Giải trí Sài Gòn thời ế ẩm - Bài cuối: Chết mòn

Nghệ sĩ Vân Sơn thường ra chụp hình chung với khán giả để cứu sân khấu. Ảnh: Trọng Thịnh.
Nghệ sĩ Vân Sơn thường ra chụp hình chung với khán giả để cứu sân khấu. Ảnh: Trọng Thịnh.
TP - Cùng chung số phận đìu hiu với phòng trà và tụ điểm ca nhạc, các sân khấu kịch ở TPHCM cũng rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, chủ cụm sân khấu kịch IDECAF hoạt động lâu đời tại TPHCM thừa nhận không biết sẽ cầm cự được bao lâu.

Rời bỏ sân khấu kịch

Hầu hết sân khấu kịch rơi vào tình trạng đìu hiu, nhiều buổi diễn phải huỷ suất vì vé bán èo uột, thu không đủ chi. Lượng khán giả sụt giảm mạnh khiến sân khấu kịch dở sống dở chết. Nhiều chủ các sân khấu kịch thú nhận, giữ sân khấu là vì đam mê, phải kiếm tiền ở lĩnh vực khác để bù vào.

Đầu đàn của sân khấu kịch như 5B oanh liệt một thời hay những sân khấu nhỏ, mới như Thuần Việt, sân khấu của X Pro, Kịch Family… đã lần lượt đóng cửa.  Ngoài chất lượng vở kém, sự tấn công ồ ạt của các chương trình truyền hình thực tế, khiến sân khấu kịch TPHCM rơi vào tình trạng ngắc ngoải, cầm cự. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết: “Khi truyền hình thực tế nở rộ, nó như là sản phẩm giải trí tại nhà miễn phí khiến người ta “biếng” ra ngoài đến các nhà hát, sân khấu”.

Bà “bầu” Ái Như, Giám đốc sân khấu chính kịch Hoàng Thái Thanh tiết lộ, lúc thịnh hành mỗi đêm hàng trăm ghế kín chỗ, nay èo uột. “Chúng tôi giảm giá vé xuống rất thấp để duy trì khách nhưng có nhiều suất vẫn phải bù lỗ”- bầu Ái Như chua xót. Thời buổi hiện nay phải đếm từng tấm vé mới dám mở màn. Nữ đạo diễn nói thêm, nếu trước đây tuổi thọ của các vở diễn tới vài năm thì nay chỉ mới diễn khoảng 5-6 suất là lượng khách tụt giảm mạnh, gần như tuần nào cũng lỗ.

Trong bối cảnh sân khấu đang ế ẩm, Vân Sơn lại đứng ra mở sân khấu mang tên V.Show. Để câu kéo khách, ngoài việc đầu tư chất lượng vở diễn và mời gọi các ngôi sao cùng tham gia, Vân Sơn còn phải đích thân ra tận cửa rạp gặp gỡ trò chuyện, chụp hình chung với khách trước mỗi đêm diễn để hút khách. Nghệ sỹ Minh Nhí cũng công nhận đi làm gameshow là để lấy tiền nuôi kịch.   

Nói về việc khán giả rời sân khấu, diễn viên kịch Hòa Hiệp lý giải nhiều nghệ sĩ làm việc không nghiêm túc, không tôn trọng khán giả. “Bây giờ khán giả có quá nhiều hình thức giải trí lựa chọn, mình làm ẩu họ sẽ không tới với mình”- Hòa Hiệp chia sẻ. Theo anh, điều đáng trách hơn nữa là các “bầu sô” đã thiếu quan tâm đến cả diễn viên và khán giả.

Giải trí Sài Gòn thời ế ẩm - Bài cuối: Chết mòn ảnh 1 Sân khấu kịch lèo tèo vài khán giả.

Đua theo gameshow

Không chỉ khán giả rời bỏ sân khấu, diễn viên cũng lãng quên vai diễn của chính mình đua theo hào quang gameshow. Các ông bầu, bà bầu cho rằng, nguyên nhân là do bị cạnh tranh khốc liệt từ các loại hình giải trí khác nhất là gameshow truyền hình, rạp chiếu phim hiện đại. Nghệ sĩ, diễn viên cũng đua nhau chạy đóng phim, làm giám khảo, tham gia các cuộc thi. Chẳng còn ai chuyên tâm tập luyện, nên sân khấu mất dần khán giả.

