Giàu ghen khó ghét

Giàu ghen khó ghét
TP - Làng quê xưa nay vẫn được coi là chùm khế ngọt, là nơi neo đậu của bao lớp người, của tình làng  nghĩa xóm. Nhưng hiện nhiều cái xấu ở làng quê vẫn còn biểu hiện.

Và ăn sâu bám rễ vào tâm thức của người dân quê trở thành một thói xấu, dẫn đến những chuyện buồn không đáng có, mất tình nghĩa xóm làng.

Giàu ghen khó ghét ảnh 1

Câu chuyện thứ nhất: Chuyện ông H ở thôn XV vừa tậu được cái xe máy Nhật xịn làm xôn xao làng trên xóm dưới, đi đâu làm gì người ta cũng bàn về gia cảnh nhà ông, về cái sự lên đời của gia đình ông.

Chỉ có mấy năm thôi gia đình ông như lột xác, từ một gia đình gần như nghèo nhất nhì ở cái xã này, bữa trước chạy ăn bữa sau, con cái nheo nhóc…

Từ khi có chính sách cho hộ nghèo vay vốn làm ăn, ông mạnh dạn vay 5 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi lợn và gia cầm.

Đợt đầu trừ chi phí ông trả hết được nợ, còn dư hơn 5 triệu đồng. Những năm sau ông đầu tư lớn hơn, thế chấp nhà cửa vay vốn để xây dựng chuồng trại, đào ao theo mô hình VAC.

Trên nuôi lợn, dưới ao ông thả cá, nuôi 500 vịt đẻ, vườn ông trồng rau sạch…  Ông H tậu được xe máy, sắm sửa tiện nghi trong nhà như ti vi, tủ lạnh… âu cũng thật đáng mừng cho gia đình ông.

Nhưng bỗng đàn vịt siêu trứng của gia đình đang đẻ tốt, lăn đùng ra chết hàng loạt, ông cuống cuồng tìm cách cứu chữa, nhưng quá muộn, đàn vịt nhà ông đã ăn phải thuốc chuột. Đêm qua có kẻ đã lẻn vào cho vịt ăn thuốc chuột để hại ông.

Câu chuyện thứ hai: Anh B là trưởng thôn, đồng thời là công an xóm ở một xã ngoại thị. Làng có đường quốc lộ chạy qua, nên người dân quê anh thường ra ven đường để bán quán giải khát, vá xe, bán xăng.

Người đi đường sẽ rất biết ơn những quán hàng di động đó nếu như bất chợt xe họ bị hết xăng, thủng săm… được mọi người giúp đỡ vì đoạn đường này cách xa khu dân cư.

Nhưng người dân quê anh thường bắt chẹt khách, bắt khách phải trả giá cắt cổ khi xe mình có sự cố. Không những thế trên đoạn đường này họ còn cho trẻ nhỏ rải đinh, những vật nhọn trên đường nhằm thu lợi bất chính.

Theo như khách đi đường cho biết cứ đến đoạn đường xã anh thì xe của họ rất hay bị thủng săm. Đứng trước tình hình đó với cương vị là công an xóm anh B khuyên mọi người không nên kinh doanh như vậy. Anh thường xuyên theo dõi, phát hiện người rải đinh, cử người lượm những vật nhọn rải ra đường…

Thấy việc làm xấu của mình bị anh B phát giác, các hộ kinh doanh trên đường thóa mạ anh, thậm chí còn tẩy chay gia đình anh, cho rằng anh đã cướp đi miếng cơm của con cái họ.

Gia đình anh rơi vào cảnh cô đơn không tình làng nghĩa xóm, khi bố anh chẳng may qua đời vì bạo bệnh, họ cũng không một lời hỏi thăm hoặc động viên.

Có kẻ còn độc miệng nói bố anh mắc phải căn bệnh hiểm nghèo đó là do anh: Nhân nào quả đấy… Gặp chúng tôi anh phân bua: Khổ quá bà con không hiểu tôi, tôi cũng chỉ muốn tốt cho bà con thôi.

Rất nhiều câu chuyện buồn vẫn còn xảy ra ở quê tôi chỉ vì cái tâm lý xấu ghen ăn ghét ở, con gà tức nhau tiếng gáy vẫn còn ăn sâu bám rễ trong tiềm thức người dân quê…

Thiết nghĩ để cho làng quê luôn đẹp trong con mắt mọi người, các cấp chính quyền cần quan tâm đến cuộc sống của người dân quê, tạo công ăn việc làm cho họ; tăng cường tuyên truyền hơn nữa về ý thức xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong từng thôn xóm, tổ dân phố để người dân hiểu rõ hơn về công việc mình làm.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.