “Bờ Hồ 6 giờ sáng”, mấy chục năm một vẻ tỉnh queo, không biết nở nụ cười là gì. Thơ Phan Khôi: “Nắng được thì cứ nắng”. Còn kim chỉ nam của người Việt chúng ta ở các lễ hội, lễ tết là “chém được thì cứ chém”, luộc được con gà nào cứ phải luộc vội.

Ngày cuối đợt nghỉ tết, cổng ngõ Hà Nội, Sài Gòn cuồn cuộn dòng người, trông lầm lụi như ít ngày trước đó vừa nhao nhác xao xác ở các bến tàu bến xe. Một xã hội phúc lợi thấp, thất nghiệp cao, người dân phải tự bơi các kiểu, mạnh ai nấy sống cho nên vẫn phải lấy “no ba ngày tết ấm ba tháng hè” làm trọng, sau đó mới tính tiếp chuyện khác. 

Hạn của chúng ta là cái hạn của thiếu thốn kéo dài, của lối sống lối suy nghĩ “khôn ngắn chắn đường dài” chứ đâu do tuổi tác hay thế lực siêu nhiên, để rồi chỉ cần bỏ vài trăm ngàn là hy vọng triệt tiêu vận đen của La hầu, Kế đô, Thái bạch như cảnh tượng ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội) những ngày này.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.