Giải thưởng văn chương - Quy chế và tác phẩm

Giải thưởng văn chương - Quy chế và tác phẩm
TPCN - Khi đọc danh sách tác giả có tác phẩm, công trình đủ điều kiện đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2005 tôi cứ thấy áy náy với trường hợp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Giải thưởng văn chương - Quy chế và tác phẩm ảnh 1
Nhà phê bình Nguyễn Hòa

Tôi tự hỏi với Nối vòng tay lớn, Huyền thoại Mẹ, Nhớ mùa thu Hà Nội…, với biết bao nhiêu lời ngợi ca trên báo chí, với bao nhiêu đêm nhạc Trịnh Công Sơn được tổ chức trong Nam ngoài Bắc, với một con người đã tự mình làm nên khái niệm “nhạc Trịnh”… mà vẫn chưa hội đủ các điều kiện cần thiết hay sao?

Tương tự như thế, tôi nghĩ Trần Mai Ninh (Nguyễn Thường Khanh)- con người mà cuộc đời cùng tác phẩm đã ghi dấu ấn đậm nét trong văn chương Việt Nam thời kỳ 1945 - 1954, cũng là một trường hợp không thể bỏ qua.

Một nhà thơ với Nhớ máuTình sông núi, một nhà thơ đã hy sinh trong hoàn cảnh cực kỳ bi tráng, một nhà thơ mà tác phẩm đã được giảng dạy trong nhà trường… chẳng nhẽ cũng lại chưa “đủ điều kiện”?

Ngày còn nhỏ, tôi học cùng lớp với Băng Kha - con gái của nhà thơ Trần Dần. Mấy tháng trước, nghe tin Hội Nhà văn đề cử nhà thơ Trần Dần dự xét Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, tôi gọi điện báo ngay cho bạn.

Nửa tháng sau, Băng Kha gọi lại và kể rằng: hôm trước cả rất nhà vui nhưng chưa tin, chỉ tới khi nhận thông báo làm hồ sơ thì cả nhà… mới tin!

Thế đấy, đôi khi không chỉ với người đã mất, ngay cả thân nhân của họ, câu chuyện văn chương đâu phải là điều dễ nguôi ngoai. Đến lúc này, sự hiện diện của Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Lê Đạt trong danh sách xét tặng giải thưởng đã đưa tới ấn tượng về sự cởi mở, về một quan niệm khách quan đối với cống hiến của các nhà văn nhà thơ, đặc biệt là góp phần giải tỏa một số vấn đề trong lịch sử văn học.

Trong Quyết định Ban hành Quy định tạm thời về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự và thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2005 do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm ký ngày 4/7/2005 có hai tiêu chí rất cụ thể:

“Tác phẩm, công trình về văn học nghệ thuật được công bố và sử dụng tại Việt Nam từ ngày 2/9/1945 đến nay” và “tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình được giải thưởng của các liên hoan nghệ thuật quốc gia, quốc tế và các Hội Văn học - Nghệ thuật chuyên ngành trung ương” hoặc “tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình được tặng giải thưởng của các liên hoan nghệ thuật quốc gia, quốc tế và các Hội Văn học - Nghệ thuật chuyên ngành trung ương”.

Như vậy theo quy chế, trong 145 tác phẩm được đề nghị xét tặng giải thưởng lần này đã có 7 tác phẩm (Bức tranh quê, Ngậm ngải tìm trầm, Quê mẹ, Chân trời cũ, Quê ngoại, Sau ánh sáng, Bóng người trên gác…) xuất bản trước năm 1945, và quá nửa số tác phẩm chưa được trao bất kỳ một giải thưởng, tặng thưởng nào của các liên hoan nghệ thuật quốc gia, quốc tế và các Hội Văn học - Nghệ thuật chuyên ngành trung ương.

Tất nhiên, không thể đòi hỏi tác phẩm phải có giải thưởng, tặng thưởng khi chúng ta chưa tổ chức các liên hoan nghệ thuật, chưa tham gia các liên hoan nghệ thuật quốc tế và các hội chuyên ngành trung ương chưa tổ chức trao giải thưởng, tặng thưởng, song khi các hoạt động đó đã chính thức được tổ chức thì liệu đây có phải là yêu cầu bắt buộc với các tác phẩm ra đời cùng thời gian?

Là người ham đọc sách tôi muốn được bày tỏ lòng kính trọng với những ai đã đọc hết 145 tác phẩm và công trình văn học - nghệ thuật để rồi khẳng định các phẩm chất có thể trao tặng những giải thưởng lớn nhất của Nhà nước Việt Nam.

