Giải Mao Thuẫn: Bất ngờ lớn vào phút chót!

Giải Mao Thuẫn: Bất ngờ lớn vào phút chót!
Giải thưởng văn học Mao Thuẫn lần thứ 6 vừa được công bố. Các tác phẩm “Trương Cư Chính” của Hùng Chiêu Chính, “Vô Tự” của Trương Khiết, “Bầu trời lịch sử” của Từ Quý Tường, “Thời đại anh hùng” của Liễu Kiến Vĩ,  “Đông Tàng Ký” của Tông Bộc đã đoạt giải.

Trong đó Trương Khiết là nhà văn đã lần thứ hai có được vinh dự to lớn này, lần trước bà đã đoạt giải thưởng văn học Mao Thuẫn với tác phẩm “Đôi cánh nặng trĩu”.

Theo  người phụ trách hội đồng giải thưởng văn học Mao Thuẫn lần thứ 6, thì công việc bình xét đã trải qua hơn một năm tuân thủ nghiêm ngặt  “Điều lệ giải thưởng (bản sửa đổi)”. Đối tượng là  các cuốn tiểu thuyết được xuất bản ở đại lục từ 1999-2004, tổng cộng  155 bộ tiểu thuyết. Qua thư mục đề cử của tổ sơ thẩm, sau khi tổng hợp ý kiến của các giới trong xã hội,  hội đồng chung thẩm bỏ phiếu kín, chọn được 5 bộ tiểu thuyết đoạt giải.

Giải thưởng văn học Mao Thuẫn được Hội Nhà văn TQ lập ra từ năm 1982, theo di nguyện sinh thời của nhà văn trứ danh Mao Thuẫn,  nhằm khích lệ cho những sáng tác tiểu thuyết ưu tú, cứ 4 năm lại xét tuyển một lần, đó là một trong các giải thưởng văn học lớn có vinh dự cao nhất của giới văn học TQ.

Theo quy định của “Điều lệ”,  tác phẩm phải được không dưới 2/3 số phiếu bầu của các ủy viên ban chung thẩm mới có thể đoạt giải. Về cơ bản, những tác phẩm đoạt giải thưởng lần này tiêu biểu cho tiểu thuyết trong niên độ xét thưởng, thể hiện sự quan tâm của văn học đối với hiện thực xã hội, đã phản ánh được bộ mặt tinh thần của thời đại và những nỗ lực không ngừng tiến lên trên con đường sáng tạo.

Ở vòng sơ tuyển, tác phẩm “Đàn Hương Hình” của Mạc Ngôn đã nhận được số phiếu bầu tuyệt đối để cùng với 25 bộ tiểu thuyết khác bước vào vòng trong, nhưng điều bất ngờ là nó đã bị loại do chỉ được xếp thứ 8 ở vòng sau!

Nói về “Đàn Hương Hình”, ông Trương Quýnh, người phụ trách ban chung khảo cho rằng, trong “Đàn Hương Hình” Mạc Ngôn đã thể hiện sự tìm tòi mới về thể văn và rất giàu trí tưởng tượng, nhưng dù là trong hay ngoài giới văn học thì “Đàn Hương Hình” vẫn là một tác phẩm mang nhiều tranh nghị. Trong mảng tiểu thuyết lịch sử lần này, tôi cho rằng nội hàm văn học của nó không bằng được “Trương Cư Chính”.

Hôm qua (11/4), lúc nhận được điện thoại của phóng viên thì Mạc Ngôn vẫn chưa được biết giải thưởng văn học Mao Thuẫn đã có kết quả. Khi nghe tin “Đàn Hương Hình” bị rớt, ông đã cười và nói: “đó là điều rất bình thường”. Ông cho biết chưa được đọc “Trương Cư Chính” và cũng không quen biết nhà văn Hùng Chiêu Chính, “Nhưng tôi xin được chúc mừng ông ta”.

Lễ trao giải thưởng sẽ được Hội Nhà văn TQ tổ chức vào tháng 6 năm nay tại quê hương nhà văn Mao Thuẫn - Ô Trấn tỉnh Triết Giang.

Dưới đây xin tóm tắt nội dung chính và lời điểm bình đối với các tác phẩm được giải.

Trương Cư Chính”: Trương Cư Chính, một nhân vật lưu danh sử sách do

Giải Mao Thuẫn: Bất ngờ lớn vào phút chót! ảnh 1
Nhà văn Hùng Chiêu Chính - người đứng đầu giải Văn học Mao Thuẫn lần thứ 6

những công trạng cải cách mạnh mẽ vào đời Vạn Lịch nhà Minh. Ông đã chỉnh đốn nền cai trị, chấn chỉnh nền giáo dục, cách tân ngành khuế khóa, làm cho thời kỳ Vạn Lịch trở thành thời đại giàu mạnh bậc nhất của vương triều nhà Minh. Nhưng bi kịch của ông là, sau khi đã cúc cung tận tụy cho quốc gia, ông lại gặp phải sự thanh trừng tàn khốc, đưa tới những tai họa to lớn cho người nhà, bạn bè và các đồng đạo của ông.

