Giám khảo Hoa hậu ASEAN: Những điều chưa biết

Giám khảo Hoa hậu ASEAN: Những điều chưa biết
Nhận lời mời của bà Maricel S. Macerar, Phó ban tổ chức Hoa hậu ASEAN, tôi lên đường sang Jakarta qua hai chặng bay, phải nghỉ lại Singapore một đêm và gần một buổi sáng. Đi nước ngoài thời khủng bố quả là phiền phức. 

Hết kiểm tra, lại kiểm tra. Cởi áo khoác, cởi giày, cởi tất… Cũng may là tôi chưa bị tháo tung hành lý như nhiều hành khách đến từ các nước Trung Đông. Từ sân bay về khách sạn Santika, tôi hơi ngạc nhiên vì con đường vào thành phố rộng bảy tám làn xe, sạch sẽ, cây cối xanh tươi, những bãi cỏ non của ngày cuối xuân tuyệt đẹp.

 Đất nước vừa trải qua cơn sóng thần khủng khiếp và những vụ khủng bố kinh hoàng, trong trí tưởng tượng của tôi có lẽ khác kia… Nhưng, con người của xứ sở đại bàng này đã vượt lên nỗi đau để sống với ngày hội mà chính họ đăng cai tổ chức.

Xe vào cổng khách sạn, phải dừng lại để kiểm tra. Máy dò mìn rồi những người cảnh sát nhìn vào tận xe. Khách sạn Santika ba sao, nằm xa trung tâm, hình như người Jakarta ít biết đến…

Buổi họp Ban giám khảo đầu tiên là một cuộc tranh cãi về con số 11. Trong lịch làm việc dự kiến sẽ họp từ 5 giờ chiều đến sáu giờ, sau đó Ban giám khảo sẽ ăn cơm với các thí sinh lúc 6 giờ tối, vừa ăn vừa quan sát để chấm điểm (tất nhiên là không để cho thí sinh biết chúng tôi là giám khảo).

Nhưng cuộc họp phải kéo thêm hai tiếng rưỡi đồng hồ nữa vẫn chưa kết thúc. Tất cả là ở con số 11. Ban tổ chức dự kiến mỗi nước mời một giám khảo đại diện. ASEAN có 10 nước, tất nhiên là có 10 giám khảo và thêm một giám khảo nữa của nước chủ nhà.

Đại diện Ban tổ chức giải thích rằng phải là con số lẻ để khi 50% trên 50% ý kiến của Ban giám khảo thì phải có cán cân xác định ai hơn. Mở đầu cuộc tranh luận là ông Shulano - Đại sứ Philippines được mời làm giám khảo đại diện cho đất nước ông. Ông nói, nước chủ nhà hai người trong Ban giám khảo là không công bằng. Giám khảo Brunei ủng hộ đại diện Philippines, chỉ cần 10 giám khảo đại diện cho 10 nước ASEAN thôi.

Cứ thế, cuộc tranh luận ngỡ như bất tận. Đại diện Ban tổ chức có vẻ lúng túng. Tôi có cảm tưởng họ đã mời rồi, mời những người có thế lực và nổi tiếng nên thật khó rút lui… Đại diện Ban tổ chức lại nói: Hai vị giám khảo Indonesia sẽ rất khách quan, sẽ không thiên vị trong chấm điểm cho hoa hậu nước chủ nhà.

“Chúng tôi cũng tin như vậy, nhưng hàng chục triệu khán giả của 6 nước theo dõi trên màn ảnh nhỏ sẽ nghĩ khác, nếu nước chủ nhà đăng quang hoa hậu” - Đại sứ Philippines quyết liệt.

Đại diện Ban tổ chức hướng về phía tôi: ý kiến Việt Nam thế nào? Tôi nói: Theo tôi, Ban tổ chức đã mời, các giám khảo đã dự họp ở đây, nên chăng, vẫn để nước chủ nhà hai người, một người chấm, còn một người (tôi nói tên ông Igede Ardika nguyên Bộ trưởng Du lịch Indonesia) làm  Trưởng ban giám khảo, chỉ điều hành chứ không tham gia chấm (cho điểm).