Diễn viên Thành Lộc cho biết, những vở kịch ăn khách vẫn không thể diễn được. “Ngày trước, diễn viên ưu tiên cho sân khấu, họ luôn nói trên báo, đài rằng sân khấu kịch là nơi cho chúng tôi lớn lên, trưởng thành, tạo dựng sự nghiệp, tên tuổi. Chúng tôi phải quay về vì đó là cái nôi. Họ nói hay lắm! Rồi một năm, hai năm, ba năm… điều đó nhạt dần. Đến hôm nay, sân khấu phải có nhiệm vụ “né” lịch quay phim, truyền hình của họ vì họ quá bận”- nghệ sĩ Thành Lộc tâm sự.

Anh cho biết không thể trách họ được vì thù lao của sân khấu trả thấp hơn. Bây giờ, họ đi xe hơi, mua biệt thự, mua căn hộ, đồng lương ở sân khấu không đủ sức để trả góp những thứ ấy. “Chúng tôi bị lép vế là sự thật. Cho nên, dàn dựng vở mới rất khó. Tái diễn vở cũ còn khó hơn. Cũng may còn khá nhiều nghệ sĩ trụ cột, bám trụ sàn diễn. Họ sống có trách nhiệm, đồng cam cộng khổ để sân khấu sáng đèn”- nghệ sĩ chia sẻ. Diễn viên - đạo diễn Hạnh Thúy nói, nghệ sĩ phải đi làm nhiều việc khác để duy trì cuộc sống cũng bình thường. Con người, cuộc sống phải vận động, về mặt nào đó cũng tốt. Bản thân nghệ sĩ cũng muốn tự làm mới, xem khả năng của mình đến đâu.

Theo Hạnh Thúy, thu nhập nghề chính không bằng các “công việc phụ”. Không ít nghệ sĩ vì nghề phụ mà quên mất nghề chính, quên mất cái “gốc” của mình. “Sân khấu mất nghệ sĩ đồng nghĩa sân khấu mất khán giả. Và khi mất khán giả nghệ sĩ sẽ không còn mặn mà với sân khấu. Đấy là cái vòng luẩn quẩn”- đạo diễn nói. Tiền cát - sê của những nghệ sĩ “đinh” cao nhất hàng đêm cũng chỉ tới 1 triệu đồng, nhưng phải diễn suốt 3 tiếng trên sân khấu. Chưa kể, trước đó phải dành hơn tháng trời tập luyện. Đó là nghệ sĩ tên tuổi, còn diễn viên chưa có tên tuổi, thù lao chỉ vài trăm ngàn một đêm diễn.

Diễn viên Hòa Hiệp nêu thực trạng, nghệ sĩ mê nghề nhưng họ còn mê tiền hơn. “Ai bảo không mê tiền là nói xạo”- anh nói và thừa nhận, hầu như những người làm game Show hiện nay, chẳng còn ai diễn sân khấu. “Đóng một bộ phim được trả vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Ngồi ghế nóng một số gameshow cũng vài chục tới trăm triệu đồng, trong khi sân khấu trả được bao nhiêu? Nếu có trách, chỉ có thể trách bầu show”- Hòa Hiệp nói.

Theo Hòa Hiệp, lúc đông khán giả, diễn viên không được tăng thù lao nhưng khi vắng khách lại bị trừ lương. Đó là điều bất công. Có khi cát-sê 1 đêm diễn từ 1 triệu đồng bị trừ còn 500.000 đồng. Người cát-sê 300.000 đồng không biết còn được bao nhiêu?  “Sân khấu kịch 5B từng có một thời hoàng kim, mua vé vào xem rất khó. Phải xếp hàng và mỗi người chỉ được mua 3, 4 vé. Còn bây giờ mỗi đêm bán được 30, 40 vé. Kịch Phú Nhuận cũng vậy. Những tuồng ngày xưa dưới 100 vé không diễn. Bây giờ 50 vé cũng diễn”, diễn viên chia sẻ.

NSND Hồng Vân cho biết mỗi tháng phải bù lỗ hơn 200 triệu đồng cho 2 sân khấu của mình và cuối năm phải đóng cửa một sân khấu vì không kham nổi. Nghệ sỹ Minh Nhí đã bỏ hơn 1 tỷ đồng nâng cấp cho sân khấu của mình nhưng cũng không biết còn cầm cự được đến khi nào vì vẫn đang lỗ.

MỚI - NÓNG