Giếng cổ Chămpa 1.000 tuổi ở Hội An

Giếng cổ Chămpa 1.000 tuổi ở Hội An
Ngõ kiệt hút sâu trong phố nhưng nhìn rõ từ đầu này sang đường kia - điểm ấn tượng của kiến trúc đô thị cổ Hội An. Du khách bị hút vào những con kiệt, một chiều sâu văn hoá, có giếng cổ nằm ngay giữa đường hoặc bên một bờ tường thành rêu phong, xiêu đổ.
Giếng cổ Chămpa 1.000 tuổi ở Hội An ảnh 1

Giếng thiêng

Phải kể đến giếng Mái nằm ở ngã 5, trước chợ Hội An. Đây là giếng công cộng duy nhất ở phố cổ được lợp mái ngói vảy cá.

Hay như giếng Bá Lễ nổi tiếng với nguồn nước thanh mát, mạch ngầm dồi dào, là nguồn nước tốt nhất để chế biến món cao lầu trứ danh phố Hội.

Giếng có cấu trúc hình vuông, thành lát gạch, đáy lát gỗ sâu khoảng 8m. Riêng giếng Đá ở Trà Quế có hình tròn từ đáy lên, quanh miệng lại hình vuông, bốn góc tường có 4 cây trụ đá vuông và phần chính của giếng được xếp bằng đá.

Giếng Đá không chỉ cung cấp nước ngọt mà còn là điểm nhang khói cúng thần vào ngày rằm, mùng một vì cư dân quanh vùng cho rằng giếng rất linh thiêng.

Đó là những giếng cổ Chămpa có niên đại xác định khoảng 1.000 năm. Khu trung tâm phố cổ có bán kính chỉ 0,5km nhưng có đến 20 cái giếng như thế.

Không phải giếng bình thường như ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước Việt Nam, giếng Chămpa Hội An được xem như một giá trị văn hoá vật thể phản ánh đời sống sinh hoạt của cộng đồng cư dân Chămpa tại đây từ hơn 10 thế kỷ trước.

Ngay như con kiệt Trần Phú sang Bạch Đằng gần với Chùa Cầu, người đi sẽ bị cái giếng nằm giữa con đường chỉ rộng chừng 2m ngáng chân. Âu đó cũng là cách mà Hội An níu giữ, mời gọi du khách.

Giếng cổ Chămpa 1.000 tuổi ở Hội An ảnh 2

Nguồn mạch ngàn năm

Giếng Chămpa được phân bố trong quần thể khu phố cổ theo một hệ thống khá liên hoàn, dọc bờ Bắc và Nam của sông Thu Bồn, bên bờ các dòng chảy cổ và đảo cù lao Chàm.

Hầu hết giếng đều có kết cấu bằng đá hoặc gạch hình "vành khăn", còn gọi là hình "cổ áo". Bên dưới có 4 thanh đà bằng gỗ lim ghép lại thành hình vuông, lòng thành giếng được xây vuông hoặc tròn.

Điều kỳ lạ là cho đến hôm nay, người Hội An vẫn sử dụng hầu hết các giếng cổ này vì giếng rất trong, sạch và ngọt. Điều này thể hiện trình độ chọn đất hay sự am hiểu về phong thuỷ rất cao.

Qua nhiều nguồn tư liệu cho biết, người Chămpa xưa đào giếng, ngoài việc phục vụ nhu cầu hàng ngày, họ còn trao đổi nước ngọt với các thuyền, tàu buôn nước ngoài đến cảng thị Hội An.

Trải qua quá trình sử dụng, các lớp cư dân Việt đã có gia cố, tu bổ nhưng kết cấu, chất liệu vẫn không thay đổi; nhiều cái giếng cổ của cộng đồng người Việt hay người Minh Hương - Trung Hoa tại Hội An có niên đại trên dưới 300 năm cũng đã học theo kỹ thuật làm giếng của người Chămpa, rõ nét nhất là giếng đình Minh Hương nằm trên đường Phan Chu Trinh.

Trung tâm phố thị có hệ thống nước máy mà đa phần người Hội An vẫn mua nước từ các giếng cổ này để nấu ăn. Vào sáng sớm hay chiều tối, những đôi quang gánh hoặc xe ba gác vẫn chở nước toả đi khắp các ngả đường.

Theo Quốc Hải
Sài gòn Tiếp thị

MỚI - NÓNG