Mọi người có vẻ tán thành. Đại diện Ban tổ chức nói: Đó là một phương án, có một phương án nữa là Indonesia chỉ có một, mời thêm một người nữa không ở trong khối Asean. (Hôm sau họp lại mọi người đều nhất trí phương án mà đại diện Việt Nam gợi ý).

Suốt những buổi chấm về sau, chỉ có 10 phiếu chấm, ông Igede  Trưởng ban giám khảo không chấm, chỉ là người điều hành chung). Chương trình hôm ấy, phần ăn cơm cùng thí sinh để quan sát  phải hủy bỏ vì đến gần 9 giờ cuộc họp Ban giám khảo mới tạm dừng. Các vị giám khảo đều đói bụng rồi, phải đi ăn tối.

Sáng hôm sau, cuộc tranh luận về các tiêu chí của Hoa hậu Asean còn sôi nổi hơn. Ban tổ chức đề ra ba tiêu chí với thang điểm như sau: kiến thức: 40 điểm; sắc đẹp: 30 điểm; ứng xử: 30 điểm. Giám khảo Malaysia, bà Limbeng Thai, một người tạo mẫu nổi tiếng nói: Nên thay ứng xử bằng sức khoẻ. Mọi người lắc đầu. Giám khảo Singapore, cựu hoa hậu nước này giờ là nghị sĩ quốc hội, cô Hannah Toh nói: Tôi đề nghị thay tiêu chí ứng xử bằng tiêu chí phong cách… Cứ thế, mỗi người đưa ra một khái niệm. Chín người mười ý. Không chỉ có thế, giờ là 11 người và rất nhiều ý kiến khác nhau.

Cuộc họp này do ông Tanto Wi, một nhà doanh nghiệp rất nổi tiếng, một tỷ phú đô-la của Indonesia là Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu ASEAN 2005 điều hành. Nguồn tiêu chí đầu tiên với số điểm tối đa là 40 đã là một cuộc tranh luận thú vị. Với tiêu chí “trí tuệ” nên dùng  từ Brain hay từ Intelligence “đắt” hơn? Người thì bảo từ Brain rộng hơn, người thì bảo phải là Intelligence. Cuối cùng ông Trưởng ban tổ chức phải biểu quyết bằng cách giơ tay. Bảy vị giám khảo đồng ý dùng từ Intelligence.

Tiêu chí thứ ba: ứng xử (Behaviour), mọi người lại đề nghị thay đổi là phong cách. Ngay vị trí của ba tiêu chí cũng thay đổi. Trí tuệ đầu tiên, rồi đến phong cách, sắc đẹp (beauty) bị xếp cuối cùng.

Sau khi nhất trí vị trí và thang điểm của ba tiêu chí, mọi người bầu ông Igedeardika làm Trưởng ban giám khảo và ông Sonchai Xuk, Chủ tịch Ngân hàng quân đội hoàng gia Thái, giám khảo Thái Lan làm Phó.

Ông Tantowi cứ nhấp nhổm trên ghế chủ tọa. Trước buổi chấm, tôi có cuộc trò chuyện ngắn với ông. Ông cho biết tháng Tư này, ông sẽ cùng bà Bộ trưởng Thương mại sang Việt Nam. Ông nói, hiện ông có 26 Cty trong tập đoàn của ông đang hoạt động ở 26 nước trên thế giới. Tôi đề nghị ông được đến một điểm nào đó nơi cơn sóng thần  vừa đi qua để trao tận tay số tiền ủng hộ nạn nhân sóng thần của báo Tiền Phong.

Ông ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: Lịch làm việc của Ban giám khảo kín mít rồi, khó mà bố trí được, với lại, hiện giờ ông là thành viên của Ban điều hành cứu trợ nạn nhân sóng thần của chính phủ. Nếu tôi trao số tiền cho Ban tổ chức, ông hứa sẽ chuyển tận tay cho các nạn nhân và ông cảm ơn báo Tiền Phong.

Ông xin lỗi, vì không cùng ăn cơm tối được với các thành viên Ban giám khảo vì có điện của Phủ Tổng thống mời ông họp…

Đón đọc bài II: Thời gian là kẻ thù ... ?

MỚI - NÓNG