Giáp Tết

Minh họa: Đỗ Đức
Minh họa: Đỗ Đức
TP - Hai năm trước, bay thẳng từ Pháp về thấy không khí Tết ngay từ sân bay Charles De Gaulle đã đành, bởi người Việt ở Pháp nhiều.

Năm nay, tôi đi chéo đi xiên từ Brussels qua Doha- thủ đô của Qatar, ngỡ ngàng vì một sân bay rộng lớn và sầm uất trên bờ vịnh Ả Rập thế này mà cũng thấy bóng dáng Tết Việt.

Chớ nghĩ chuyện gửi Tết, biếu Tết của người xa xứ đã bớt nhiêu khê. Còn nặng nề lắm, chính là ở cách nghĩ. Mỗi lần bố trí được chuyến về ăn Tết cổ truyền, phải chỗ bạn bè thân thiết lắm tôi mới dám loan tin, ngại vác đồ lỉnh kỉnh. Lần trước chưa kịp mở miệng, cô bạn đã mau mắn gửi phong bì.

Lần này, tôi đon đả trước “Chị lại về ăn Tết, em có gửi tiền biếu bố mẹ không”, cô sẵng giọng “Tiền đâu mà gửi. Có tiền cũng không gửi nữa”. 

Tôi thủng thẳng “Tiến bộ được thế thì tốt”. Cô buồn rầu “Em nghiệm ra rồi. Mình cho người ta kẹo suốt 364 ngày nhưng chỉ một ngày không có kẹo họ sẽ bảo cả năm chẳng cho gì! Suốt ngày gọi điện nã tiền, không chỉ bố mẹ, anh chị em mà đến cháu dâu cháu rể cũng hỏi tiền. Làm sao gánh nổi”. 

Một tuần sau, gặp lại tôi, cô kéo tuột vào bếp, lén chồng giúi vào túi xách của tôi phong bì chưa kịp dán kín, những tờ bạc 50 Euro rút vội sau một ngày bán hàng mép còn cong vênh nhàu nhĩ “Tiền Tết vẫn phải biếu, chị mang một nghìn Euro về cho bố mẹ em ăn Tết nhé”.

Thời buổi hiện đại rồi, không phải gia đình Việt nào có người thân xa xứ cũng đòi hỏi tiền Tết như thế. Nhưng, có khi lòng người ở nhà đã thông mà dạ người ở xa còn chướng đầy băn khoăn nghi ngại.

Một người bạn khác của tôi, sau ba năm lấy chồng ở châu Âu Tết này lần đầu trở lại thăm nhà, cầm trong tay gần 10.000 Euro vẫn lo lắng “Cộng cả tiền chồng cho tiêu vặt hàng tháng tớ lén giữ lại mới được ngần này. Không biết đã đủ chưa. Gia đình khá giả, chẳng đòi hỏi gì nhưng mình ở xa về thăm mà không biếu cha biếu mẹ được vài ngàn Euro, biếu anh biếu chị vài trăm Euro, rồi mừng tuổi người già, trẻ nhỏ, họ hàng…”.

Những người bạn ấy đều có cuộc sống dư dả hơn tôi, thế mà họ lại khổ hơn tôi về chuyện này. Lần nào về chơi tôi cũng lười mang vác quà cáp, bao nhiêu tiền dồn cả vào vé máy bay rồi, các mối quan hệ quanh tôi cũng hiểu. Nhưng vừa rồi một đồng nghiệp cũ nhắn tin “Mua giúp chị mấy lọ sữa rửa mặt, kem dưỡng da”. 

Tôi giãy nảy “Việt Nam bây giờ chẳng thiếu thứ gì chị còn bắt em mang vác”, cô phóng viên ấy đáp “Đúng là ở nhà bây giờ thứ gì cũng có, chỉ không biết hàng thật hay không”. Có lẽ từ nay tôi phải thay đổi quan điểm mang vác đồ đạc trên chuyến bay đường dài. Cũng là một công đi.

Trở lại quang cảnh sân bay Doha những ngày giáp Tết Việt. Xe buýt đón khách từ máy bay chạy cả nửa tiếng mới vào đến nhà ga. Đi trong cái nhà ga rộng lớn và ngập kín màu khăn áo trắng, đen của người Hồi giáo này, làm sao có không khí Tết Việt? Vậy mà có đấy. Tiến dần vào cổng 41, chờ nối chuyến bay từ Doha đến Hà Nội, bắt đầu nghe tiếng Việt rôm rả rồi.

Chỗ này là hai thanh niên xuất khẩu lao động ở Trung Đông cùng khảo giá thuê nhà trọ, chỗ kia một phụ nữ trẻ biến góc nhà ga thành góc bếp với lỉnh kỉnh chai lọ sữa bánh khăn áo cho con nhỏ đang cáu gắt bà mẹ già vai khoác tay xách biết bao nhiêu loại túi vải, túi nhựa, túi cói. 

Ghê gớm hơn, một người đàn ông Tây Âu mặc áo măng tô đen, mũ phớt thẳng nếp sang trọng, lịch thiệp như điệp viên Nguyễn Thành Luân mà tay lại xách chiếc bếp điện hai mâm! Đi cạnh người này là một phụ nữ Việt. Hẳn rồi, về quê vợ ăn Tết mang cả hàng xách tay bếp điện xịn. Cũng là một công đi, phương Tây đã thuần phương Đông.

Về sân bay Nội Bài thì khỏi phải nói, đứng cả tiếng chờ lấy đồ. Vali đã lắm mà thùng mì tôm quần quật quăng lên băng chuyền cũng nhiều. Làm gì có chuyện chở củi về rừng, chẳng qua dân Việt ở nước ngoài thèm mì tôm, ăn hết vẫn giữ lại hộp để đóng gói quà mang về dịp Tết. 

Tôi chắc các thùng mì tôm này đều chứa những thứ siêu thị Việt có đầy, nhưng quý ở chỗ mua từ nước ngoài về. Thấy bóng mẹ vẫy tay rối rít bên ngoài cửa kính, mừng rơi nước mắt, mệt mỏi đường xa tựa hồ vơi tan.

Chờ bao lâu mẹ cũng chẳng ngại, vì cái hạnh phúc được đón con cháu trở về choán ngợp tâm trí, nhưng mẹ bảo “Các ông các bà đứng cạnh mẹ than: chở cả thế giới về ăn Tết hay sao mà lâu thế”. Đúng chứ chẳng ngoa!

MỚI - NÓNG