Lời điểm bình: Tác phẩm 1,5 triệu chữ này dày tới 4 tập, mà khi đọc, ta không hề có chút nào là cảm giác lê thê, ta cảm nhận được sự thông tuệ đối với những điển chương chế độ cổ đại như hệ thống quan lại v.v, mức thuần thục trong công phu ngôn ngữ, cuộc sống xã hội trào dâng bi tráng dưới ngòi bút ông, luôn làm chúng ta phải thán phục ngợi khen.

Vô Tự”: Với chủ tuyến là kinh lịch đời người của nữ nhà văn Ngô Vi, kể những câu chuyện hôn nhân của bà và mấy thế hệ phụ nữ trong gia tộc bà, tiểu thuyết đã mô tả số phận những cuộc đời lận đận đủ màu trong các cuộc biến động lớn, biến cải lớn của xã hội, trưng hiện ra những sóng gió thời đại trong gần trăm năm của TQ, đã ghi lại và thẩm xét một cách độc đáo đối với một đất nước TQ ở thế kỷ 20, mô tả về một thời đại không thể kể hết nổi.

Lời điểm bình: Thông qua con người bình thường và sự việc nhỏ vặt để phản ánh sóng gió thời đại, số phận 3 người đàn bà làm chủ tuyến, nhưng lại với một bối cảnh hết sức rộng lớn, để đi sâu vào những suy ngẫm về lịch sử, hết sức cảm động, có thể gọi nó là bộ sử thi về sự sống mang tính thế kỷ.

Bầu Trời Lịch Sử”: Chạy thoát khỏi sự truy sát của quân Nhật, mấy người thanh niên cực khổ đã chia tay trước sự chọn lựa đối với tương lai. Người đi tìm Bát Lộ quân thì lại gặp phải Quốc Dân đảng, kẻ đầu quân Quốc Dân đảng thì lại lao vào lòng Bát Lộ quân. Từ đó họ đã có được một khúc sử thi chiến tranh, có được những câu chuyện tình và những ân oán đời người đầy ly kỳ mờ ảo.

Lời điểm bình: Hội tụ ánh mắt vào quá trình trưởng thành đầy phức tạp khúc triết của con người trong chiến tranh, tóm bắt lấy sự va đập kịch liệt và những biến đổi tinh tế giữa các mối quan hệ của chiến tranh và chính trị, làm cho cái hình ảnh nhân vật “Lương Đại Nha” đầy đặn máu thịt ấy được nổi trội bật ra từ trong các mạng quan hệ zích zắc phức tạp đầy mờ ảo.

Thời Đại Anh Hùng”: Một anh con ông cháu cha điển hình, nhưng lại là kiểu người hùng khác loại của thần thoại thương mại, tiết tháo đạo đức và định hướng thang giá trị của anh ta làm người ta nghi ngờ, có những lúc nào đấy anh ta có thể không màng đến các lợi ích cá nhân, nhưng lại cũng phớt lờ và miệt thị cả các lợi ích của người khác, thậm chí là không từ thủ đoạn để mưu cho lợi ích bản thân. Không hẳn anh ta đã là kẻ không có quan niệm quốc gia, anh ta có tư duy độc đáo của mình đối với rất nhiều khốn hoặc trong cái thời đại ngày nay của chúng ta.

Lời điểm bình: Đã khắc họa được một cách chân thật, sâu sắc cái tính phong phú, tính phức tạp của đời sống đô thị miền tây TQ, nhưng cái có sức nặng hơn, là đã nắm bắt và vạch ra được một số đặc trưng bản chất nào đấy rất rõ nét trong thời đại của chúng ta.

Đông Tàng Ký”: Tiểu thuyết viết về cuộc sống trong tình cảnh đất mất nhà tan, đầy biến động bất định của gia đình giáo sư Mạnh Phật Chi cùng với thầy trò trường đại học Minh Luân, sau khi phải chạy giặc Nhật sơ tán xuống thành phố Côn Minh tận biên thùy tây nam, đã thể hiện thái độ nhân sinh, tiết tháo nhân cách và sự lựa chọn giá trị sống của giới tri thức cùng lớp sinh viên trẻ thời đó.

Lời điểm bình: Rất nhiều số phận cùng những thế thái nhân tình, được chậm rãi triển khai trong các tình cảnh và chi tiết dường như là rất đời thường ấy, mà ẩn phục một bố cục bàng bạc đại khí. Tiểu thuyết đã nêu bật sự tôn nghiêm của người trí thức cao cấp, hiển hiện đích thực cái cao nhã chân chính chứ không phải lối ngung nguẩy giả dối của bọn quý tộc rởm.

MỚI - NÓNG