Giỗ Tổ Hùng Vương : Đậm nét văn hóa Văn Lang

Giỗ Tổ Hùng Vương : Đậm nét văn hóa Văn Lang
TP - Khác hẳn những năm trước, lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm nay như được “rải” ra và mọi người đã hành hương về đất Tổ từ những ngày đầu năm.
Giỗ Tổ Hùng Vương : Đậm nét văn hóa Văn Lang ảnh 1
Giã bánh dày. Ảnh: Đ.V

Thạc sỹ Nguyễn Tiến Khôi- Chủ tịch Hội sử học Phú Thọ, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: “Lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm nay như được “rải” ra và mọi người đã hành hương về đất Tổ từ những ngày đầu năm.

Tuy nhiên, càng đến gần ngày hội thì lượng du khách về càng đông. Chỉ tính riêng 2 ngày trước hôm khai hội (mùng 6/3 âm lịch) có trên 2 vạn người hành hương...”.

Chúng tôi có mặt tại đền Hùng sáng ngày 5/4 (tức mùng 8/3 âm lịch), ngay từ sáng sớm, những đám rước kiệu rực rỡ sắc mầu của nhân dân các xã Hy Cương, Tiên Kiên, thị trấn Hùng Sơn dẫn đầu đoàn dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của huyện Lâm Thao theo phong tục “Con trưởng tạo lệ” đã khuấy động không khí Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các vùng lân cận.

Từ thành phố Việt Trì đến Khu di tích và các điểm lễ hội, người nối người, tiếng hát, tiếng nhạc hoà lẫn cùng màu cờ hội, tiếng loa đài của các hộ kinh doanh chào mời khách, tiếng giới thiệu chương trình của các đoàn nghệ thuật... tất cả đã làm lên một không khí lễ hội sôi động.

Khôi phục văn hóa cổ truyền

Giỗ Tổ, như thường lệ, gồm hai phần lễ và hội. Phần lễ diễn ra trong 3 ngày, 5-7/4/2006 (tức mùng 8-10/3 năm Bính Tuất), trong đó quan trọng nhất là lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng sẽ diễn ra lúc 7h sáng 10/3 (âm lịch).

Phần hội diễn ra trong 5 ngày từ 6-10/3 âm lịch, gồm: Trò chơi dân gian, hoạt động thể thao, hội chợ, các tour du lịch gắn với chương trình “Du lịch về cội nguồn” của 3 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai.

Mở đầu phần hội là màn trình diễn ấn tượng đánh trống đồng, múa sư tử và hát xoan của các diễn viên, nghệ nhân xã Kim Đức (huyện Phù Ninh) tại Công Quán - Khu DTLS Đền Hùng...

Không gian lễ hội kéo dài đến Việt Trì và vùng phụ cận của 2 huyện Phù Ninh và Lâm Thao với các sự kiện: triển lãm sách với chủ đề “Từ đền Hùng nhìn ra cả nước, cả nước hướng về đền Hùng”; trưng bày “Những phát hiện khảo cổ học tỉnh Phú Thọ”; tổ chức đón bằng di tích lịch sử quốc gia và quyết định công nhận phường Xoan An Thái (xã Phượng Lâu- thành phố Việt Trì).

Cuộc thi giã bánh dày của làng Mộ Chu Hạ-Bạch Hạc (Việt Trì) cũng đã khởi động. Trước đó 1 tháng, người dân của 4 giáp chuẩn bị chày 4 chiếc (tre bánh tẻ), cối, gạo nếp 10kg.

Các bô lão đảm nhiệm bắt bánh và tế lễ phải là người mà gia đình song toàn không vướng bụi. Người giữ nhịp trống của cuộc thi năm nay vẫn là bác Lê Thế Sang, 52 tuổi, người gần chục năm nay chưa khi nào vắng mặt tại cuộc thi giã bánh dày của làng...

Ban tổ chức chọn ra 18 chiếc bánh đẹp nhất của 4 giáp dâng lên đền Thượng làm lễ cầu mong Vua Hùng ban phúc cho muôn dân.

Trở về với cuộc sống thời đại Văn Lang

Ông Nguyễn Tiến Khôi- Chủ tịch Hội sử học Phú Thọ, Giám đốc Khu DTLS Đền Hùng cho biết: Lễ giỗ tổ Hùng Vương năm nay có một số nét mới. Việc chỉnh sửa phần nhạc trong lễ dâng hương là phần được công chúng rất quan tâm.

Trên cơ sở nhạc lễ năm 2005, Bộ VHTT chỉ đạo Cục VHTT cơ sở thành lập một hội đồng tiến hành chỉnh sửa phần nhạc lễ này cho thêm phần trầm lắng và linh thiêng. Điểm mới thứ hai trong giỗ tổ năm nay là việc khai thác đậm nét văn hóa cổ truyền và việc xâu chuỗi các lễ hội cổ truyền của các địa phương quanh khu vực đền Hùng.

Hiện nay, trên mảnh đất cội nguồn có 61 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 160 di tích cấp tỉnh với 92 lễ hội dân gian. Năm nay, Sở VHTT Phú Thọ xây dựng đề án xâu chuỗi các lễ hội lại với nhau, khiến du khách được sống trong một bầu không khí đặc biệt, như đang trở về với chính cuộc sống và những sinh hoạt thời đại Văn Lang xưa.

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.