Giải Nhì piano quốc tế và trải nghiệm âm nhạc Alkan

Nguyễn Đức Anh tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Nguyễn Đức Anh tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
TP - Nguyễn Đức Anh, sinh viên năm cuối hệ đại học Học viện Âm nhạc Freiburg- CHLB Đức vừa giành giải Nhì (không có giải Nhất) tại cuộc thi piano quốc tế mang tên Alkan-Zimmerman tổ chức tại Athen, Hy Lạp 6-9/5.

Đồng giải Nhì với Đức Anh là nghệ sĩ Italia Alessandro Marino, giải ba thuộc về Melina Karagianni người Hy Lạp theo học tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh.

Nguyễn Đức Anh là người đầu tiên đưa tên tuổi Alkan về Việt Nam khi đầu năm 2014 nghệ sĩ trẻ này (sinh 1991) tham gia hai chương trình tại Hà Nội. Đức Anh sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, ông nội là cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc - một trong những nhạc sĩ thời kỳ đầu tân nhạc, tác giả Lời du tử, Tiếng đàn bầu...

Bố là nhà chỉ huy Nguyễn Hòa Bình - giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, sáng tác với bút danh Nguyễn Việt Bình (một trong những sáng tác là Giã bạn đêm trăng). Ngay khi Nguyễn Đức Anh trở về từ cuộc thi, PV đã có cuộc trò chuyện.

Vì sao Đức Anh tham gia cuộc thi về một tác giả ít được biết đến? Và có gặp khó gì không?

Alkan là tác giả đặc biệt, tác phẩm của ông chưa được biết đến nhiều nên việc thi của em chủ yếu do ngưỡng mộ, với suy nghĩ sẽ chứng minh phần nào giá trị của ông. Khó khăn thì nhiều. Alkan rất nổi tiếng là một pianist đại tài ở thời của ông. Nên sáng tác cho piano của ông cũng đặc biệt khó. Em cần thêm thời gian để làm chủ phần kỹ thuật, sau đó ý đồ xử lý tác phẩm sẽ phần nào rõ ràng hơn.

Trước khi thi, Đức Anh có nghĩ sẽ đoạt giải cao?

Mục tiêu của em là vào chung kết để có thể được chơi tác phẩm Grand Sonate Op.33. Hai vòng trước cũng có những tác phẩm bắt buộc của Alkan nhưng tác phẩm này nằm trong yêu cầu ở vòng chung kết. Em thi với tinh thần hết mình vì tác giả. Hoàn thành mục tiêu là mãn nguyện lắm rồi.

Vì sao lại muốn thể hiện “Grand Sonate Op.33”, nó có gì đặc biệt?

Em nhận ra sự khác biệt trong tác phẩm này dù nó chưa được biết đến nhiều. Nhận thấy vẻ đẹp của nó, em chỉ mong được trình bày điều mình khai phá và mong muốn người nghe sẽ thích.

Ai là người ảnh hưởng nhất đến Đức Anh?

Bố và mẹ ảnh hưởng nhất. Còn những người định hướng, thay đổi suy nghĩ trong từng giai đoạn thì nhiều. Em thích khám phá và hướng đến những thứ hoàn thiện nên khá hay thay đổi, mỗi lúc như thế lại có người định hướng cho.

Ông nội Nguyễn Đình Phúc là một trong những người có ảnh hưởng đối với nền tân nhạc VN, còn với Đức Anh thế nào?

Ông mất khi em còn nhỏ quá, 8 tuổi. Và em thực ra không thích học nhạc từ nhỏ nên ảnh hưởng của ông với em không nhiều. Đến năm 16 tuổi em mới bắt đầu tìm nghe bản nhạc cổ điển đầu tiên.

Sau đây Đức Anh dự định tiếp tục thế nào với âm nhạc Alkan hoặc những dự định khác?

Theo đà, và lại được sự tin tưởng của nhiều giáo sư, nghệ sĩ bậc thầy trong hội đồng thẩm định từ cuộc thi, chắc chắn em sẽ tiếp tục đào sâu những tác phẩm xứng đáng của Alkan.

Song song, em cũng muốn tự cải thiện thêm, bởi với tác phẩm của Alkan em thấy mình chơi vẫn chưa hoàn thiện, cần bổ trợ thêm nữa trước khi có thể thật sự nghiêm túc với tác phẩm của ông. Bây giờ vẫn chỉ là trải nghiệm thôi.

Ở thời đại của mình, Charles Valentin Alkan (1813 - 1888) là nghệ sĩ vĩ đại được so sánh với Frédéric Chopin và Franz Liszt. Còn Pierre Joseph Guillaume Zimmerman (1785-1853) giảng dạy tại Nhạc viện Paris là thầy của các thiên tài âm nhạc Georges Bizet, César Franck, Ambroise Thomas, Alkan.

Mặc dù tác phẩm Alkan để lại là di sản quý nhưng ông được mệnh danh là thiên tài bị lãng quên hay nhà soạn nhạc ở ẩn- khác với người bạn thân thiết Chopin.

Gần đây, nhiều tài năng piano không ngừng nỗ lực trả lại vị trí xứng đáng cho Alkan. Cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên hai thầy trò là một trong những hoạt động đó.

MỚI - NÓNG