Giải mã Tam quốc: Hợp Phì chi chiến – Bố cục của Trọng Mưu

Tạo hình nhân vật Tôn Quyền trong phim Tam Quốc Diễn Nghĩa (2010)
Tạo hình nhân vật Tôn Quyền trong phim Tam Quốc Diễn Nghĩa (2010)
TPO - Thời cơ, có khi do người khác mang tới, cũng có khi phải do tự mình tạo ra. Tôn Quyền đem sở trị dời về Kiến Nghiệp, dựng căn cứ ở Nhu Tu Khẩu, hướng tầm mắt về Hoài Nam, việc này không thể qua mắt Tào Tháo. Cùng Tháo giao chiến đã mấy lần, Quyền tất biết rõ điều này. Chỉ là, Tôn Quyền đã nắm bắt được một cơ hội tuyệt hảo…

“Tiên nhân chỉ lộ” hay phép thử của Tôn Ngô

Kiến An năm thứ mười chín (Công nguyên năm 213), một cơ hội tuyệt hảo đã mở ra đối với Tôn Quyền khi Lưu Bị chiếm cứ được Ích Châu, khiến Tào Tháo sau nhiều lần nam chinh bất thành đã chuyển dời tầm mắt về Hán Trung. Tháng năm, Quyền đích thân đánh huyện Hoàn (phần huyện Hoàn nằm trên đất Ngụy), bề ngoài là chiếm lấy ruộng đất màu mỡ của Hoàn huyện, ngăn Lư Giang phồn hoa trở lại khiến Ngụy mạnh lên[1]; ý đồ thực sự là để thăm dò Tào Tháo. Bởi thế, trong khi chư tướng đều khuyên “đắp núi đất, làm thêm khí giới đánh thành” thì Lữ Mông chủ trương “dùng cái nhuệ khí của ba quân, bốn bề cùng tấn công”, hạ được thành trước khi viện quân đến[1]. Sai lầm trong việc di dân trước đó của Tào Tháo khiến “từ Hợp Phì xuôi nam chỉ còn Hoàn Thành” làm thế ỷ giốc[2]. Nay Hoàn Thành không còn, Hợp Phì trở thành một tòa cô thành, tuyệt sẽ không thể kiên trì được trong trận chiến trường kỳ tiêu hao. Nếu Tháo vẫn trông chừng Quyền, tất không thể để yên, nhưng lần này Quyền đã cược trúng: “Trương Liêu đến Giáp Thạch, nghe nói thành đã bị hạ, bèn lui”[1]. Tháng bảy cùng năm Tào Tháo đến Hợp Phì tiến đánh Tôn Quyền không được, tháng mười bèn vô công trở về.

Giải mã Tam quốc: Hợp Phì chi chiến – Bố cục của Trọng Mưu ảnh 1 Hợp Phì trước khi Tôn Quyền đánh Hoàn Thành (Thư huyện là trị sở Lư Giang quận thuộc phần đất Ngụy, Hoàn huyện là trị sở Lư Giang quận thuộc phần đất Ngô)
“Mưu trong mưu” của Tôn Trọng Mưu

Nắm được thời cơ hiếm có, hành động đầu tiên của Quyền là giành lấy Kinh Châu từ tay Lưu Bị. Ngô chủ truyện kể Quyền “bố trí đặt đặt trưởng lại ở ba quận phía nam, Quan Vũ liền đuổi hết bọn ấy. Quyền cả giận, bèn phái Lã Mông đốc xuất bọn Tiên Vu Đan, Từ Trung, Tôn Quy đem hai vạn binh đánh lấy ba quận Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, sai Lỗ Túc đem một vạn người đóng ở Ba Khâu để ngăn Quan Vũ. Quyền trú ở Lục Khẩu, để điều phối chư quân”. Kết quả là Lã Mông chiếm được cả ba quận. Lưu Bị dẫn quân về Công An, sai “Quan Vũ đem ba vạn binh đến Ích Dương, Quyền bèn triệu bọn Mông quay về hỗ trợ Túc”. “Còn chưa giao chiến, vừa gặp lúc Tào công xâm nhập Hán Trung, Bị sợ mất Ích Châu, sai sứ cầu hòa”[2].

Nhìn lại toàn bộ quá trình, Tôn Quyền không thật sự muốn xung đột quy mô lớn với Lưu Bị. Nếu Quyền thật sự muốn đoạt lấy Kinh Châu trên tay Lưu Bị, đây cũng chính là thời cơ tốt nhất từ trước đến thời điểm này. Lưu Bị vừa lấy được Ích Châu, lòng người chưa định, Tào Tháo lại đang nhìn vào Hán Trung, không tranh thủ lúc này thì đợi đến bao giờ? Nhưng Quyền lại cố ý đánh động Lưu Bị bằng cách cho người sang đòi lại Kinh Châu, lại cho trưởng quan sang ba quận chọc giận Vũ rồi mới phái Lữ Mông tập kích ba quận. Rõ ràng Quyền đang đợi cho Lưu Bị đủ thời gian trở về Công An.

Vì sao lại như vậy?

