Giật mình khi đọc Lê Vân...

Giật mình khi đọc Lê Vân...
Tôi cứ tưởng “trăm năm cô đơn” của Gabriel G.Markez là mẫu bi kịch cuối cùng của con người và nó chỉ có thể tồn tại ở một thời xa vắng, trong cái thế giới mà mọi thông tin liên lạc còn khó khăn.
Giật mình khi đọc Lê Vân... ảnh 1

Nhưng hóa ra Lê Vân trong “yêu và sống” còn cô đơn, thống khổ hơn thế bởi chị không thể nói, không thể giãi bày với cả người thân trong gia đình, ngay trong thời hiện đại, cho đến tận khi cuốn tự truyện được xuất bản.

Tôi chợt nhìn xung quanh. Có bao nhiêu phụ nữ đang cam chịu những nỗi đau tinh thần mà không thể thốt lên thành lời? Có bao nhiêu gia đình lâm vào cảnh đối với nhau là nghĩa vụ chứ tình yêu thương thì chắc chắn là không có? Cái giật mình của tôi phải chăng cũng là cái giật mình của nhiều người khi đọc tự truyện của Lê Vân.

Nhưng không phải để lập thành một “diễn đàn oán trách” mà để nhận ra một điều  đã đến lúc cần thay đổi nếp nghĩ, nếp sống cũ. Từ thời trẻ đến giờ, bố tôi chưa bao giờ đưa cho mẹ tôi một đồng tiền lương.

Của đáng tội, không phải bố không muốn đưa mà vì .. không có cái gì để đưa. Lương công chức ba cọc ba đồng, lại bị cái tật nghiện thuốc lá ngốn sạch. Đến lúc cơ chế thị trường thì rõ là không đua chen được với người ta, bị tụt hậu, lại càng chẳng kiếm ra được nhiều tiền.

Nếu trước đây, chỉ rặt có sự chì chiết, trách móc thì bây giờ, sau khi đọc Lê Vân yêu và sống, mẹ tôi nghiệm ra: “Thời ấy ai chẳng thế” và nói đùa: “Hóa ra không chỉ có ông bố nhà này mà cả ông NSND Trần Tiến cũng từng là một ông bố không bao giờ đưa cho vợ một đồng”.

Một sự hóa giải nhẹ nhàng! Tôi nghĩ mẹ tôi đã tha thứ cho bố tôi. Nhưng trước khi làm được điều đó, mẹ  cũng đã biết cách liệt kê rành mạch “tội trạng” của bố tôi, trong một bối cảnh lịch sử cụ thể để rồi có được phán xét cuối cùng là “trắng án”. Vấn đề là một khi chưa “kể tội” đúng thì người ta gần như không thể nào “xóa tội” cho người khác và lấy lại sự thanh thản cho mình.

Bố mẹ tôi giận nhau 30 năm và còn có thể giận nhau thêm nhiều năm nữa. Bao giờ những chuyện giận nhau này mới hết để thay vào đó là sự cởi mở, thẳng thắn nói với nhau những điều chưa hài lòng về nhau? Tôi thật sự mong muốn điều đó, mặc dù cảm thấy rằng mong muốn cha mẹ và con cái là những người bạn tốt, vợ chồng tôn trọng, bình đẳng với nhau còn khá xa trong chính thời đại bây giờ.

Bởi thế mà Lê Vân cũng không khỏi suy nghĩ về những phản ứng gay gắt giữa những luồng tư tưởng cũ và mới: cởi mở hay “sống để bụng chết mang theo”? Hồi còn làm dịch vụ hồi ký, tôi từng chứng kiến bao nhiêu người đến kể chuyện đời mình, lắt léo, tình tiết oan trái, đẫm nước mắt...

Khi cuốn hồi ký được hoàn tất, họ chia sẻ với chúng tôi rằng họ thấy thật nhẹ nhõm, rằng họ đã được sám hối. Còn “Yêu và sống” của Lê Vân, cũng là một cách sám hối, trước hết là cho mình, sau đó là cho người. Một sự tổng kết gần nửa thế kỷ yêu và sống trong mẫu số chung của nhiều người, một sự kết thúc những nỗi buồn, sự cô đơn, hờn giận.

Xa hơn nữa, cuốn sách có thể là một sự nhắc nhở về một cách sống chân thật, hòa đồng hơn, hóa ra vẫn chưa có chỗ đứng giữa thời hiện đại này.

Theo Phương Nga (Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ ACE Life Việt Nam)
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".