Vẫn biết là khó có cơ hội, song tôi vẫn muốn được giãi bày một ý nguyện nhỏ nhoi rằng vào một ngày đẹp trời nào đó, sẽ có may mắn được tiếp xúc với các văn bản nhận xét và đánh giá theo quy định:

“Mỗi thành viên Hội đồng Giải thưởng có trách nhiệm nghiên cứu, nhận xét và đánh giá hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng tác phẩm, công trình bằng văn bản”, vừa để được sáng tỏ, vừa giúp tôi tự thấy các đánh giá của mình là chủ quan, hời hợt.

Còn nếu họ chưa đọc hết, và cũng không bao giờ tôi có may mắn được tiếp xúc với các văn bản kia thì liệu có thể đặt câu hỏi: Phải chăng sự có mặt của 7 tác phẩm xuất bản trước 2/9/1945 và quá nửa số tác phẩm chưa được trao giải thưởng, tặng thưởng có mặt trong danh sách là do được “đặc cách”, do người bỏ phiếu không đọc quy chế, hay họ bỏ phiếu theo nguyên tắc… không cần quy chế?!

Việc thành - bại trong văn chương xưa nay dường như là việc rất “phi logic”, không tuân thủ bất kỳ một ý muốn chủ quan nào. Và sự đồng thuận trong đánh giá thường chỉ rơi vào các tác phẩm thật sự có chất lượng tư tưởng - nghệ thuật cao, thật sự đã tự tạo dựng nên một cuộc sống riêng trong sinh hoạt tinh thần của xã hội.

Điều trớ trêu còn ở chỗ, trong khi có tác giả cả đời cặm cụi viết văn làm thơ mà không để lại chút gì đó trong trí nhớ của người đọc cùng thời, thì có người như chỉ “tạt qua làng văn” song lại đạt được cái mà người khác không dễ có.

Thấy tôi thắc mắc tại sao đến lần này Thanh Tịnh mới được xét tặng giải thưởng, một anh bạn bảo tôi: “Sự nghiệp của Thanh Tịnh không đồ sộ!”.

Tôi hỏi lại: “Vậy ở nước Nam này có được bao nhiêu thi sĩ mà thơ ca của họ đã sống trong lòng công chúng, đến mức nhiều khi sử dụng rồi mà người ta vẫn không biết tên tuổi của tác giả, như với nhà thơ Thanh Tịnh chẳng hạn?”.

Chúng ta vẫn nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu - Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, “Hà Nội, Huế, Sài Gòn - Là cây một gốc, là con một nhà”… nhưng liệu mấy ai biết đó là sản phẩm thơ ca của ông?

Lại có tác giả với sự nghiệp của họ, dẫu có thể khá đồ sộ, mà người đọc lại chỉ biết tới một bài thơ, nhưng đó là bài thơ xứng đáng để đời. Bởi thế, nhắc tới Thế Lữ là nghĩ đến Nhớ rừng, nhắc tới Vũ Đình Liên là nghĩ đến Ông đồ, nhắc tới Thôi Hữu là nhớ đến Lên Cấm Sơn, nhắc tới Hữu Loan là nhớ đến Màu tím hoa sim, nhắc tới Nguyễn Mỹ là nhớ đến Cuộc chia ly màu đỏ…

Từ thực tế mang màu sắc “phi logic” ấy tôi nghĩ, khi xác định một tác phẩm “có tác dụng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân” hoặc “xuất sắc, có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tác dụng tốt trong việc giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ của nhân dân, góp phần đáng kể vào sự phát triển của nền văn học - nghệ thuật Việt Nam” như Quyết định Ban hành Quy định tạm thời…đã xác định thì cũng nên tham khảo các tình huống văn chương như vậy.

Điều này có thể cho phép đưa ra ngoài giải thưởng các tác phẩm mà sự “thành công” xem ra chỉ là kết quả của sự tán tụng giữa đồng nghiệp với nhau.

Vì từ 145 tác phẩm văn học đủ điều kiện, tôi có thể liệt kê ra vài chục tác phẩm mà chắc chắn nếu tiến hành một điều tra xã hội học nghiêm túc thì nhiều người trong giới văn chương còn chưa biết, nói chi tới người đọc…!?

Vẫn biết khẳng định và tôn vinh đóng góp của văn nghệ sĩ với văn hoá - nghệ thuật nước nhà thông qua các giải thưởng là cần thiết. Nhưng thiết nghĩ cần phải khẳng định và tôn vinh những giá trị đích thực theo nguyên tắc “ít mà tinh”.

Còn nếu trao giải thưởng tràn lan, tác phẩm được trao giải có chất lượng chỉ ở mức trung bình thì xét đến cùng, chỉ làm suy giảm uy tín của giải thưởng mà thôi!

MỚI - NÓNG