Câu trả lời không quá khó để nhận ra. Tháo đánh Hán Trung, Quyền tập kích Kinh Châu, Lưu Bị sẽ rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch. Nhưng cho dù Đông Ngô có được Kinh Châu mà Thục bị diệt, thế cân bằng tam quốc bị phá vỡ thì có ích gì? Đông Ngô làm sao chống được nước Ngụy đã nắm trong tay tám phần thiên hạ. Cho nên đoạt lấy Kinh Châu tại thời điểm này tuyệt đối là hạ sách. Trong đại thế tam quốc phân tranh, sách lược hợp lí luôn là hai yếu kháng một mạnh. Thượng sách khi đó là đẩy chiến trường về phía Thục còn Ngô nhân cơ hội mà tiến về phương Bắc.

Tôn Quyền vì chiếm được tiên cơ đã đặt Lưu Bị vào tình thế không thể không nhường ba quận Trường Sa, Giang Hạ, Quế Dương. Mặt khác, tin tức Tôn, Lưu hai phe xung đột một khi truyền đến tai Tào Tháo sẽ khiến Tháo bớt đề phòng ở Hợp Phì mà tập trung vào chiến trường phía tây, đó chính là tiện tay mà đẩy chiến trường về phe Thục. Đợi cho Tháo nhận được tin tức lần nữa, Tôn Quyền đã dẫn đại quân đến dưới Hợp Phì. Trong bố cục này, Đông Ngô nắm hết thiên thời, địa lợi, nhân hòa, đoạt hết tiên cơ, trăm lợi mà không một hại nào. Tháo bình xong Trương Lỗ liền có ý quay về, phải chăng là đã nhận ra bố cục của Quyền?
 
Nhưng dù có nhận ra đi chăng nữa thì vẫn không ảnh hưởng gì đến bước tiếp theo của Trọng Mưu. Sau khi Tôn, Lưu hòa hiếu trở lại, tháng tám năm Kiến An thứ hai mươi (214), Quyền từ Lục Khẩu lui về lập tức tiến đánh Hợp Phì. Chỉ khi đặt bước cuối cùng này trong bức tranh toàn cảnh ta mới thấy được mưu tính sâu xa, “mưu ở trong mưu” của nước cờ này.

Đầu tiên, Tôn Quyền xây dựng Kiến Nghiệp thành chỗ dựa vững chắc cho căn cứ Nhu Tu Khẩu, đẩy chiến trường về phía Giang Bắc. Sau đó liên tục quấy phá, cướp dân rồi cuối cùng là đánh chiếm Hoàn Thành, biến Hợp Phì trở thành một cứ điểm cô độc rồi chỉ chờ đến thời cơ thích hợp là ra tay đoạt lấy. Rất nhanh thời cơ ấy đã tới. Tào Tháo đánh Hán Trung, Quyền vờ gây hấn với Lưu Bị đòi Kinh Châu, nhất tiễn hạ song điêu. Một là nghi binh để Tào Tháo lơi lỏng Hợp Phì, đẩy chiến trường về phía Thục. Hai là tiện tay dắt dê, đoạt lấy ba quận Kinh nam.

hứ hai là lúc này Tào Tháo ở Hán Trung xa xôi, vô pháp chi viện cho Hợp Phì. Thứ ba là nếu viện binh các nơi kéo về Hoài Nam, như lời Thứ sử Dương Châu là Ôn Khôi nói, Tào Nhân đóng ở Phàn Thành “quân cô, không có phòng bị từ xa. Quan Vũ kiêu dũng tinh nhuệ, thừa lợi mà tiến, tất thành mối họa”[3](*).

Quả thật nếu quân đội các châu về Hợp Phì cứu viện, Quan Vũ khó lòng bỏ qua cơ hội tốt như vậy. Quyền không đòi Giang Lăng, lại hòa hiếu với Thục cũng vì lẽ đó. Lúc này quân Ngụy lại phải quay ngược về cứu viện Tào Nhân, phòng tuyến quân Tào sẽ hoàn toàn vỡ nát. Tào Tháo trước khi đi đã dặn bọn Liêu, Tiến rằng Ôn Khôi “thấu tỏ việc quân, có động tĩnh gì phải cùng nhau thương nghị”[3], Khôi lại thân với Thứ sử Duyện Châu là Bùi Tiềm, đủ thấy lời Khôi có giá trị rất lớn. Quân Ngụy rơi vào tình huống khó xử, có lòng mà chẳng thể ứng cứu, Tôn Quyền thong thả vây công Hợp Phì. Đây mới là chân chân chính chính mưu đồ của Trọng Mưu.

Chiến dịch Hợp Phì năm Kiến An thứ hai mươi, bất luận là từ khâu sắp đặt, chuẩn bị hay bố cục đều vô cùng hoàn mỹ. Quân Ngô rầm rộ tiến về Hợp Phì nhưng lại không thành công như mong đợi. Điều gì đã cản bước chân của kẻ kiêu hùng như Tôn Quyền? Sự thật lịch sử là gì?

(Còn tiếp)
 ...................................................
Chú thích và tham khảo:
Tam Quốc Chí (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính).
[1]: Tam Quốc Chí – Lã Mông truyện.
[2]: Tam Quốc Chí – Ngô chủ truyện.
[3]: Tam Quốc Chí – Ôn Khôi truyện.
(*): Lời này được viết là Ôn Khôi nói vào năm Kiến An thứ hai mươi bốn, lúc Tôn Quyền công Hợp Phì. Nhưng khảo sát Ngô chủ truyện, Vũ Đế Kỷ và Lã Mông truyện thì không thấy có việc Tôn Quyền đánh Hợp Phì, ngờ rằng người chép sử nhầm lẫn, cố gán ghép sự kiện với nhau.
MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.